TP.Hồ Chí Minh đột phá y tế chuyên sâu: Làm chủ công nghệ phẫu thuật robot
(ĐCSVN) - Bệnh viện Bình Dân TP.Hồ Chí Minh, vừa đánh dấu ca phẫu thuật bằng kỹ thuật nội soi robot thứ 2.000 sau 6 năm rưỡi ứng dụng kỹ thuật này. Ca phẫu thuật (PT) thứ 2.000 cũng khẳng định ngành ngoại khoa của hệ thống y tế TP.Hồ Chí Minh ngày càng lớn mạnh, mang lại giá trị thương hiệu cao cho ngành y cả nước nói chung và khu vực ASEAN.
Phẫu thuật robot tại Bệnh viện Bình Dân |
Theo PGS-TS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện (BV) Bình Dân, đã điểm qua những thành tựu nổi bật của ngành ngoại khoa TP.Hồ Chí Minh. Đó là phẫu thuật nội soi có hỗ trợ robot điều trị các bệnh lý đường tiết niệu, tiêu hóa, gan mật tụy, lồng ngực...; phẫu thuật nội soi vào các khớp vai, khớp háng, khớp gối, các can thiệp nội mạch điều trị bệnh lý mạch máu não, tim gan, thận, ruột, chi...; Các phẫu thuật đi trong lòng các cấu trúc ống tự nhiên mũi xoang, đường tiêu hóa, giúp người bệnh được điều trị tối ưu bằng các phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu.
Việc ứng dụng những kỹ thuật mới để mở rộng năng lực điều trị của bác sĩ trong phẫu thuật cho thấy tinh thần tiên phong và khát khao ứng dụng công nghệ nhằm mang lại hiệu quả điều trị tốt hơn nữa cho bệnh nhân.
"Sự thành công của phẫu thuật robot, một đỉnh cao mới của phẫu thuật nội soi thế giới, được triển khai thành công tại BV Bình Dân và nhiều BV trong nước là minh chứng điển hình về việc chúng ta có thể đi sau nhưng về cùng với một số nước trong khu vực và thế giới. So với một số nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN), phẫu thuật robot tại Việt Nam nhanh chóng đạt được những thành công cả về số lượng lẫn chất lượng chuyên môn", PGS-TS Hưng nói.
PGS-TS Hưng cho biết thêm hiện số ca phẫu thuật robot thành công tại BV Bình Dân lên đến 2.000. Đây là một con số mà nhà sản xuất robot phẫu thuật tại Mỹ và bác sĩ phẫu thuật tại các hội nghị khoa học quốc tế đánh giá cao. Theo ông, ngành ngoại khoa TP.Hồ Chí Minh đã vươn lên trở thành một trong những trung tâm huấn luyện đào tạo bác sĩ một số quốc gia đến để học tập về phẫu thuật robot.
"Để đạt thành tựu trên thì trước hết là nhờ vào định hướng phát triển của TP.Hồ Chí Minh, sự hỗ trợ các gói vay kích cầu của UBND TP.Hồ Chí Minh để phát triển y tế", PGS-TS Hưng chia sẻ.
Về việc robot có phải là kỹ thuật mà ngành ngoại khoa quan tâm nhất hiện nay không, PGS-TS Hưng cho rằng phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot sử dụng công nghệ chuyên dụng giúp mở rộng năng lực bàn tay của các bác sĩ phẫu thuật. Nhờ đó, bác sĩ thực hiện các thao tác PT ở những phẫu trường nằm sâu khó tiếp cận hoặc vùng hẹp trong cơ thể thông qua các đường mổ nhỏ.
"Công nghệ chuyên dụng cũng cho phép chuyển động chính xác từng li từng chút, cánh tay robot xoay 540 độ linh hoạt hơn cổ tay con người và tăng cường độ phóng đại 12 lần với hình ảnh hiển thị 3 chiều. Phẫu thuật robot là một bước phát triển tiến bộ, tối ưu hóaphẫu thuật nội soi tiêu chuẩn để tăng khả năng phẫu tích trọn vẹn cơ quan bệnh lý và bảo tồn được tối đa chức năng cơ quan lành. Kỹ thuật mới này giúp bệnh nhân được phẫu thuật giảm chảy máu, ít đau, đường mổ nhỏ, nhanh chóng hồi phục sau mổ", PGS-TS Hưng chia sẻ thêm.
PGS-TS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân |
Theo PGS-TS Trần Vĩnh Hưng, để phát triển ngành ngoại khoa, cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có tấm lòng dấn thân vì sức khỏe người dân. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các bác sĩ có năng lực cống hiến, áp dụng công nghệ cao trong chăm sóc sức khỏe.
Song song đó, cần đẩy mạnh giao lưu quốc tế, huấn luyện đào tạo đội ngũ, kể cả gây mê - hồi sức. Đầu tư trang thiết bị hiện đại, xây dựng các cơ sở y tế, trong đó có phòng phẫu thuật thực hiện được các cuộc mổ lớn, phức tạp. Chuẩn hóa quy trình kỹ thuật, quản lý. Đặc biệt, với những trường hợp khó và phức tạp, cần phối hợp liên chuyên khoa, liên viện.
Vào tháng 7.2000, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA - Mỹ) đã phê duyệt hệ thống phẫu thuật da Vinci, robot phẫu thuật đầu tiên. Năm 2001, FDA thông qua phẫu thuật robot cắt tuyến tiền liệt. Theo một báo cáo năm 2022, hiện có gần 6.000 hệ thống robot da Vinci đang hoạt động đã thực hiện 8,5 triệu cuộc phẫu thuật trên thế giới. Trên toàn cầu, tỷ lệ phẫu thuật robot nhiều nhất được thực hiện trong lĩnh vực phẫu thuật tổng quát, tiết niệu và phụ khoa.
Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tại châu Á tiến hành thành công phẫu thuật bằng robot trên bệnh nhi. Năm 2014, BV Nhi T.Ư đã khánh thành trung tâm phẫu thuật nội soi nhi khoa bằng robot. Năm 2016, BV Bình Dân triển khai lần đầu tiên phẫu thuật robot cho người lớn. Trong những năm tiếp theo, phẫu thuật robot được áp dụng tại BV Chợ Rẫy, BV K Hà Nội, BV Vinmec Hà Nội. Mới đây, BV đa khoa Tâm Anh cũng ứng dụng robot, AI (trí tuệ nhân tạo) vào phẫu thuật ngoại thần kinh. Sắp tới BV Tâm Anh cũng sẽ đưa về hệ thống robot da Vinci.
Theo PGS-TS Hưng, robot, AI sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán, nhận định, thao tác với độ chính xác và tốc độ nhanh chóng hơn... Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là những công cụ trợ thủ cho bác sĩ phẫu thuật. Bởi khi con người càng tiến bộ hơn thì chúng ta phát minh ra các công cụ thông minh hơn. Ngược lại, khi chúng ta hoàn thiện hơn các công cụ hỗ trợ này thì năng lực chẩn đoán, điều trị của bác sĩ sẽ được mở rộng hơn.
Bác sĩ Nguyễn Phú Hữu, Phó trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, BV Bình Dân: Khi nhận được thư mời chuyển giao phẫu thuật robot điều trị ung thư đường tiêu hóa cho các bác sĩ tại Philippines, tôi rất vui, tự hào và cũng có chút áp lực. Vui và tự hào vì mình tiếp tục được nước bạn tin tưởng và lựa chọn làm nhiệm vụ giảng huấn, hỗ trợ kỹ thuật phẫu thuật robot trực tiếp sau đợt chuyển giao kỹ thuật năm 2019.
Áp lực là ở chỗ các ca bệnh đợt này nặng hơn, đòi hỏi bác sĩ phải thực hiện các kỹ thuật khó hơn. Nhưng nhìn chung tôi tự tin mình thực hiện tốt nhiệm vụ vì kinh nghiệm sau 6 năm phẫu thuật robot với hơn 260 ca phẫu thuật robot ung thư tiêu hóa.
Bản thân tôi đã làm chủ kỹ thuật và nhiều kinh nghiệm thực tế để có thể chia sẻ và hướng dẫn đồng nghiệp nước bạn. Chuyến chuyển giao kỹ thuật đã kết thúc tốt đẹp, qua chuyến đi, tôi còn kết nối thêm các hoạt động hợp tác quốc tế để việc chuyển giao kỹ thuật của BV Bình Dân tại Philippines cũng như việc các bác sĩ Philippines sang BV Bình Dân tìm hiểu về các kỹ thuật phẫu thuậtT cũng rộng mở hơn về sau.
"Trong thời gian đầu triển khai phẫu thuật robot cho người lớn tại BV Bình Dân, một số bệnh nhân cũng hỏi chúng tôi là họ được robot mổ hay bác sĩ mổ. Tôi trả lời, nếu không có đội ngũ bác sĩ ngồi tại bàn điều khiển thì hệ thống robot không thể mô phỏng thao tác bàn tay của bác sĩ để mổ cho người bệnh được. Để có thể điều khiển robot phẫu thuật, mỗi bác sĩ trước hết phải là những chuyên gia phẫu thuật nhiều năm kinh nghiệm và phải trải qua hàng trăm giờ được đào tạo thực hành thao tác trên hệ thống robot", PGS-TS Hưng nói.
Cũng theo PGS-TS Hưng, robot hay máy móc thì không có trái tim nóng với lòng trắc ẩn, linh hoạt trong mọi tình huống như con người. Đây cũng là những phẩm chất cần thiết ở một người bác sĩ. Do đó, tương lai chúng ta cần nhiều hơn những bác sĩ PT giỏi nghề và tận tâm, để điều khiển robot PT cũng như làm chủ các công nghệ hỗ trợ khác.
Theo PGS-TS Hưng, trong chuyên ngành ngoại khoa, TP.Hồ Chí Minh có nhiều chuyên khoa và kỹ thuật có thể giới thiệu ra các nước trong khu vực và quốc tế. Đơn cử như tại BV Bình Dân, một trong những BV chuyên sâu về phẫu thuật tiết niệu, tổng quát và lồng ngực mạch máu, có những nhóm bác sĩ phẫu thuật thị phạm, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật ở nước ngoài như Ấn Độ, Philippines, Thái Lan.
"Khuynh hướng của ngành ngoại khoa ngày càng phát triển, các phẫu thuật can thiệp xâm lấn tối thiểu, mang đến kết quả điều trị tối đa và bảo tồn chức năng sau mổ tối ưu. Chúng ta rất cần phát triển nhiều hơn nữa theo hướng chẩn đoán và phẫu thuật xâm lấn tối thiểu song song với thuần thục các kỹ thuật kinh điển, tiêu chuẩn làm nền tảng vững chắc", PGS-TS Hưng nói.