TP.Hồ Chí Minh: Điều chỉnh tăng giá vé xe buýt
(ĐCSVN) – Theo Sở Giao thông Vận tải TP.Hồ Chí Minh, Thành phố này vừa quyết định điều chỉnh giá vé xe buýt áp dụng trên các tuyến có trợ giá. Theo đó, từ hôm nay, 1/5, 51 tuyến xe buýt sẽ tăng 1.000 đồng mỗi lượt hành khách so với giá hiện nay.
(Ảnh: Báo Giao thông)
Việc tăng 1.000 đồng mỗi vé sẽ tăng doanh thu ngành xe buýt của TP.Hồ Chí Minh có thêm 92,5 tỷ đồng mỗi năm để đầu tư xe mới, giảm ngân sách bù lỗ. Theo đó, có 51 tuyến xe buýt được trợ giá sẽ có sự điều chỉnh giá vé. Trong đó, nhóm tuyến có cự ly từ 15km đến dưới 25km, giá vé là 6.000 đồng/lượt khách; nhóm tuyến có cự ly từ 25km trở lên, giá vé là 7.000 đồng/lượt khách.
Còn nhóm tuyến có cự ly từ 15km trở xuống (bao gồm 49 tuyến), giá vé vẫn ở mức 5.000 đồng/lượt khách. Đối với học sinh, sinh viên, giá vé đồng hạng là 3.000 đồng/lượt khách.
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.Hồ Chí Minh cho hay, việc điều chỉnh tăng giá vé xe buýt lần này là cần thiết và khá phù hợp với tình hình thu nhập bình quân của người dân, việc tăng giá vé cũng phải song song với nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, thái độ ứng xử của nhân viên xe buýt.
Tiến sỹ Trịnh Văn Chính, Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.Hồ Chí Minh cho rằng, hiện Thành phố có nhiều tuyến xe buýt liên quận song lại chưa có các tuyến xe buýt nội quận. Trên thực tế, Thành phố có nhiều khu dân cư trong hẻm, nên cần có các tuyến xe buýt mini, đón được khách từ trong hẻm. Làm sao người dân có thể đi xe buýt từ nhà đến cơ quan, xe buýt vận chuyển từ cửa đến cửa. Đồng thời, cần có vé thông minh, tích hợp được nhiều tuyến xe buýt, một loại vé đi được nhiều loại hình như xe buýt, metro mà nhiều nước áp dụng.
Được biết, TP.Hồ Chí Minh hiện có hơn 3.000 xe buýt hoạt động trên 200 tuyến, trong đó có 110 tuyến được trợ giá, đáp ứng được khoảng 10,7% nhu cầu đi lại của nhân dân. Mỗi năm ngân sách Thành phố này chi hơn 1.000 tỷ đồng để trợ giá cho loại vận tải công cộng bằng xe buýt.
Thông qua trợ giá, người dân sử dụng xe buýt ngày càng nhiều, góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời, góp phần tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội với các nhóm đối tượng cần được hỗ trợ trong đi lại. TP.Hồ Chí Minh xác định từ nay đến năm 2020, xe buýt vẫn là chủ lực trong hệ thống giao thông công cộng, với mục tiêu vận chuyển 15% lượng hành khách./..