Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng DTTS và miền núi khu vực miền Bắc

Thứ Sáu, 04/10/2024 17:31 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Hội thảo khoa học quốc gia “Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn tiếp theo” là một phần trong chuỗi các Hội thảo quốc gia cùng chủ đề được Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại ba khu vực: miền Trung và Tây Nguyên, miền Nam, miền Bắc.

Ngày 4/10 tại Hà Nội, Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia khu vực miền Bắc với chủ đề “Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng DTTS và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn tiếp theo”. 

Đại biểu tham dự Hội thảo 

Tham dự có Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Nguyễn Thị Thu Hiền cùng 200 đại biểu đại diện cho Hội LHPN Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, các Viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hội LHPN, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc các tỉnh  thuộc địa bàn Dự án 8 khu vực miền Bắc.

Phát biểu chỉ đạo. Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền nhấn mạnh, Dự án 8 là dự án thành phần thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025, được Chính phủ giao cho Hội LHPN Việt Nam làm đầu mối chủ trì, quản lý và chỉ đạo thực hiện. 

Sau gần ba năm triển khai, Dự án 8 - một phần của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Với sự tham gia của 40 tỉnh được cấp ngân sách Trung ương và 11 tỉnh tự chủ, Dự án đã có những tác động tích cực đến đời sống phụ nữ và trẻ em tại các khu vực này. 

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thảo luận các nghiên cứu khoa học và tìm ra các giải pháp thực tiễn để nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS phía Bắc. PGS.TS Trần Quang Tiến kỳ vọng hội thảo sẽ trở thành cầu nối cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và những người làm công tác thực tiễn để tìm ra hướng phát triển cho giai đoạn tiếp theo của Dự án 8.

Ban Tổ chức Hội thảo nhận được 70 bài viết từ các nhà khoa học, đại diện Hội LHPN các tỉnh Dự án 8 khu vực miền Bắc, các sở, ngành liên quan. Trải qua quá trình chọn lọc, phản biện độc lập, ban tổ chức đã chọn lựa được 33 bài viết giới thiệu trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia. Các bài viết bám sát chủ đề hội thảo, có chất lượng và mang ý nghĩa thực tiễn rõ rệt, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với vấn đề bình đẳng giới và những vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi.

Đại biểu tham luận tại Hội thảo

Hội thảo diễn ra trong 01 ngày, chia làm hai phiên chính tập trung thảo luận về kết quả triển khai Dự án 8 tại khu vực miền Bắc giai đoạn 2022-2024, những bài học kinh nghiệm và khuyến nghị cho giai đoạn tiếp theo; rà soát, thảo luận về các vấn đề xã hội cấp thiết đang đặt ra đối với phụ nữ và trẻ em DTTS miền núi tại khu vực miền Bắc nhằm đưa ra các đề xuất giải pháp cụ thể và thực tiễn.

Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” là một trong 10 dự án thành phần thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025 được Chính phủ giao cho Hội LHPN Việt Nam chủ trì, quản lý và chỉ đạo thực hiện. Mục tiêu của Dự án nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và cải thiện đời sống cho phụ nữ và trẻ em tại các khu vực đặc biệt khó khăn..

Học viện Phụ nữ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thực hiện Dự án 8. Là cơ sở giáo dục hàng đầu trong đào tạo, nghiên cứu các vấn đề giới, phụ nữ và phát triển, Học viện đã và đang đảm nhận tốt vai trò tiên phong trong nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và cộng đồng khu vực DTTS và miền núi. Với chuyên môn sâu và mạng lưới hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo, tập huấn, tổ chức các hội thảo, thực hiện các cuộc nghiên cứu, khảo sát trong khuôn khổ Dự án 8; phát triển và triển khai nhiều mô hình giáo dục và truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, xóa bỏ các định kiến giới, nâng cao quyền năng cho phụ nữ. Những mô hình này đã được nhân rộng và áp dụng thành công tại nhiều địa phương, góp phần cải thiện đời sống và tăng cường bình đẳng giới trong cộng đồng. 

 

Gia Huy

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN