Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

TPHCM: Khẳng định không có ca mắc COVID-19 mang biến thể Omicron

Thứ Hai, 27/12/2021 16:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Sáng 27/12, trên mạng xã hội Facebook lan truyền một bản chụp “Giấy xác nhận dương tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật PCR” với nội dung thông tin bệnh nhân tên “Lê Hoàng Duy Khang”, thực hiện xét nghiệm ở Bệnh viện FV và cho kết quả: “Tái dương tính với biến thể SARS-COV2-OMICRON tại Khoa xét nghiệm bệnh viện FV”. Trên giấy này có sử dụng tên và con dấu của Bệnh viện FV.

Bệnh viện FV khẳng định đây là thông tin giả và sẽ khởi kiện những trường hợp cố tình tung thông tin này.

Trong sáng 27/12, Bệnh viện FV đã báo cáo nhanh với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về sự việc này, khẳng định giấy xác nhận này là giả mạo, cả về hình thức lẫn nội dung.

Bệnh viện FV khẳng định đây là thông tin giả. Ảnh CTV

Bệnh viện FV không cấp “Giấy xác nhận dương tính với COVID-19 bằng kỹ thuật PCR”, mà chỉ cấp “Giấy xác nhận âm tính với COVID-19 bằng kỹ thuật RT-PCR” có mã QR xác thực cho riêng từng mẫu xét nghiệm.

Theo Bệnh viện FV, trong giấy xác nhận dương tính với COVID-19 bằng kỹ thuật PCR giả mạo này còn thiếu và thừa nhiều thông tin không phù hợp với mẫu “Giấy xác nhận âm tính với COVID-19 bằng kỹ thuật PCR” của Bệnh viện. Hiện tại, Bệnh viện chưa có sinh phẩm (bộ kit) xét nghiệm tìm biến thể Omicron. Bên cạnh đó, trên hệ thống dữ liệu của Bệnh viện không có bệnh nhân nào tên là “Lê Hoàng Duy Khang”.

"Việc giả mạo tài liệu và lan truyền thông tin sai sự thật này không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của Bệnh viện FV mà còn gây hoang mang cho toàn thể người dân TP Hồ Chí Minh mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới của cả nước. Do đó, chúng tôi sẽ khởi kiện người nào cố tình tạo ra hoặc lan truyền thông tin và tài liệu giả mạo này", đại diện Bệnh viện FV cho biết.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, muốn biết ca mắc thuộc biến chủng gì phải trải qua quy trình giải mã trình tự gen, không thể chỉ với xét nghiệm RT-PCR mà có thể xác định được. Hiện ở khu vực phía Nam chỉ có Viện Pasteur thực hiện quy trình giải mã trình tự gien đối với mẫu bệnh phẩm COVID-19.

Còn theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, việc tạo dựng tài liệu giả và lan truyền thông tin giả mạo này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 của Thành phố mà còn gây hoang mang cho người dân.

Sở Y tế Thành phố đề nghị người dân cập nhật, nắm bắt các thông tin từ nguồn chính thống; không chia sẻ, lan truyền các thông tin bịa đặt, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch của Thành phố./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN