TP Hồ Chí Minh thúc đẩy chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ về nông nghiệp cho nông dân
(ĐCSVN) - Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ về nông nghiệp cho nông dân nhằm chuyển giao các mô hình, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp để tái cơ cấu sản xuất, nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích và làm giảm ô nhiễm môi trường, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người nông dân.
Rau trồng tại khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Văn Nguyễn) |
Từ năm 2018 - 2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân các huyện, quận, thành phố Thủ Đức, viện, trường đại học, tổ chức khoa học và công nghệ, các tổ chức thực hiện xây dựng hơn 200 tài liệu, mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) để tạo lập cơ sở dữ liệu về các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ nông nghiệp nhằm phổ biến cho các tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân tham khảo, nghiên cứu, triển khai ứng dụng để tái cơ cấu sản xuất, phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ xuất khẩu, nâng cao năng suất, chất lượng nhằm tăng thu nhập và tạo việc làm cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Chuyển giao được hơn 150 lượt công nghệ mới, tiên tiến nhằm để tái cơ cấu sản xuất, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án, năng lực ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho gần 4.000 cán bộ quản lý và kỹ thuật viên cơ sở để có đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý thường xuyên bám sát địa bàn giúp nông dân tiếp tục mở rộng việc áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ đã được chuyển giao và hơn 39.000 lượt nông dân giúp các địa phương góp phần giải quyết tình trạng lao động và tăng thu nhập cho nông dân.
Qua chương trình đã tạo được hiệu quả cao, từ đó tạo ra nhiều quy trình hay như: Quy trình kỹ thuật chăm sóc lan Mokara giai đoạn hậu cấy mô; Quy trình tạo stroma Nhộng trùng thảo; Quy trình nhân giống lan Dendrobium nắng (Ceasar Red) bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật; Sản xuất giống cá cảnh biển Pterapogon kauderni; Nuôi sinh khối tảo và luân trùng nước ngọt phục vụ ươm nuôi cá cảnh nước ngọt; Kỹ thuật trồng, chăm sóc chôm chôm và quản lý vườn phục vụ khách du lịch; Kỹ thuật trồng, chăm sóc măng cụt và quản lý vườn phục vụ khách du lịch; …
Bên cạnh đó, còn có nhiều hoạt động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống cá chép Koi (Cyprinus carpio) kiểu hình Taisho Sanshoku; Chuyển giao mô hình sản xuất giống cá dĩa đỏ Symphysodon sp, Mô hình nhân giống một số loài lan rừng Giả hạc bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật; Nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) thâm canh hai giai đoạn ứng dụng hệ thống giám sát môi trường (IoT) tại huyện Cần Giờ; Nuôi thâm canh lươn đồng (Monopterus albus) không bùn ứng dụng công nghệ lọc tuần hoàn (RAS) tại Tp. Hồ Chí Minh; Sản xuất giống cá rồng (Scleropages formosus) kiểu hình kim long tại thành phố Hồ Chí Minh; …
Công tác hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ, xây dựng các mô hình trình diễn về nông nghiệp đã giúp bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả thấp sang những giống cây trồng vật nuôi có hiệu quả cao hơn, đồng thời việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm công lao động, đáp ứng được các yêu cầu về sản phẩm nông nghiệp an toàn, có giá trị kinh tế cao; nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, tạo thu nhập ổn định, đồng thời tạo việc làm tại chỗ lâu dài cho một số lao động tại địa phương; Các sản phẩm của mô hình có chất lượng tốt, an toàn, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, góp phần thực hiện thành công chương trình chuyển đổi kinh tế nông nghiệp theo hướng canh tác bền vững, an toàn cho người và môi trường.
Công tác bồi dưỡng kiến thức, đào tạo nghề cho nông dân đã giúp bà con có được một nghề, có kiến thức nhất định từ lý thuyết đến thực tế về việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong nông nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, trên cơ sở đó mở rộng sản xuất và ứng dụng rộng rãi trên địa bàn. Nông dân đã phát huy vai trò làm chủ sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, tham gia chuỗi giá trị, nhất là trong xây dựng nông thôn mới; thu nhập ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao; dân chủ được phát huy theo hướng người dân là chủ thể và là người hưởng lợi trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và hội nhập.
Cùng với đó, việc xây dựng các mô hình ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, làm tăng giá bán của nông sản so với các sản phẩm canh tác theo lối truyền thống. Do vậy, đem lại lợi nhuận ổn định cho người nông dân, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế.
Song song đó, nông thôn ngày càng phát triển văn minh và hiện đại hơn; cơ cấu kinh tế chuyển đổi tích cực, tỷ trọng dịch vụ ở nông thôn tăng khá; khoa học và công nghệ đã có đóng góp đáng kể trong ngành nông nghiệp thành phố. Giải quyết lao động nông nhàn, tăng cường nhận thức người dân về khoa học công nghệ.
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao trong nhà kính tại huyện Củ Chi mang lại hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Hữu Hảo) |
Công tác tuyên truyền và triển khai chuyển giao các sản phẩm, các ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào trong sản xuất nông nghiệp được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của các sở ban ngành, Hội Nông dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ đức, các quận, huyện trong quá trình thực hiện mô hình. Kết quả ứng dụng đem lại hiệu quả cao trong chăn nuôi, sản xuất, trồng trọt, chế biến, bảo quản vừa hạn chế ô nhiễm môi trường, vừa nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, tiết kiệm chi phí sản suất, cải thiện đời sống người dân, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Ngoài ra, nông dân tham gia mô hình đã được nâng cao ý thức về việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, vừa hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, vừa đảm bảo sức khỏe cho người trực tiếp canh tác cũng như sức khỏe của người tiêu dùng, cải thiện môi trường nông nghiệp ngày một tốt đẹp hơn.
Thế nhưng, hạn chế sản xuất nông nghiệp của Thành phố vẫn chủ yếu dựa vào kinh tế nông hộ. Ngày nay khi sản xuất nông nghiệp hàng hóa ngày càng phát triển, đòi hỏi phải có năng suất cao, chất lượng tốt, sản lượng nhiều thì mô hình kinh tế nông hộ với ruộng đất manh mún, thiếu liên kết trong tổ chức sản xuất kinh doanh đã trở thành lực cản cho việc đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ.
Mặt khác, ruộng đất ít nên nông dân không quan tâm đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, ruộng đất manh mún nên hiệu quả áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ cũng thấp, nhất là trong lĩnh vực trồng trọt. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản còn hạn chế, chưa tạo được “đột phá” để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm, ngành, nhất là trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng hơn. Trình độ công nghệ nhìn chung còn thấp, chưa tạo sức mạnh lan tỏa và thúc đẩy nhanh quá trình thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ, thiếu liên kết, không chuyên nghiệp. Hoạt động nghiên cứu triển khai mới chỉ tập trung nhiều vào lĩnh vực khoa học và công nghệ cho nông nghiệp, chưa chú trọng đúng mức các nghiên cứu về phát triển nông thôn, xây dựng giai cấp nông dân trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất thường phải tuân thủ theo quy trình từng bước, hiệu quả đem lại chậm hơn, nông dân chưa thấy được hiệu quả tức thời. Do vậy, bước đầu khó khăn trong công tác chuyển giao, khuyến khích bà con nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Thủ tục hỗ trợ mô hình cho bà con nông dân còn khá phức tạp, một số mô hình đòi hỏi vốn đối ứng ban đầu lớn, do đó, người dân chưa mạnh dạn trong công tác phối hợp chuyển giao.
Để khắc phục khó khăn, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều giải pháp trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh nông dân cần liên kết trong tổ chức sản xuất kinh doanh, tăng cường hơn nữa khả năng liên kết vững chắc giữa nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà quản lý, thông qua nhiều hình thức hỗ trợ và đẩy mạnh việc xây dựng hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác, mô hình trang trại để thực hiện có hiệu quả các vấn đề có liên quan về khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế và thị trường, ....
Cần xây dựng chuỗi liên kết giữa các khâu từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nhằm tạo ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng giá trị và phân phối lợi nhuận hợp lý qua đó tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân. Hoạt động nghiên cứu triển khai cần chú trọng đến các nghiên cứu về phát triển nông thôn, xây dựng giai cấp nông dân trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tăng cường khả năng tiếp thu và ứng dụng khoa học và công nghệ cho người nông dân bằng cách xây dựng chương trình và nội dung học tập thiết thực cho nông dân theo hướng phải phù hợp với trình độ của người nông dân, sát với thực tế phát triển nông nghiệp và nông thôn trong từng giai đoạn. Trang bị cho nông dân trực tiếp sản xuất các kiến thức về kỹ thuật trồng trọt, kỹ thuật chăn nuôi, bảo vệ thực vật, giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật, các mô hình có hiệu quả đưa vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.
Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án, năng lực ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho cán bộ quản lý và kỹ thuật viên cơ sở để có đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý thường xuyên bám sát địa bàn giúp nông dân tiếp tục mở rộng việc áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ đã được chuyển giao.
Cần đơn giản thủ tục hỗ trợ mô hình cho bà con nông dân, có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nhằm giảm bớt vốn đối ứng ban đầu để người dân mạnh dạn trong công tác phối hợp chuyển giao. Tổ chức phổ biến các mô hình, tiến bộ khoa học và công nghệ cho nông dân; rà soát, lựa chọn mô hình phù hợp với từng huyện, quận, thành phố Thủ Đức để tiến tới chuyển giao và phổ biến mô hình thành công để nhân rộng.
Tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ của nông dân; tiếp tục gắn kết chặt chẽ với các Viện, trường, tổ chức khoa học và công nghệ để xác định, lựa chọn tiến bộ kỹ thuật chuyển giao ứng dụng cho phù hợp, phát huy hiệu quả với điều kiện kinh tế - xã hội của Thành phố cho nông dân. Tiếp tục triển khai các Chương trình, Kế hoạch đã được Thành phố ban hành như: Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ về nông nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2025; Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019 - 2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp và sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 – 2025; Triển khai thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới đến năm 2025./.