Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

TP. Hồ Chí Minh ra mắt phần mềm lắng nghe mạng xã hội

Thứ Tư, 28/02/2024 09:11 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Phần mềm lắng nghe mạng xã hội được xem như một sản phẩm cụ thể, khởi động mạnh mẽ cho Năm chủ đề Chuyển đổi số 2024 của TP. Hồ Chí Minh; đồng thời, cụ thể hóa ý tưởng, yêu cầu của lãnh đạo Thành phố về một chính quyền hoạt động trên nền tảng số dựa trên dữ liệu và theo thời gian thực.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng phát biểu công bố Phần mềm lắng nghe mạng xã hội Social Beat. (Ảnh: Linh Nhi)

Ngày 27/02, Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh tổ chức ra mắt Phần mềm lắng nghe mạng xã hội của TP.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng cho biết, các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Twitter, Instagram, YouTube, Tik Tok… đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày và có tác động mạnh mẽ đến nhận thức của mỗi người dân. TP. Hồ Chí Minh hiện có khoảng 10 triệu dân với hơn 22 triệu tài khoản mạng xã hội hoạt động thường xuyên. Cùng với hệ thống 200 cơ quan báo chí, Thành phố đang quản lý 355 trang mạng xã hội và hơn 1.000 trang thông tin điện tử cung cấp một lượng thông tin khổng lồ cho người dân, cũng như tiếp nhận ý kiến đóng góp thông qua tương tác hai chiều.

Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh cũng là địa phương có số lượng người sáng tạo nội dung lớn nhất cả nước, đây là nguồn thông tin khổng lồ có giá trị to lớn trong việc xây dựng dữ liệu, cơ sở đối chiếu để hiểu rõ hơn về cuộc sống của người dân. Qua đó, đánh giá và tham mưu cho công tác hoạch định và thực thi các chủ trương, chính sách của Thành phố.

Theo Trưởng phòng Thông tin điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Hòa, Phần mềm lắng nghe mạng xã hội của Thành phố có khả năng thu thập dữ liệu từ một loạt các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter, Instagram, YouTube và nhiều nền tảng Online khác. Ngoài ra, phần mềm được tăng cường mở rộng với công nghệ trí tuệ nhân tạo AI và học máy để phân tích dữ liệu mạng xã hội một cách thông minh và hiệu quả theo từng nhóm chủ đề, từng ngành, lĩnh vực và vùng quản lý. Phần mềm cũng cho phép người dùng tạo ra các báo cáo linh hoạt và đa dạng dựa trên dữ liệu thu thập được theo nhiều cơ chế khác nhau, từ các báo cáo nhanh, báo cáo định kỳ hoặc tổng hợp, phân tích báo cáo chuyên sâu.

Về tính ứng dụng của phần mềm, ông Nguyễn Thanh Hòa cho hay, phần mềm được sử dụng để giúp các cơ quan quản lý nhà nước chủ động trong việc tiếp nhận và hiểu rõ hơn về ý kiến và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp về các hoạt động, các ý kiến đánh giá, đóng góp cho các chủ trương, chính sách và văn bản pháp luật khi triển khai trên thực tế; đồng thời, đây cũng là kênh để nắm bắt các phản ánh của người dân về những vấn đề trên địa bàn... để từ đó xây dựng chính sách quản lý, phát triển xã hội hiệu quả hơn.

Nhân dịp này, Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp Hội Doanh nghiệp Thành phố và Đoàn Luật sư Thành phố đã ký kết Biên bản ghi nhớ về phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trợ giúp, tư vấn pháp lý cho người dân và doanh nghiệp liên quan lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Việc ký kết biên bản ghi nhớ là một cam kết mạnh mẽ từ các bên tham gia, nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cải thiện chính sách và thúc đẩy sự hợp tác giữa các tổ chức trong việc đảm bảo an toàn cho mọi người khi sử dụng Internet và các nền tảng truyền thông xã hội. Qua đó, tiếp tục tạo ra một môi trường mạng lành mạnh và an toàn hơn cho người dân, đồng thời, kỳ vọng nhiều hơn trong việc đảm bảo sự an toàn, minh bạch và sự phát triển bền vững trên Internet và các nền tảng truyền thông xã hội./. 

Linh Nhi

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN