Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

TP Hồ Chí Minh: Khó khăn, vướng mắc trong thu hồi tài sản tham nhũng

Thứ Ba, 12/11/2024 15:55 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Thời gian qua, các vụ án tham nhũng, tiêu cực xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh đã gây thất thoát nghiêm trọng tài sản nhà nước, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân với Đảng. Vì vậy, việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát là nhiệm vụ cấp bách của các cơ quan chức năng và toàn xã hội. Tuy nhiên, công tác này cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Chi cục Thi hành án dân sự TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cưỡng chế thi hành án một tài sản liên quan vụ án Huỳnh Thị Huyền Như. (Ảnh: SGGP)

Những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng

Các quy định về thu hồi tài sản trong các vụ việc tham nhũng, kinh tế còn mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, thiếu quy định về các biện pháp cưỡng chế, chế tài xử lý đối với trường hợp các đối tượng thanh tra chây ì, cố tình né tránh, trốn tránh trách nhiệm, kéo dài thời gian, chậm hoặc không nộp tiền, tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật của đối tượng thanh tra gây ra, không có tài sản hoặc tài sản đảm bảo có giá trị thấp hơn nhiều so với khoản phải thi hành.

Cơ chế chính sách về đất đai, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán chưa đồng bộ và còn lỏng lẻo, gây khó khăn cho việc xử lý, thu hồi khi thi hành án và xử lý sau thanh tra. Trong quá trình thanh tra phát hiện sai phạm, chỉ có đối với tài sản là tiền được chuyển vào tài khoản tạm giữ của cơ quan thanh tra, còn lại đối với các tài sản khác như bất động sản, động sản và giấy tờ có giá trị thì cơ quan thanh tra chỉ có thể đề nghị cơ quan khác xử lý.

Đáng chú ý, tài sản bị thu hồi khi phát hiện đối tượng thanh tra có hành vi chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc làm thất thoát tài sản của Nhà nước trong quá trình thanh tra là tài sản liên quan trực tiếp đến sai phạm, trong khi trên thực tế, tài sản do sai phạm trong các vụ việc kinh tế, tham nhũng mà có thường được cất giấu, che đậy, chuyển hình thức sở hữu ngay trong quá trình phạm tội, trước khi thanh, kiểm tra và trước khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Ngoài ra, cơ quan thanh tra cũng không có thẩm quyền yêu cầu phong tỏa, kê biên tài sản ngay trong giai đoạn thanh tra đối với cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật. Do đó, tiềm ẩn nguy cơ cao việc tẩu tán tài sản của bản thân người có hành vi sai phạm và những người thân thích của họ.

Việc kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị cũng chưa thực sự chặt chẽ, chưa có hướng dẫn cụ thể cách thức kiểm soát, chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Kiến nghị giải pháp hạn chế tẩu tán tài sản

Trước tình trạng trên, ông Trần Văn Bảy, Chánh thanh tra thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất cần quy định cụ thể các biện pháp cưỡng chế, chế tài xử lý đối với trường hợp các đối tượng thanh tra chây ì, cố tình né tránh, trốn tránh trách nhiệm, kéo dài thời gian.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, sớm phát hiện các vi phạm để ngăn chặn, khắc phục kịp thời, nâng cao bản lĩnh chính trị của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu, đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Mặt khác, phải có quy định pháp luật cụ thể, để chỉ rõ thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục thu hồi tài sản ngay từ khi thanh tra, kiểm toán. Quy định pháp luật phải đồng bộ, thống nhất và khả thi, nhằm hạn chế việc tẩu tán tài sản của bản thân người phạm tội và những người thân thích của họ. Cần nghiên cứu và hoàn thiện các quy định pháp luật về cơ chế  tịch thu, thu hồi tài sản bằng hình thức hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp để tăng hiệu quả chế tài xử lý tham nhũng.

Cùng với đó, nên có quy chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán với các cơ quan tố tụng, Cơ quan thi hành án dân sự và với các cơ quan có liên quan ngay từ khi thanh tra, kiểm toán, nhằm đảm bảo việc thu hồi tài sản triệt để ngay từ giai đoạn phát hiện vi phạm, để thống nhất số liệu giữa các cơ quan, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng.

Theo ông Trần Văn Bảy, cần sớm xây dựng hoàn thiện các hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt; cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần… tập trung, thống nhất, đồng bộ, bảo đảm sự quản lý chặt chẽ, đồng thời có sự phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo thẩm quyền. Đặc biệt, cần có quy định về quyền thanh, kiểm tra theo dõi biến động của mọi tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong quá trình thanh tra. Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn nhằm tạo cơ sở quan trọng cho việc minh bạch hóa thu nhập và tài sản của người có chức vụ, quyền hạn và là một giải pháp hết sức quan trọng nhằm phòng ngừa và phát hiện tham nhũng cũng như góp phần nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản cho Nhà nước./.

CM

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN