TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển giáo dục -đào tạo
(ĐCSVN) - Những năm qua, quy mô ngành giáo dục và đào tạo của TP Hồ Chí Minh phát triển không ngừng cả về số lượng lẫn chất lượng. Thành phố cũng luôn là địa phương có nhiều thành tích nổi bật trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, là xuất phát điểm của nhiều mô hình mới, hiệu quả với những biện pháp tích cực, sáng tạo, mang tính đột phá.
Hệ thống trường lớp phát triển mạnh từ nội thành đến ngoại thành, đáp ứng được yêu cầu học tập của con em nhân dân mỗi lúc một cao hơn. Công tác phổ cập giáo dục được duy trì ổn định và phát triển, đội ngũ nhà giáo lớn mạnh, đảm bảo về số lượng và không ngừng nâng cao chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung chương trình và phương pháp dạy học ngày một cao hơn.
Giáo dục và đào tạo trên địa bàn Thành phố đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động giáo dục, triển khai các chương trình tiếng Anh, tin học theo chuẩn quốc tế… |
Với mục tiêu đảm bảo đủ chỗ học, không còn trường học có cơ sở vật chất yếu kém. Mạng lưới trường lớp ở các cấp học, bậc học đã được phủ khắp các phường, xã, thành phố Thủ Đức và 21 quận huyện trên toàn địa bàn Thành phố với quy mô phát triển ngày một tăng. Việc xây dựng trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ học tập đã góp phần đẩy mạnh việc tổ chức hoạt động dạy học 2 buổi/ngày đáp ứng yêu cầu theo chương trình mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể, tính tới nay, Thành phố đang có 2.335 trường học từ cấp mầm non đến Trung học phổ thông, 1.791 cơ sở giáo dục thường xuyên, 310 trung tâm học tập cộng đồng.
Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục luôn được Thành phố quan tâm đặt lên hàng đầu. Trong những năm qua đặc biệt là thời gian gần đây, giáo dục và đào tạo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, thông qua hàng loạt mô hình đột phá, như trường tiên tiến, hội nhập, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động giáo dục, triển khai các chương trình tiếng Anh, tin học theo chuẩn quốc tế…
Thành phố luôn là địa phương có nhiều thành tích nổi bật trong sự nghiệp giáo dục đào tạo và là xuất phát điểm của nhiều mô hình mới, hiệu quả.
Trong năm học 2021-2022, mặc dù là năm học gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 song chất lượng giáo dục của Thành phố vẫn luôn được đảm bảo. Tỉ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,52%. Tại các kì thi quốc tế được tổ chức năm 2022, Thành phố có 1 Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế và 1 Huy chương Bạc Olympic Toán học quốc tế. Tại kỳ thi nghiên cứu khoa học quốc tế GENIUS OLYMPIAD, đoàn TP Hồ Chí Minh đã xuất sắc đạt thành tích 3 Huy chương Vàng, 4 huy chương Bạc, 6 Huy chương Đồng và 2 Giải Khuyến khích.
Tại kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia, TP Hồ Chí Minh đã đạt 115 giải gồm 10 giải Nhất, 23 giải Nhì, 39 giải Ba và 43 giải Khuyến khích cùng với 1 đề tài đạt giải Khuyến khích tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật. Các kỳ thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật, giải toán trên máy tính cầm tay ở các cấp học THCS, THPT, Giáo dục thường xuyên của Thành phố cũng giúp phát hiện nhiều hạt giống xuất sắc với 352 giải Nhất và nhiều giải thưởng khác. Những thành tích trên là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực cũng như một lần nữa khẳng định hiệu quả trong định hướng phát triển giáo dục-đào tạo của Thành phố.
Với lợi thế từ nền tảng hạ tầng phát triển về cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên, hệ thống các cơ sở giáo dục trên địa bàn, hạ tầng số, ngành giáo dục của Thành phố đang không ngừng nâng cao chất lượng theo hướng phát triển thông minh, hiện đại |
Với lợi thế từ nền tảng hạ tầng phát triển về cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên, hệ thống các cơ sở giáo dục trên địa bàn, hạ tầng số, kinh nghiệm quản lý và điều hành giáo dục, phát triển xã hội hóa trong giáo dục… TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh phát triển giáo dục theo hướng ngày càng hiện đại, phù hợp với sự phát triển của khu vực và thế giới.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Nguyễn Văn Hiếu, trong thời gian tới, ngành giáo dục Thành phố sẽ tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập. Đặc biệt, trong năm học này, ngành giáo dục Thành phố sẽ tăng cường hội nhập quốc tế, mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế. Ngoài ra, các đơn vị sẽ tạo lập môi trường tiếng Anh trong những cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, nghề nghiệp; thu hút học sinh, sinh viên quốc tế và giáo viên, giảng viên quốc tế học tập, giảng dạy…
Có thể thấy, chuyển đổi số là nội dung quan trọng đang được ngành giáo dục Thành phố đặt ra hiện nay. Phát biểu chỉ đạo trong Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng đã nhấn mạnh ngành giáo dục Thành phố cần quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi số, bắt kịp giai đoạn hội nhập quốc tế, nâng cao giáo dục toàn diện với trọng tâm là con người. Thành phố thông minh, hiện đại không thể chấp nhận nền giáo dục đi sau, đi chậm. Chuyển đổi số hiện cũng đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Giáo dục và Đào tạo chú trọng. Giáo dục là một trong những lĩnh vực trọng yếu trong Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Đánh giá cao về việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục ở TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cũng lưu ý việc thiết lập chương trình học trực tuyến trong giai đoạn COVID-19 mới chỉ là một trong những hình thức rất đơn giản của chuyển đổi số. Ông cho rằng, mục đích chuyển đổi số trong ngành giáo dục đang được hướng đến là hệ thống học trực tuyến thông minh đúng nghĩa, có đầy đủ học liệu, quản lý học tập để giúp học sinh, giáo viên học tập, giảng dạy một cách chủ động, bổ sung cho việc học trực tiếp cũng như nâng cao chất lượng dạy và học.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng vấn đề khó nhất không phải là công nghệ, mà nằm ở yếu tố con người. Do vậy, việc thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành giáo dục cần sự quyết tâm, nỗ lực nhiều hơn của mỗi giáo viên, nhà trường.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, tính đến hết năm học 2021-2022, ngành đã hoàn thành cơ sở dữ liệu dùng chung, quản lý 2.387/2.387 đơn vị từ giáo dục mầm non đến giáo dục thường xuyên và sử dụng thí điểm 12 phần mềm dạy học trực tuyến với nội dung khai thác từ kho dữ liệu dùng chung này.
Nhằm triển khai hiệu quả chủ trương chuyển đổi số, vừa qua, Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng đã có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và thống kê giáo dục năm học 2022 - 2023. Theo đó, Sở yêu cầu các trường tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án và kế hoạch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành giáo dục đào tạo Thành phố giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Về mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, ngành giáo dục Thành phố đặt ra 3 mục tiêu lớn về chuyển đổi số, gồm: Xây dựng hệ thống học tập bất đồng bộ (phù hợp từng cấp, từng vùng) và kho học liệu mở làm nền tảng cho xây dựng xã hội học tập; sử dụng AI để phân tích trên nền Big Data cho những đánh giá, định hướng tổng quát, chính xác hơn; ứng dụng Blockchain trong quản lý, xác thực và liên thông điểm số, văn bằng. Để làm được đều này, ngành giáo dục Thành phố sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu gốc của toàn ngành trên cơ sở đồng bộ cơ sở dữ liệu của các bên liên quan, nhằm khắc phục tình trạng cơ sở dữ liệu rời rạc, thiếu tập trung như hiện nay…
Mục tiêu đến năm 2030 sẽ đưa tất cả thành tố của hệ thống giáo dục vào môi trường số; trong đó, hoàn thiện một nền tảng dạy và học trực tuyến tích hợp kho học liệu số hỗ trợ 100% người học và nhà giáo tham gia có hiệu quả các hoạt động giáo dục trực tuyến, đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông. Giáo dục đại học số trở thành trụ cột của hệ thống giáo dục đại học, giảm tỉ trọng 30% quy mô; 100% cơ sở giáo dục trung cấp, cao đẳng, đại học trực thuộc cung cấp các chương trình đào tạo (cấp bằng) hình thức từ xa, trực tuyến; 100% nguồn lực giáo dục, chương trình giáo dục và đối tượng giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân được quản lý trên môi trường số, kết nối thông suốt toàn ngành và liên thông với các cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia.
Là đô thị lớn, với những tiềm năng, thế mạnh ở lĩnh vực giáo dục, cũng như khoa học công nghệ, Thành phố đang rất chú trọng chuyển đổi số trong giáo dục, tăng cường ứng dụng những tiện ích và thành tựu của công nghệ thông tin nhằm tạo ra môi trường dạy và học ngày càng hiệu quả, góp phần đưa giáo dục - đào tạo của Thành phố ngày càng phát triển nhanh, mạnh hơn nữa, có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Thành phố./.