Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

TP. Hồ Chí Minh: Cần chấm dứt việc xe gắn máy đi trên vỉa hè

Thứ Sáu, 20/03/2020 01:51 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thời gian gần đây, tại nhiều nhiều tuyến đường ở TP. Hồ Chí Minh đang gia tăng tình trạng người sử dụng xe gắn máy cố tình lưu thông trên vỉa hè. Hành vi này không chỉ gây ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người đi bộ mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông...

Nhiều người cố tình đi xe trên vỉa hè, chiếm hết phần đường của người đi bộ. (Ảnh: ĐĐ) 

Theo ghi nhận của phóng viên, vào các khung giờ cao điểm, khi lưu lượng phương tiện giao thông đông hơn bình thường cũng là lúc nhiều người thiếu ý thức tìm mọi cách đưa xe gắn máy lên vỉa hè để lưu thông. Thực tế, những khi đường kẹt xe, mà người ta muốn thoát đi nhanh do vội vàng để kịp công việc gì đó, dẫu không đúng luật, nhưng vậy còn có thể dễ thông cảm, tạm chấp nhận được. Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều khi, dù thực tế đường không hề bị kẹt, mà chỉ hơi đông phương tiện một chút, nhưng không ít người vẫn cho xe leo vỉa hè để chạy thoát đi trước. Thậm chí, tại các điểm giao cắt có đèn tín hiệu giao thông, trong lúc đại đa số mọi người đều dừng phương tiện khi thấy đèn báo đỏ, và đợi tín hiệu đèn xanh để đi tiếp, thì vẫn có nhiều trường hợp bỏ qua tín hiệu điều khiển giao thông. Họ ngang nhiên phóng xe lên vỉa hè, vô tư chiếm phần đường dành cho người đi bộ.

Chị Nguyễn Ngọc Lan Anh ở đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1 (TP. Hồ Chí Minh) bức xúc: “Mới tuần trước tôi bị một thanh niên đi xe trên vỉa hè đâm phải trong khi tôi đã đi sát vào phía bên phải. May là tôi tránh kịp nên chỉ bị trầy xước nhẹ phần mềm ở chân. Thực sự việc nhiều người cố tình đi xe gắn máy trên vỉa hè khiến những người đi bộ như tôi luôn cảm thấy nguy hiểm”.

Bên cạnh đó, tình trạng nhiều cá nhân điều khiển xe gắn máy leo lên vỉa hè để lưu thông không chỉ chiếm lối đi, gây nguy hiểm cho người đi bộ, mà còn là nguyên nhân gây tắc nghẽn phần vỉa hè. Trên thực tế, do thói quen sinh hoạt, vỉa hè của các tuyến đường hiện nay và là lối đi của khách bộ hành, vừa là nơi đậu xe của các cửa hàng, cửa hiệu bám dọc theo mặt tiền con đường. Nhiều nơi, do công tác quản lý chưa thực sự tốt, người dân còn chiếm dụng vỉa hè để kê tủ, kệ, xe đẩy, bày đồ ăn, thức uống để bán cho người đi đường. Do đó, việc không ít người có thói quen xấu khi đi xe gắn máy trên vỉa hè đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến việc tham gia giao thông của người đi bộ.

Thực tế cho thấy, tình trạng người điều khiển xe gắn máy lưu thông trên vỉa hè khi đường bị kẹt, đường đông phương tiện, diễn ra trên hầu hết các con đường, tuyến phố ở TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, nhiều và phổ biến hơn cả là tại các tuyến đường quy định chạy 1 chiều. Có thể kể tới một số tuyến đường điển hình mà thực trạng gây bức xúc này đã tồn tại từ nhiều năm nay, đó là: Điện Biên Phủ, Cách Mạng Tháng Tám, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hai Bà Trưng, Nguyễn Đình Chiểu, Trương Định… Tại những tuyến đường này, vào khung giờ cao điểm của buổi sáng và buổi chiều hằng ngày, tại rất nhều vị trí thường xuyên diễn ra cảnh người điều khiển xe máy lên vỉa hè chạy.

Việc lắp các thanh barie cần khoa học, tránh việc người điều khiển xe gắn máy có thể lách qua barie để đi trên vỉa hè.  (Ảnh: ĐĐ)

Được biết, hiện nay pháp luật đã có chế tài cụ thể để xử lý hành vi người đi xe gắn máy cố tình đi lên vỉa hè. Cụ thể, điểm g, khoản 4, điều 6, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó quy định phạt tiền từ 300.000 – 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào trong nhà.

Như vậy, những quy định và mức xử phạt đối với hành vi điểu khiển xe gắn máy chạy trên vỉa hè hiện rất rõ ràng, cụ thể. Dư luận cho rằng, phải chăng cơ quan chức năng, chính quyền thành phố còn làm chưa quyết liệt, xử lý quá nhẹ tay, không đủ “sức nặng” răn đe nên dẫn đến việc nhiều người vẫn cố tình vi phạm? 

Đặng Đức – Hoàng Mạnh Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN