Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tổng Kiểm toán Nhà nước thừa nhận tiêu cực trong ngành "có nhưng rất ít"

Thứ Tư, 05/06/2024 11:43 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Trước Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định và thừa nhận, những hành vi tiêu cực của một số kiểm toán viên nhà nước trong hoạt động kiểm toán là “có nhưng rất ít”; đồng thời khẳng định kiên quyết loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh”.

Sáng 5/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm toán nhà nước (KTNN). 

Có hành vi vòi vĩnh, gợi ý chia chác để bỏ qua sai phạm của đối tượng kiểm toán?

Đại biểu Hoàng Đức Thắng chất vấn tại phiên họp

Tại phiên họp, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) nêu, có ý kiến cho rằng mặc dù có nhiều cố gắng của ngành nhưng đâu đó vẫn có những hành vi tiêu cực của một số kiểm toán viên nhà nước trong hoạt động kiểm toán “mà phổ biến là khi phát hiện sai phạm của đối tượng kiểm toán thì vòi vĩnh, gợi ý chia chác khoản tiền sai phạm đó để bỏ qua sai phạm theo phương châm đôi bên cùng có lợi”.

Đại biểu đề nghị Tổng kiểm toán nhà nước làm rõ quan điểm về ý kiến này và có cần xây dựng một cơ chế thanh tra giám sát độc lập, thường xuyên thoạt động của kiểm toán ngoài thanh tra của ngành để bảo đảm quyền lực của kiểm toán được kiểm soát chặt chẽ nhằm xây dựng Kiểm toán nhà nước trong sạch, liêm chính?.

Trả lời câu hỏi trên, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn khẳng định và thừa nhận là "có nhưng rất ít", chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh. “Chúng tôi kiên quyết loại bỏ những con sâu này để giữ được đạo đức, chuẩn mực”, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn nói.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, trong luật đã quy định rõ về các hành vi không được làm của kiểm toán viên; trong hoạt động của ngành kiểm toán còn có Chuẩn mực số 30 về đạo đức công vụ. Thời gian tới, ngành kiểm toán sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện văn bản để kiểm soát chặt chẽ hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực của các cá nhân trong thực hiện công vụ và tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp này.

Tổng KTNN cho rằng, với cơ chế hiện tại trong hoạt động kiểm toán và quy trình quy chế, nhất là về phòng chống tham nhũng của ngành đã tương đối đầy đủ. “Khi đi kiểm toán thì kiểm toán viên phải ghi nhật ký từng ngày và ghi nhật ký điện tử chuyển về cơ sở dữ liệu của Vụ kiểm soát chất lượng kiểm toán và thanh tra kiểm toán theo dõi” - ông Tuấn cho biết. Đồng thời khẳng định, để kiểm soát công tâm, khách quan hoạt động này, ngành sẽ đẩy mạnh vai trò của thanh tra kiểm toán và Vụ kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Chuyển 19 vụ án có dấu hiệu tham nhũng sang cơ quan điều tra là còn ít

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) cho biết, từ các vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An và nhiều vụ án tham nhũng cho thấy có sự cấu kết giữa doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước với một số cán bộ, công chức trong các dự án đầu tư công để trục lợi tài sản của nhà nước.

Tuy các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước không thuộc các đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước nhưng những vụ việc này đều liên quan tới sử dụng tài chính công, tài sản công, liên quan đến dự án đầu tư công.

Đại biểu đề nghị Tổng KTNN cho biết sẽ có kiến nghị gì để Kiểm toán nhà nước có thể tham gia phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra thời gian tới?. 

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn 

Trả lời chất vấn của đại biểu, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn nhắc lại, Tập đoàn Phúc Sơn và Thuận An đều là doanh nghiệp không có vốn Nhà nước nên không thuộc đối tượng, đơn vị được kiểm toán. “Thế nhưng họ có đơn vị liên quan đến hoạt động kiểm toán. Riêng về Phúc Sơn, bị khởi tố liên quan đến việc chấp hành pháp luật về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, việc này hoàn toàn không liên quan đến hoạt động của KTNN, còn Tập đoàn Thuận An vi phạm pháp luật về đấu thầu. Hoạt động của KTNN đối với các dự án này là đánh giá sự tuân thủ pháp luật và nội quy quy chế của đơn vị được kiểm toán. Chúng tôi trên cơ sở hồ sơ tài liệu do đơn vị được kiểm toán cung cấp (chủ đầu tư, nhà thầu) rà soát lại toàn bộ quy trình thực hiện pháp luật và cũng đưa ra các kiến nghị”, ông Tuấn nói. 

Về giải pháp kiểm toán tham gia sâu hơn vào quá trình điều tra, Tổng KTNN cho biết, thuật ngữ "kiểm toán điều tra" đã được đề cập từ năm 1946 trong các diễn đàn của Tổ chức quốc tế các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI). Đến nay, sau gần 80 năm, mới dừng ở mức độ tranh luận xem kiểm toán có nên thực hiện thêm chức năng điều tra hay không, có điều tra thì mới đi đến cùng hành vi phạm tội, truy tố. Hiện nay, có rất ít các cơ quan kiểm toán tối cao ở các nước phát triển thực hiện chức năng này. INTOSAI cũng chưa có hướng dẫn về việc này.

"Dưới góc độ KTNN Việt Nam, chúng tôi cố gắng hoàn thành tròn chức năng đánh giá xác nhận, kết luận kiến nghị theo quy định của pháp luật, theo đúng lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "đúng vai, thuộc bài", "thuộc bài, đúng vai" thì không bao giờ sai", ông Tuấn nhấn mạnh.

Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) dẫn báo cáo của KTNN nêu, KTNN đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua kiểm toán cho cơ quan cảnh sát điều tra các cấp để xem xét, xử lý. Báo cáo của KTNN tự nhận xét, kết quả kiểm toán đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; KTNN thực hiện phát huy vai trò, hiệu quả chủ yếu ở khía cạnh phòng ngừa, số vụ chuyển cơ quan điều tra còn hạn chế. Đại biểu đề nghị Tổng KTNN làm rõ giải pháp để khắc phục trong thời gian tới. 

Về vấn đề đại biểu nêu, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, trong báo cáo, KTNN đã tự nhận thấy việc chủ động chuyển 19 vụ việc trong 5 năm so với 1.609 hồ sơ tài liệu theo yêu cầu là còn ít. “Chúng tôi tự nhận đó là tồn tại, hạn chế”, ông Ngô Văn Tuấn khẳng định. 

Về giải pháp khắc phục trong thời gian tới, Tổng KTNN đề cập đến việc áp dụng các giải pháp để nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, kịp thời phát hiện các sai phạm, thu thập bằng chứng để kịp thời chuyển cho cơ quan điều tra./.

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN