Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Nhiều hiện tượng lạm dụng, trục lợi bảo hiểm y tế

Thứ Năm, 15/06/2017 10:44 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chiều ngày 14/6, trong khuôn khổ phiên chất vấn và trả lời chất vấn, bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có phần trả lời các đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) hiện nay.

Có yếu tố bất thường trong chi trả BHYT

Trả lời tại hội trường, bà Nguyễn Thị Minh cho biết, Luật BHYT được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2015 là một bước tiến dài về an sinh xã hội, thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với chính sách y tế toàn dân. Thực tế cho thấy, với sự ra đời của luật, quyền lợi của người dân được hưởng so với mức đóng BHYT đã cao hơn trước. Đặc biệt, hộ người nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên, đối tượng được ưu tiên đã có cơ hội để tiếp cận các dịch vụ y tế tốt hơn. Hiện nay, mỗi năm Việt Nam khám chữa bệnh cho khoảng 150 triệu lượt người với độ bao phủ BHYT là khoảng 77 triệu người chiếm 83% dân số. Bên cạnh đó, Chính phủ đã có chỉ đạo sát sao bằng nhiều giải pháp tích cực, như nâng giá BHYT, giao chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra về sử dụng quỹ BHYT.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh trả lời chất vấn  của đại biểu Quốc hội
(Ảnh: KS)

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cũng thẳng thắn chỉ ra hạn chế trong quản lý và sử dụng quỹ BHYT hiện nay và một trong số đó là tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT từ cả người bệnh và cơ sở y tế. “Do chưa đảm bảo được chất lượng theo yêu cầu, nên một số cơ sở y tế đã kéo dài ngày nằm viện của bệnh nhân. Ví dụ, mổ Phaco, theo quy trình chỉ là hai ngày, nhưng hiện nay có bệnh viện lên đến 7,5 ngày, đây là một điều rất vô lý. Một dẫn chứng khác là hệ thống giường bệnh tuyến huyện thường không sử dụng hết 100% công suất, nhưng có những tỉnh báo lên thanh toán đến 200 - 300% công suất”, bà Minh dẫn chứng.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt trong việc kiểm tra, giám sát, giám định để quỹ BHYT được sử dụng một cách thật sự hiệu quả. Gần đây nhất, BHXH Việt Nam cũng có một văn bản đề nghị các tỉnh tập trung vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý BHYT. “Nhân diễn đàn này, tôi cũng kính mong các vị đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội cùng quan tâm giám sát để quỹ BHYT ở các tỉnh, thành phố thực sự đến với người bệnh. Với các địa phương, chính quyền cần tăng mức hỗ trợ cho người cận nghèo, cho học sinh, sinh viên để tăng độ bao phủ BHYT và giảm bội chi ngân sách. Bên cạnh đó, với các địa phương có điều kiện ngân sách có thể tăng phần hỗ trợ trực tiếp để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam kiến nghị.

Trục lợi BHYT- Không nên chỉ đổ lỗi cho người dân và ngành y tế

Sau phần trả lời của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, một số đại biểu Quốc hội đã tham gia tranh luận với tinh thần nhìn thẳng, nhìn thật vào những hạn chế trong quản lý và sử dụng quỹ BHYT hiện nay. Cụ thể, đại biểu Ngô Thị Kim Yến - TP Đà Nẵng bày tỏ chia sẻ với việc bội chi quỹ BHYT cũng như một số vấn đề mà ngành y tế đang gặp phải. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng việc BHXH Việt Nam có thông báo giao việc chi thanh toán BHYT cho các địa phương, cụ thể là Công văn số 1943 của Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam là không hợp lý. “Theo tôi việc ban hành các văn bản như thế chưa đúng thẩm quyền về ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với địa phương. Đặc biệt, Khoản 4, Điều 35 của Luật BHYT quy định, nếu như ở địa phương nào mà số chi vượt số thu thì BHXH Việt Nam cân đối và sử dụng từ nguồn quỹ dự phòng để thanh toán, nếu như thiếu sẽ báo cáo Chính phủ. Ở đây, BHXH Việt Nam lại yêu cầu các địa phương, Chủ tịch UBND các tỉnh cân đối, nếu thiếu thì dùng ngân sách của địa phương để thanh toán”, đại biểu lưu ý.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn TP Hồ Chí Minh tham gia tranh luận 
với Tổng giám đốc BHXH Việt Nam (Ảnh: KS)

Còn theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh), chuyện tiêu cực trong quản lý và sử dụng quỹ BHYT có thể xảy ra ở bất cứ đâu, nhất là khi cơ chế quản lý còn lỏng lẻo, BHYT chưa hoàn tất được việc liên thông tất cả các số liệu, người này không biết người kia làm gì. Chính vì vậy, ở đây chúng ta  phải xem lại trách nhiệm của các bên liên quan chứ không nên đổ lỗi cho người dân, cho ngành y tế. Cũng theo bà Lan, trước nguy cơ vỡ quỹ BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế và Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định do thu ít, chi nhiều, vậy muốn không vỡ quỹ thì bài toán đặt ra như thế nào, đa dạng hóa những mức thu bảo hiểm ra sao, thay vì chúng ta chỉ tập trung siết chi. 

“Trong vấn đề siết chi hiện nay, anh em ở các bệnh viện rất bức xúc vì luôn siết chi bằng những biện pháp gọi điện thoại, gửi email... Tôi thấy điều này tiềm ẩn những yếu tố tiêu cực không kém gì hiện tượng trục lợi quỹ BHYT. Các bác sỹ, dược sỹ ở bệnh viện vốn đã vất vả trong chuyên môn mà bây giờ lại phải xem xét làm sao để thuốc đó, kỹ thuật đó có trong danh mục chi hay không và có bị suất toán hay không. Việc này thực sự rất khó”, đại biểu lưu ý. /.

Kim Sơn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN