Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tổ chức Khí tượng thế giới cảnh báo tình trạng nhiệt độ tăng cao

Thứ Năm, 27/05/2021 16:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo có khoảng 40% khả năng nhiệt độ trung bình hàng năm sẽ tạm thời cao hơn 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp trong ít nhất một năm vào giai đoạn 2021 – 2025.

 Ảnh minh họa (Nguồn: WMO)

Bản tin dự báo khí tượng hàng năm của WMO dựa trên chuyên môn của các nhà khí hậu học nổi tiếng quốc tế và hệ thống dự báo tốt nhất từ các trung tâm khí hậu lớn trên thế giới để tạo ra thông tin có thể hữu dụng cho các nhà chức trách.

Theo bản tin dự báo khí hậu toàn cầu hàng năm của WMO, có khả năng 90% rằng ít nhất một năm trong giai đoạn từ năm 2021 – 2025 trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận và do đó “truất ngôi” của năm 2016.

Trong giai đoạn 2021-2025, so với trước đây (được xác định là mức trung bình 1981- 2010), các khu vực có vĩ độ cao và Sahel dự kiến sẽ nhận được nhiều mưa hơn và khả năng cao hơn sẽ xuất hiện nhiều xoáy thuận nhiệt đới hơn ở Đại Tây Dương.

“Đây không chỉ là số liệu thống kê” – ông Petteri Taalas, Tổng thư ký của WMO, cho biết. “Nhiệt độ tăng cao dẫn đến tan băng, mực nước biển dâng, sóng nhiệt tăng và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác, cũng như tác động lớn hơn đến an ninh lương thực, sức khỏe, môi trường và phát triển bền vững”.

Theo ông Taalas, nghiên cứu này cho thấy, với độ tin cậy khoa học cao, nhân loại đang tiến gần đến giới hạn dưới của Thỏa thuận Paris một cách có thể đo lường được và không thể đo lường được. Ông nói: “Nó nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta phải thực hiện các cam kết của mình nhanh chóng hơn để giảm triệt để lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đạt được mức độ trung tính carbon”. “Tiến bộ công nghệ hiện nay cho phép truy ngược lại các nguồn phát thải khí nhà kính để nhắm mục tiêu chính xác những nỗ lực cần thực hiện về giảm thiểu” – ông nói thêm.

Nghiên cứu của WMO nhấn mạnh sự cần thiết phải thích ứng với khí hậu. Ông Taalas lưu ý: “Chỉ một nửa trong số 193 thành viên WMO có các dịch vụ cảnh báo sớm”, đồng thời kêu gọi “mỗi quốc gia nên tiếp tục phát triển các dịch vụ cần thiết để hỗ trợ thích ứng trong các lĩnh vực nhạy cảm với khí hậu - chẳng hạn như y tế, nước, nông nghiệp và năng lượng tái tạo - và thúc đẩy các hệ thống cảnh báo sớm, nhằm giảm tác động tiêu cực của các hiện tượng cực đoan”.

Ngoài ra, các quan sát khí tượng bị thiếu hụt nghiêm trọng, đặc biệt là ở châu Phi và các quốc đảo. “Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ chính xác của cảnh báo sớm ở các khu vực này và trên toàn thế giới” – người đứng đầu WMO nêu rõ. 

Theo báo cáo của WMO về tình trạng khí hậu thế giới năm 2020, được công bố vào tháng 4 vừa qua, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,2°C so với giá trị tham chiếu thời kỳ tiền công nghiệp. Báo cáo này nhấn mạnh sự xấu đi của các chỉ số biến đổi khí hậu, như mực nước biển dâng, băng biển tan chảy và các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng, cũng như tác động ngày càng tăng của chúng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.

Bản tin dự báo khí hậu toàn cầu hàng năm của WMO vừa công bố tiếp tục khẳng định xu hướng này. Trong 5 năm tới, nhiệt độ trung bình hàng năm trên toàn cầu có thể sẽ cao hơn ít nhất 1°C, trong phạm vi từ 0,9°C đến 1,8°C, so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

So với dự báo của năm ngoái, khả năng tạm thời đạt đến giới hạn 1,5°C đã ít nhiều tăng gấp đôi. Kết quả này chủ yếu là do việc sử dụng bộ dữ liệu nhiệt độ tốt hơn để ước tính các giá trị tham chiếu, chứ không phải do sự thay đổi đột ngột của các chỉ số khí hậu.

Theo bản tin, rất ít khả năng (10%) nhiệt độ toàn cầu trung bình hàng năm trong toàn bộ giai đoạn 2021- 2025 sẽ cao hơn 1,5°C so với giá trị thời kỳ tiền công nghiệp.

“Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, chúng tôi đánh giá sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu bằng cách tham khảo nhiệt độ trung bình toàn cầu trong dài hạn chứ không phải mức trung bình trong những năm hoặc tháng nhất định” – ông Adam Scaife, Trưởng bộ phận dự báo theo mùa của Decadal Met Office, giải thích. “Tuy nhiên, mức vượt quá giới hạn 1,5°C tạm thời có thể đã được quan sát thấy trong những năm tới”.

Thỏa thuận Paris nhằm mục đích kiềm chế, trong suốt thế kỷ, sự gia tăng nhiệt độ trung bình của hành tinh xuống dưới 2°C so với mức tiền công nghiệp và tiếp tục các hành động được thực hiện để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ ở mức 1,5°C.

Tuy nhiên, các cam kết quốc gia về giảm phát thải, được gọi là “các khoản đóng góp do quốc gia quyết định”, hiện đang thấp hơn rất nhiều so với mức cần thiết để đạt được mục tiêu này.

Năm 2021 là năm quyết định để ngăn chặn biến đổi khí hậu vượt khỏi tầm kiểm soát. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ được tổ chức tại Anh từ ngày 11–13/6, 5 tháng trước khi các cuộc đàm phán quan trọng về biến đổi khí hậu tại COP-26 tới. Hy vọng rằng, các nhà chức trách của các quốc gia sẽ cùng bàn bạc và quyết tâm để bảo đảm và đẩy nhanh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu./.

 

Khánh Linh (Theo UN, WMO, AFP)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN