Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tỉnh táo trước tin giả ngày càng tinh vi

Thứ Tư, 11/08/2021 12:07 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Câu chuyện về “bác sĩ Khoa” mới đây cho thấy, tin giả đang ngày càng trở nên khó lường hơn, tinh vi hơn. Nó thách thức những kỹ năng truyền thống và truyền đi những hư cấu, sai sự thật. Theo các chuyên gia, mấu chốt để đối diện với tin giả là một cái đầu đủ tỉnh táo để kiểm chứng, nhận diện và bình tĩnh trước khi chia sẻ bất cứ một thông tin nào trên môi trường mạng.

Nhiều tin giả lộng hành trong thời điểm dịch COVID-19, gây hoang mang dư luận. Ảnh: Đ.Tr.

Hư cấu những câu chuyện

 Trên mạng xã hội, tin giả được đăng tải ngày một tinh vi, có tổ chức, khiến ngay cả những người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực truyền thông, báo chí cũng dễ bị mắc lừa, chia sẻ thông tin thiếu tỉnh táo, gây hoang mang dư luận...

 Gần nhất, từ đêm 7/8 đến rạng sáng 8/8, cộng đồng mạng đã chia sẻ rất mạnh thông tin về vụ việc một bác sĩ tên Khoa đã chấp nhận rút ống thở của mẹ mình để nhường lại cho một sản phụ đang mang thai cùng phòng...

 Ngay sau khi đăng tải, thông tin này đã được lan truyền với tốc độ nhanh chóng, kèm theo nhiều lời bình luận tiếc thương. Hầu hết cộng đồng mạng đều bày tỏ sự xúc động và cảm phục trước hành động của vị bác sĩ tên Khoa... Đặc biệt, để minh họa cho câu chuyện nêu trên, trên mạng còn xuất hiện những đoạn tin nhắn nội bộ cảm động, khiến cộng đồng tiếp tục vỡ òa trước hình ảnh hai bé song sinh vừa được bác sĩ Khoa phẫu thuật.

 Ngay sáng 8/8, cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh: Câu chuyện trên là hư cấu. Cụ thể, theo Sở Y tế TP.HCM, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố không hề có vụ việc bác sĩ đang điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, tự ý rút ống thở để nhường cho sản phụ sắp sinh. Hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội về hai em bé song sinh được cho là con của sản phụ là ảnh cũ, được chỉnh sửa từ ảnh gốc chụp tại Bệnh viện Từ Dũ, do tài khoản facebook C.H.T đăng lên ngày 21/7, không phải ảnh chụp ngày 7/8 như thông tin đang lan truyền.

 Mới đây, cộng đồng mạng cũng xôn xao trước nội dung thông tin được nhiều tài khoản chia sẻ, kêu gọi mọi người nên chấp hành chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, qua xác minh, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) đã khẳng định, nội dung thông tin trên là giả mạo, xuyên tạc phát ngôn của Phó Thủ tướng, gây hoang mang trong dư luận.

 Hay vụ việc một Facebooker tên Thùy Linh đăng tải thông tin “Giờ giới nghiêm của Hà Nội sẽ tính từ 18h tối nay”. Tài khoản Facebook đã nhắc nhở mọi người nên cẩn trọng trước khi ra ngoài vì lệnh cấm vừa được thông báo. Thực tế, theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, TP Hà Nội chưa ban bố chỉ đạo nêu trên.

 Trước sự việc nhiều tin giả lộng hành trong thời điểm cả nước đang chống dịch, các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân không nên chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, nhất là tin tức liên quan tình hình dịch bệnh COVID-19.

 Giữ một thái độ tỉnh táo

 Trong câu chuyện về "bác sĩ Khoa" được hư cấu rồi lan truyền đi mạnh mẽ ngày 8/8 vừa qua, điều đáng nói, những tài khoản chia sẻ "tin giả" có cả những nhà báo, phóng viên, chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, thậm chí có người là lãnh đạo của cơ quan báo chí. Họ không phải là những "tay mơ" nhưng đã bị tin giả qua mặt một cách dễ dàng. Thực tế đó cho thấy, tin giả đang ngày càng trở nên khó lường hơn, tinh vi hơn.

 Theo chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, ai cũng có thể là nạn nhân của tin giả. Chúng ta dễ tin vào tin giả, bởi vì nó sinh ra là để thao túng tâm lý, suy nghĩ và hành vi của công chúng. Chỉ cần nó phù hợp phần nào với định kiến của chúng ta, thì lập tức chúng ta tin nó, thậm chí chẳng buồn kiểm chứng nó có đúng hay không, bấm like, share, thậm chí là thêm bớt ít nhiều để khẳng định thêm chính kiến của mình, vô tình hoặc hữu ý gia tăng mức độ ảnh hưởng của tin giả.

 Tin giả bóp méo sự thật, để làm cường điệu vai trò của ai đó, hoặc làm tổn thương các mối quan hệ xã hội, với các quy mô khác nhau. Tin giả đánh vào một cá nhân thì cá nhân đó sẽ bị bạn bè, cộng đồng của mình quay lưng lại. Tin giả đánh vào một tổ chức, một doanh nghiệp, một đơn vị, thì nó làm sụp đổ niềm tin của khách hàng, công chúng, đối tác xung quanh các tổ chức đó. Tin giả đánh vào một quốc gia, nó làm gia tăng bất hoà, thổi phồng các mâu thuẫn, thậm chí kích động bạo loạn.

 "Về phía người đọc, công chúng, nếu thực sự muốn đề phòng con virus tin giả, thì chỉ có cách mở rộng đón nhận các nguồn tin đa dạng, thậm chí đối chọi, để tự biện luận và tìm ra sự thật chân thành. Khi chúng ta tự xoá bỏ định kiến, để thử tìm hiểu, phản biện lại chính mình, thì chúng ta sẽ có xu hướng tiếp nhận thông tin từ nhiều phía, để rồi mình sẽ có thời gian để tìm đến sự thật toàn vẹn" - ông Lê Quốc Vinh bày tỏ ý kiến.

 Trong khi đó, chuyên gia nghiên cứu xã hội học Đặng Hoàng Giang chia sẻ: "Câu chuyện” bác sĩ rút ống thở của mẹ mình cho người khác dùng "cho thấy, càng trong lúc nước sôi lửa bỏng thì càng phải giữ cái đầu tỉnh táo để không ngay lập tức tin, like và share bất cứ cái gì ta đọc được trên mạng xã hội. Hãy chậm lại một nhịp, chúng ta cũng sẽ không bị thiệt thòi gì đâu"./.

ĐÌNH TRƯỜNG/laodong.vn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN