Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tinh gọn bộ máy nhằm triển khai tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

Thứ Sáu, 02/11/2018 14:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thực hiện Nghị quyết số 18, 19 - NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), ngành Y tế là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, phát triển, hiệu quả nhằm triển khai tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

*Đến tháng 10/2018, các nội dung thuộc ngành y tế theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ninh tại Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 05/02/2018 về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã cơ bản được triển khai, thực hiện và hoàn thành theo tiến độ…


Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Báo cáo của Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, Trên cơ sở sáp nhập 5 đơn vị hệ dự phòng tuyến tỉnh, gồm: Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ, Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản và Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/6/2018.

Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật từ các đơn vị hợp nhất được điều chuyển về các đơn vị khác (BV Sản Nhi, BV Đa khoa tỉnh, Trung tâm y tê thị xã Quảng Yên...) để tránh chồng chéo, phát triển chuyên sâu và chỉ đạo, hỗ trợ tuyến theo chuyên ngành...

Thông qua đó, giảm 4 đầu mối đơn vị so với trước khi sáp nhập; giảm được sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị; giảm về số lượng cán bộ lãnh đạo, giảm số người làm việc song vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao; tập trung nguồn lực, tăng khả năng phối hợp, hỗ trợ, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực kiểm soát, phòng chống bệnh tật trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, từ tháng 6/2016, ngành y tế Quảng Ninh đã hoàn thành việc thực hiện hợp nhất các đơn vị y tế trên địa bàn cấp huyện thành Trung tâm Y tế 2 chức năng (Thực hiện Đề án 25 của Tỉnh). Sau khi hợp nhất, năng lực phòng chống dịch bệnh và khám chữa bệnh của các đơn vị được duy trì và tăng cường cả về nguồn lực, chất lượng chuyên môn...; các Trung tâm Y tế 2 chức năng tiếp tục được quan tâm đầu tư nâng cấp về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, chú trọng về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế để phát triển các dịch vụ kỹ thuật y tế và hỗ trợ thiết thực cho trạm y tế...

* Xác định được tầm quan trọng việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đảm bảo cơ cấu hợp lý, thời gian qua, ngành Y tế tỉnh Hà Giang đã tích cực tham mưu cho tỉnh, chủ động xây dựng đề án, kế hoạch kiện toàn về tổ chức bộ máy, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương.

Cán bộ Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát
bệnh tật tỉnh Hà Giang) xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Báo Hà Giang

Tính đến ngày 15/8/2018, đối với tuyến tỉnh, ngành Y tế Hà Giang đã hoàn tất việc thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trên cơ sở sáp nhập 5 đơn vị trực thuộc là Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Phòng chống sốt rét - ký sinh trùng và côn trùng, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS. Qua đó đã tinh gọn đầu mối tuyến tỉnh từ 5 đơn vị xuống còn 1 đơn vị với 10 phòng, 23 khoa giảm xuống còn 3 phòng, 12 khoa. 

Về nhân sự lãnh đạo, tinh giản từ 5 Giám đốc xuống còn 1; 6 Phó Giám đốc xuống còn 3; 10 Trưởng phòng xuống còn 3; 23 Trưởng khoa xuống còn 12; 10 Phó trưởng phòng còn 3; 23 Phó trưởng khoa xuống còn 12; 8 kế toán xuống còn 6 và giảm được 2 lái xe. Tinh gọn bộ máy thuộc Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm từ 4 phòng xuống còn 3 (giảm được 1 phòng, 1 lãnh đạo phòng).

Đối với tuyến huyện, thành phố, đã hoàn thiện Đề án Sáp nhập Trung tâm Dân số - KHHGĐ vào Trung  tâm Y tế huyện (dự kiến đến quý II năm 2019 sẽ thực hiện xong việc sáp nhập). Theo kế hoạch, sau khi sáp nhập sẽ tinh gọn được 11 đầu mối tuyến huyện, thành phố, tương đương với việc giảm được 11 vị trí Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ; tinh gọn được từ 5 phòng, ban giảm còn 2; 15 khoa xuống còn 7. Riêng đối với tuyến xã, phường, thị trấn dự kiến sẽ tổ chức lại 19 Phòng khám Đa khoa khu vực hiện có. Trong đó, 10 Phòng khám Đa khoa khu vực nâng cấp thành Cơ sở 2 thuộc Bệnh viện Đa khoa huyện quản lý (ưu tiên những địa phương nằm trong quy hoạch khu vực phòng thủ của tỉnh); 9 Phòng khám Đa khoa khu vực còn lại chuyển thành Trạm y tế xã trực thuộc Trung tâm Y tế huyện quản lý…

*Thời gian qua, Sở Y tế Kon Tum được đánh giá là đơn vị đi đầu của tỉnh trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Qua sắp xếp, các đơn vị bước đầu hoạt động hiệu quả. Sở Y tế  Kon Tum đã triển khai xây dựng các đề án, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của ngành theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo các nghị quyết Trung ương.

Đối với tuyến tỉnh, đã bố trí, sắp xếp lại các phòng thuộc Sở (giải thể Phòng Pháp chế, Ban Quản lý các dự án xây dựng; thành lập mới Phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân; kiện toàn đội ngũ quản lý các tổ chức tham mưu tổng hợp và chuyên môn nghiệp vụ thuộc Sở); thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trên cơ sở hợp nhất 7 đơn vị hệ y tế dự phòng tuyến tỉnh; thành lập Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh trên cơ sở hợp nhất Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh và Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh; kiện toàn các phòng chuyên môn thuộc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, giảm từ 4 phòng xuống còn 3 phòng: Tổ chức - Hành chính, Nghiệp vụ, Công tác thanh tra.

Đối với tuyến y tế cơ sở,  tổ chức lại Trung tâm Y tế các huyện - thành phố trên cơ sở sáp nhập Trung tâm An toàn vệ sinh thực phẩm và Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình vào Trung tâm Y tế huyện - thành phố, thực hiện mô hình trung tâm y tế đa chức năng, bao gồm y tế dự phòng, dân số, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác; giải thể, sắp xếp lại các Phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn các huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Sa Thầy và Kon Rẫy; giải thể một số trạm y tế nơi có cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế trên cùng địa bàn.

Để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Sở Y tế Kon Tum tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong việc sắp xếp, tổ chức bộ máy và thực hiện tinh giản biên chế; giám sát chặt chẽ biên chế tại các đơn vị sự nghiệp y tế; tổ chức, phân loại công chức, viên chức theo vị trí việc làm và sắp xếp, bố trí lại cơ cấu theo hướng vị trí chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tỷ lệ ít nhất 65%; rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại và nghiêm túc thực hiện việc tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI; thực hiện cơ chế, chính sách phù hợp đối với những công chức, viên chức, người lao động thuộc diện phải sắp xếp, cơ cấu lại và tinh giản biên chế.../.

MC (tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN