Tin giả về COVID-19 thách thức nhiều nước
(ĐCSVN) - Giữa lúc nhiều quốc gia căng mình chống đại dịch COVID-19, có một loại "virus" khác được đánh giá không kém phần nguy hiểm so với SARS-CoV-2, đó là tin giả. Những thông tin không đúng sự thật về dịch bệnh xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội (MXH), khiến cuộc chiến chống dịch ngày càng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi các chính phủ chung tay hành động.
Fake News - vượt tầm kiểm soát
Với khoảng 3 tỷ người dùng, các MXH là nơi chia sẻ và lan truyền những tin tức giả mạo với tốc độ nhanh hơn bất kỳ nền tảng nào, bất chấp nỗ lực kiểm soát từ các hãng công nghệ.
Ngay sau khi xuất hiện dịch COVID-19, vào tháng 2/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố: “Song hành cùng đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra còn có một đại dịch thông tin (infodemic)”. Các tổ chức như Liên hợp quốc (UN), WHO… đã kêu gọi các nước chung tay hành động khẩn cấp đối phó với đại dịch thông tin đang nổi lên cùng với dịch COVID-19.
Website www.11384vn.com giả mạo Cổng thông tin Bộ Công an. (Ảnh: qdnd.vn) |
Các nghiên cứu cho thấy, niềm tin sai lệch do tiếp xúc với tin giả giống như cách thức bệnh dịch lây lan. Trong đó, các tương tác xã hội trên môi trường truyền thông giống như virus lây nhiễm từ nhận thức, thái độ và hành vi của người này sang người khác. Khi chia sẻ tin giả, đồng nghĩa với việc niềm tin sai lệch “truyền nhiễm” đến các cá nhân, nhóm xã hội khác.
Tại các nước châu Á, xuất hiện rất nhiều thông tin sai lệch trên MXH về COVID-19. Một cuộc khảo sát của Nikkei cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2021, tại Nhật Bản, có tới 110.000 bài đăng dẫn thông tin tiêm vaccine có thể dẫn tới vô sinh. Indonesia phát hiện và gỡ bỏ 2.000 tin giả liên quan đến vaccine COVID-19.
Ở Ấn Độ, hàng trăm “bài thuốc” thiếu cơ sở khoa học, thậm chí có hại cho sức khỏe đã được đưa lên mạng, từ dùng cây đinh hương tới uống nước tiểu và phân bò. Có cả lời khuyên “1,3 tỉ người cùng lúc vỗ tay, thổi vỏ ốc xà cừ sẽ tạo ra rất nhiều xung động khiến virus mất hết sức mạnh”.
Tại Việt Nam, phần lớn tin giả xuyên tạc về dịch COVID-19, về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương, về chính sách phân bổ vaccine; kêu gọi tự điều trị, chẩn đoán tại nhà, không theo chỉ dẫn của Bộ Y tế; kêu gọi tích trữ lương thực, thực phẩm, vật tư y tế…
Các chuyên gia cho rằng tin giả lan nhanh, gây hoang mang dư luận, làm phức tạp hơn công tác phòng, chống dịch bệnh. Tổng Y sỹ Mỹ, ông Vivek Murthy cảnh báo rằng, thông tin sai lệch là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Nó có thể gây nhầm lẫn, gieo rắc sự tin tưởng, gây tổn hại đến sức khỏe của mọi người và phá hoại các nỗ lực y tế cộng đồng.
Tin giả cũng gây ra tâm lý lo ngại tiêm vaccine. Tại Philippines, khảo sát hồi tháng 6, có 36% không muốn tiêm vaccine. Tại Nhật Bản, tính đến tháng 7, chỉ có khoảng 45% số người trong độ tuổi 20,30 đã tiêm hoặc muốn tiêm phòng. Đến đầu tháng 9, khoảng 40% dân số Mỹ vẫn chưa được tiêm vaccine và con số này ở Anh, Israel chiếm 30%, do tâm lý e ngại. Tại Iran, hồi đầu năm 2020, hơn 300 người tử vong, 1.000 người phải nhập viện khi làm theo “hướng dẫn” trên mạng, rằng uống rượu giúp phòng ngừa COVID-19.
Nói về tác hại của những tin giả trong phòng, chống dịch COVID-19, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định: “Những thông tin giả mạo giữa lúc dịch COVID-19 bùng phát có nguy cơ làm suy yếu cuộc chiến chống dịch bệnh nếu không được kiểm soát, xử lý kịp thời”.
Sự xuất hiện và gia tăng các loại tin giả bắt nguồn từ việc các cá nhân, nhóm người lợi dụng các nền tảng xã hội để thu lợi bất chính; tác động của tâm lý đám đông, khiến một số người tin những gì được chia sẻ hơn cả bằng chứng khoa học; sự “dung túng” của các các nhà cung cấp dịch vụ MXH. Ngoài ra, cũng không thể phủ nhận các giả định về thuyết âm mưu liên quan đến cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu COVID-19.
Tin giả về COVID-19 thách thức nhiều nước. (Ảnh: vietnamnet.vn) |
Những giải pháp được các nước quan tâm
Thứ nhất, trước thực trạng tin giả tràn lan, nhiều quốc gia đã đặt ra những biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với sản xuất và phát tán tin giả về dịch COVID-19. Singapore ban hành đạo luật Chống thông tin sai trái và thao túng trên mạng, với án tù lên tới 10 năm. Thái Lan đề ra mức phạt tiền hoặc phạt tù lên đến 5 năm và thành lập Trung tâm Chống tin giả. Trung Quốc quy định bịa đặt thông tin sai lệch về dịch bệnh, sẽ bị kết án tù 3-7 năm nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại châu Âu, Nga đã thông qua dự luật cho phép phạt nặng những đối tượng truyền bá các thông tin sai lệch về dịch bệnh. Trong khi đó, một số nước như Đức, Pháp cũng thông qua luật chống tin giả trên MXH; Chính phủ Anh thành lập “biệt đội kiểm soát thông tin sai lệch”…Những biện pháp mạnh tay của chính quyền tại nhiều quốc gia đã làm hạn chế phần nào tin giả.
Thứ hai, theo chuyên gia Yoshimura thuộc dự án Cov-Navi của Nhật Bản, chìa khóa để chống dịch COVID-19 là cung cấp cho người dân những thông tin chính xác, dễ hiểu. Chính phủ các nước cần phải nỗ lực để giáo dục cho công dân về các biện pháp phòng, chống COVID-19, cũng như gia tăng niềm tin với vaccine. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân phải nâng cao trách nhiệm với cộng đồng, không chia sẻ thông tin thiếu tin cậy, tin đồn thất thiệt; cảm thông và chia sẻ với những người nhiễm COVID-19.
Thứ ba, trong cuộc chiến với tin giả không thể thiếu sự tham gia của các “gã khổng lồ” công nghệ thông tin. Hiện tại Facebook, Google, LinkedIn, Microsoft, Reddit, Twitter và Youtube đã đưa ra thông báo chung, cam kết chống thông tin giả mạo. Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ này đang phối hợp chặt chẽ với WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch Mỹ (CDC) để truy cứu nguồn gốc, kiểm chứng và loại bỏ thông tin giả mạo ngay khi phát hiện.
Thúc đẩy ứng dụng AI và các phần mềm chống tin giả; tăng cường nghiên cứu khoa học mang tính liên, xuyên ngành để đề xuất các giải pháp phòng chống, kiểm soát và hạn chế tin giả hiệu quả. Nghiên cứu thành lập đơn vị đặc trách chống tin giả trong phòng, chống dịch COVID-19, chẳng hạn như lực lượng đặc trách của EU. Việt Nam cũng đề xuất ASEAN cần lập Lực lượng Đặc nhiệm chống tin giả.
Thứ tư, báo chí chính thống là một nhân tố đóng vai trò chủ động trong cuộc chiến chống tin giả, thông qua thực hiện chức năng kiểm chứng nguồn tin và thông tin một cách công khai, minh bạch, giúp các cá nhân, tổ chức dùng MXH có thể chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy. Đồng thời, phát huy vai trò dẫn dắt dư luận xã hội, tạo ra dòng chảy thông tin chủ lưu bằng những tin tức chính xác, kịp thời.
Thứ năm, đại dịch COVID-19 là vấn đề mang tính toàn cầu, vì vậy đấu tranh phòng, chống tin giả về dịch COVID-19 cũng phải mang tính toàn cầu, vì sự an toàn xã hội ở tất cả các quốc gia. Trong bối cảnh thế giới nhiễu loạn thông tin, việc phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia để bảo đảm có thể truyền bá thỏa mãn nhu cầu thông tin chính đáng, hạn chế tính độc hại của thông tin đối với sự phát triển lành mạnh của xã hội càng trở nên quan trọng đối với tất cả các quốc gia trên thế giới./.