Tin giả mang tính chính trị: Mối đe dọa lớn mà thế giới phải đối mặt
(ĐCSVN) - Những thông tin không tin cậy được lan truyền với tốc độ nhanh chóng nhờ sự phổ biến công nghệ tin giả, sẽ là một trong những mối đe dọa lớn nhất mà thế giới phải đối mặt, trong đó có cả những hậu quả về chính trị, khiến các chính phủ ngày càng quan tâm nhằm tìm ra giải pháp ứng phó.
Các tin giả dưới dạng trò đùa “Cá tháng Tư” hoặc đơn giản do ấu trĩ về nghiệp vụ là những tin giả được xếp vào loại ít nguy hiểm. Tuy nhiên, trong một thế giới đầy tính cạnh tranh và chất chứa nhiều xung đột ngấm ngầm hoặc công khai như hiện nay, không hiếm tin giả gây nên hệ lụy khôn lường về chính trị của các quốc gia.
Lực lượng chức năng Ba Lan phun vòi rồng giải tán những người di cư |
Đầu năm 2016, trên mạng xã hội (MXH) xuất hiện tin giả về một bé gái người Nga 13 tuổi sống ở Đức, bị cưỡng hiếp tập thể ở Berlin. Câu chuyện được nhiều hãng tin chính thống Nga và Đức đăng lại, khiến quan hệ ngoại giao Nga - Đức rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Nga cáo buộc Đức “tìm cách cho chìm xuồng vụ việc”. Đức đáp trả rằng đây là “một thủ đoạn kiểu KGB” của Nga.
Cuộc đua vào Nhà Trắng Mỹ, năm 2016, theo các chuyên gia, nó xảy ra vào một thời điểm không thể tệ hơn trong đời sống dư luận Mỹ. Facebook, Twitter và các trang truyền thông xã hội khác đã cho người dân Mỹ tiếp xúc với hàng loạt tin tức sai lệch. Thượng nghị sỹ Claire McCaskill, đại biểu đảng Dân chủ nhận định: “Đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất với nền dân chủ của chúng ta: mô hình kinh doanh báo chí chân chính đang thất bại”.
Cho đến nay, giới chính trị gia và báo chí Mỹ, vẫn chưa hết hoài nghi về sự can thiệp của Nga bằng hàng loạt tin giả đã dẫn đến sự thất bại của bà Clinton trước đối thủ Trump, trong khi Nga luôn bác bỏ các cáo buộc này. Tờ Washington Post cho rằng truyền thông Nga đã “nâng cấp” nhiều tin giả thành một chiến dịch xuyên tạc rộng lớn nhằm gây mất lòng tin vào nền dân chủ và các lãnh đạo Mỹ. Sự leo thang căng thẳng quan hệ Mỹ - Nga gần đây, tin giả vẫn như là một tác nhân kích hoạt.
Cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 cũng đầy rẫy những thông tin sai lệch lan truyền trên MXH như: thông tin cử tri tại bang Arizona bị buộc phải dùng bút lông dầu để điền vào các phiếu bầu, khiến chúng trở nên khó đọc và không được tính; số người tham gia bầu cử Wisconsin vượt quá tổng số cử tri; ứng cử viên Biden bất ngờ được nhận khống 130.000 phiếu bầu tại bang Michigan… Những tin giả này đã ảnh hưởng đến cuộc bầu cử và an ninh Mỹ, Điện Capitol đã bị tấn công bởi chính những công dân nước mình.
Khi bệnh dịch COVID-19 xuất hiện, Maatje Benassi - một nữ quân nhân dự bị người Mỹ, bị đổ lỗi là nguồn gốc mang dịch bệnh từ Trung Quốc vào quốc gia này. Lời cáo buộc sai trái tràn lan trên YouTube mỗi ngày, thu hút hàng trăm ngàn lượt xem. Mặc dù chẳng hề có triệu chứng nào và cũng không bị dương tính với virus SARS-CoV-2, cuộc sống của hai vợ chồng Benassi vẫn trở thành địa ngục.
Maatje Benassi. (Ảnh: CNN). |
Tại châu Âu thời gian gần đây, các MXH đã bị lợi dụng để tô vẽ nước Cộng hòa Belarus như một cánh cửa rộng cho người di cư vào châu Âu. Đây cũng là một trong những tác nhân gây ra cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus - Ba Lan. Hậu quả của nó là một cuộc tranh cãi chính trị gay gắt đang diễn ra giữa Minsk, Warsaw, EU và cả Nga, hiện chưa được giải quyết.
Đầu tháng 11, truyền thông Mỹ thông tin rằng Nga tăng quân gần biên giới với Ukraine. Nga đã bác bỏ thông tin này và gọi đó là tin giả. Người phát ngôn điện Kremlin, Dmitry Peskov, tuyên bố: “Chất lượng của những thông tin này không đáng quan tâm. Thông tin nói về biên giới với Ukraine nhưng lại đưa ra hình ảnh biên giới với Belarus”.
Tiếp đó, ngày 21/11, trên đài CBS News lại có thông tin Nga đang chuẩn bị một cuộc tấn công vào Ukraine khi những ngày lạnh giá đang đến gần. “Khả năng có thể xảy ra một cuộc tấn công vào Ukraine khi những ngày lạnh giá đang đến gần. Cục tình báo đối ngoại Nga (SRV) bác bỏ cáo buộc của phương Tây và cho rằng: “Mỹ đang dựng lên câu chuyện đáng sợ về những đoàn xe tăng Nga phá nát lãnh thổ Ukraine. Họ nói có thông tin đáng tin cậy về những ý định như vậy của Nga”.
Thông thường, tin giả được tạo ra nhằm mục đích vụ lợi, thu hút lượt xem, lượt thích của cộng đồng mạng, tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, tin giả mang tính chính trị ngày càng xuất hiện nhiều, dày đặc, xung quanh các cuộc bầu cử tổng thống, ở những khu vực xung đột, chiến sự căng thẳng. Hàng loạt cuộc biểu tình, bạo loạn nổ ra trên thế giới, gây bất ổn chính trị, xã hội trong thời gian dài ở các quốc gia đều có sự tham gia của tin giả và MXH.
Chính sách và công nghệ bị thách thức
Trước các mối đe dọa an ninh chính trị từ tin giả, chính phủ ở nhiều quốc gia đã đặt ra những biện pháp chế tài nghiêm khắc. Nga, Đức, Pháp thông qua luật chống tin giả trên MXH. Đức thành lập Trung tâm phòng chống tin tức sai lệch; Anh thành lập “biệt đội kiểm soát thông tin sai lệch”; Ủy ban châu Âu (EC) thành lập ủy ban chuyên trách về tin giả.
Ở Mỹ, việc chống tin giả như là một sự mở rộng thêm của các cuộc chiến mang tính chính trị bằng tuyên truyền điện toán và “chiến tranh thông tin dắt mũi”. Tại châu Á, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam… ban hành chính sách, dự luật về việc ngăn chặn, phòng, chống, kiểm soát tin giả. Những biện pháp mạnh tay của chính quyền tại nhiều quốc gia đã làm hạn chế phần nào tin giả.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, với các chính phủ bị phân cực, chia rẽ hoặc có tư tưởng độc tài, họ có thể cho rằng những tin tức bất lợi là tin giả, tin đồn sai sự thật, nhằm phủ nhận quyền giám sát của dân chúng và dập tắt tiếng nói phản kháng. Hơn nữa, trong thế giới đầy tính cạnh tranh và chất chứa nhiều xung đột như hiện nay, tin giả khó có thể được loại bỏ một cách triệt để.
Báo chí chính thống tại các quốc gia trên thế giới cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt với nhiều nền tảng thông tin khác, cùng các nhà báo công dân. MXH được cho là trung tâm của việc lan truyền các tin tức giả mạo, người dùng có thể thấy bất kỳ loại tin tức nào, một cách sớm nhất. Trong khi đó, mức độ tiếp cận của báo chí chính thống tới độc giả thấp hơn, nhất là đối với những người trẻ tuổi.
Nhiều hãng công nghệ lớn trên thế giới đang tích cực thực hiện bộ quy tắc thực hành tự điều tiết để xử lý vấn nạn tin giả và thực hiện “kiểm chứng chéo” thông tin. Chẳng hạn, Công ty Meta (Facebook) đưa ra chính sách cấm sử dụng dữ liệu thu thập được từ người dùng cho mục đích giám sát. Mới đây, công ty này thông báo đã cấm các dữ liệu tạo điều kiện hoặc thúc đẩy buôn lậu người, đồng thời lập ra các nhóm chuyên trách theo dõi cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu. Meta cam kết “xóa nội dung này ngay sau khi phát hiện”.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, chính các công ty công nghệ vẫn phải chật vật để ngăn chặn tin giả khỏi nền tảng của mình, đặc biệt là bằng các ngôn ngữ không phải tiếng Anh. Mặt khác, hiện vẫn tồn tại những “xung khắc” khó giải quyết. Nếu các nền tảng MXH có bộ lọc quá chặt thì tự do bị kìm hãm. Nếu bộ lọc đó không hiệu quả thì sẽ gây hậu quả và sẽ bị tẩy chay. Hơn nữa, vẫn có hãng công nghệ được cho là thiên về lợi nhuận khi xử lý các vấn đề về tin giả./.