Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tín dụng đen!

Thứ Ba, 23/10/2018 16:17 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Có thể nói tín dụng đen đang là một hiện tượng xã hội nhức nhối hiện nay, nhưng chưa có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn.

Ảnh minh họa. (Nguồn: vietnamnet.vn)

Nếu như các quảng cáo “Khoan cắt bê tông” một thời làm nhem nhuốc các đô thị lớn thì ngày nay, một loại quảng cáo khác cũng đang xuất hiện khắp cột đèn, góc phố, nhưng gây hậu quả xã hội rất nguy hại, không đơn giản chỉ mất mỹ quan như khoan cắt bê tông. Đó là quảng cáo “Cho vay tiền nhanh không cần thế chấp”, mà thực chất là “Tín dụng đen”.

Các đối tượng cho vay nặng lãi thường núp bóng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kinh doanh tài chính, với các thủ tục rất dễ dàng. Có ba hình thức phổ biến hiện nay là cho vay tiền gộp, trả gốc và lãi hằng ngày; cho vay nóng, trả lãi theo ngày, trả nợ gốc vào một thời điểm ấn định và cho vay mua xổ số, chơi lô đề. Trong đó, hình thức cho vay nóng luôn có lãi suất khủng. Khi làm hợp đồng vay, các đối tượng cho vay thường ghi mức lãi suất không quá mức mà pháp luật quy định, nhưng thực tế lại thu theo thỏa thuận miệng với lãi suất rất cao, có trường hợp tính ra là 700%/năm.

Hiện nay tại Hà Nội, lãi suất phổ biến vào khoảng 3.000 - 5.000 đồng/triệu/ngày với khoản vay có tài sản thế chấp và từ 6.000 - 9.000 đồng/triệu/ngày với những khoản vay không có thế chấp. Ở Tp Hồ Chí Minh, trong một vụ án mới được triệt phá, có trường hợp phải vay với lãi suất hơn 60%/tháng.

Với mức lãi suất như thế, những ai đã trót dính vào tín dụng đen đều tán gia bại sản, tan nát gia đình. Khi không trả được nợ là họ phải đối mặt với nhiều thủ đoạn khủng bố của bọn xã hội đen như: đổ chất bẩn vào nhà, hành hung, bắt cóc, đe dọa thân nhân con nợ, ép buộc gán nhà, gán tài sản trả nợ, nhiều gia đình phải ly tán vì trốn nợ… Nạn nhân đa số những người đang khó khăn, cần tiền nhưng không đủ điều kiện để vay tiền từ các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, và nhiều người trong đó nhẹ dạ, cả tin, nhận thức hạn chế, nên dễ dàng bị lừa đảo.

Ngoài ra, tín dụng đen không chỉ là cho vay lãi suất cao, mà còn là hoạt động huy động vốn dưới dạng góp vốn với lãi suất cao rồi lừa đảo, ôm tiền bỏ trốn… khiến những người cho vay khốn đốn, vừa mất tài sản vừa xảy ra tình trạng vỡ nợ dây chuyền rất phức tạp.

Theo ước tính của chuyên gia về kinh tế, tín dụng phi chính thức đang chiếm khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng (khoảng 1,2 triệu tỷ đồng). Nếu cho vay theo hình thức tín dụng đen thì thu được nguồn lợi lớn nhưng không một đồng thuế nào được đóng vào ngân sách.

Có thể nói tín dụng đen đang là một hiện tượng xã hội nhức nhối hiện nay, nhưng chưa có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn. Để ngăn chặn tín dụng đen, chắc chắn phải có nhiều giải pháp đồng bộ.

Trước hết là rà soát các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động tín dụng phi chính thức tại Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức Tín dụng… Tiếp đến, cũng cần xem xét, xử lý hình sự các đối tượng cho vay nặng lãi với nhiều thủ đoạn nham hiểm, sau đó cưỡng đoạt tài sản của người vay tiền, một cách nghiêm minh, để có tác dụng răn đe, ngăn ngừa tội phạm.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần tạo một cơ chế tài chính cho người nghèo vay tiền là vấn đề cần được xem xét một cách toàn diện và thiết thực. Làm sao để có cơ chế cho vay tiêu dùng, với những đối tượng có nhu cầu vay tiền dưới 100 triệu đồng được tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, không cần thế chấp, thì chắc chắn nhiều người sẽ tránh được bẫy tín dụng đen./.

Thái Vũ

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN