Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tín dụng chính sách nơi đảo xa

Thứ Tư, 23/03/2016 16:56 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Mặc dù nằm cách xa đất liền gần 200km cùng với đặc thù mô hình tổ chức chính quyền một cấp, nhưng NHCSXH huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Hoạt động của NHCSXH huyện không chỉ góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội nơi “đầu sóng ngọn gió” mà còn đóng góp thiết thực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Biển đảo Việt Nam.

Từ đồng vốn vay ưu đãi, gia đình anh Diệp Quang Minh Dũng đã đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình VAC cho hiệu quả kinh tế cao (Ảnh: PV)

Phát triển kinh tế đảo

Là một huyện đảo nằm cách xa đất liền, Côn Đảo có địa hình chủ yếu là đồi núi, diện tích đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất thấp, do đó các nhu yếu phẩm và lương thực thực phẩm, trong đó có rau xanh hầu hết được chuyển từ đất liền ra đảo phục vụ đời sống người dân. Khi vào mùa mưa bão thường xảy ra tình trạng khan hiếm rau xanh do việc chuyên chở hàng hóa từ đất liền ra đảo gặp nhiều khó khăn.

Nhận thấy thị trường tiềm năng, gia đình ông Đoàn Văn Định, ở khu dân cư số 2  đã mạnh dạn vay 20 triệu đồng vốn chương trình hộ cận nghèo từ NHCSXH đầu tư trồng các loại rau xanh. Do nhu cầu về rau xanh của người dân trên đảo rất lớn nên sản phẩm rau, củ, quả thu hoạch hàng ngày của gia đình ông tiêu thụ rất dễ dàng, bình quân mỗi tháng, trừ chi phí, gia đình thu về 6 triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống của hai vợ chồng .

Ông Định cho biết thêm, với sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện, ông đang vận động khoảng 20 hộ dân ở khu dân cư số 2 vay vốn NHCSXH thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp và sản xuất rau an toàn để tăng sức cung rau xanh trên địa bàn, đồng thời tăng thêm thu nhập của các gia đình trồng rau trên đảo.

Gia đình anh Diệp Quang Minh Dũng ở khu dân cư số 3, cũng được vay vốn NHCSXH huyện Côn Đảo để đầu tư nuôi cá nước ngọt, chăn nuôi thủy cầm cho hiệu quả kinh tế cao. “Được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng vốn chương trình giải quyết việc làm, cùng với số tiền tích cóp, gia đình tôi đã cải tạo 2.000m2 ao, mua giống cá nước ngọt và vịt giời để nuôi, xung quanh ao, kết hợp trồng rau. Cá nước ngọt ở trên đảo này được giá lắm, nếu thuận lợi chỉ khoảng nửa năm nữa có thể cho thu hoạch cả trăm triệu đồng”, anh Dũng phấn khởi khoe.

Hộ gia đình ông Định, anh Dũng chỉ là hai trong số 2.190 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên đảo được tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu. Đến nay, sau hơn 2 năm thành lập và đi vào hoạt động, NHCSXH huyện Côn Đảo đã phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên thành lập được 20 Tổ tiết kiệm và vay vốn phủ kín 10 khu dân cư, với tổng dư nợ đạt gần 20 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,02%/tổng dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho 50 hộ gia đình có con em là HSSV vay vốn để trang trải chi phí học tập, không có trường hợp nào nghỉ học do không có tiền trang trải học phí; hỗ trợ 490 hộ gia đình xây dựng hệ thống nước sạch, xây hầm bioga, nhà tiêu hợp vệ sinh…

Hỗ trợ thu hút nguồn lực

Giao dịch tại NHCSXH huyện Côn Đảo (Ảnh: PV)

Định hướng phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt nhấn mạnh đến việc khai thác tối đa các nguồn lực để phát triển Côn Đảo thành đặc khu kinh tế. Theo đó, địa phương đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hệ thống hạ tầng, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng và hiện đại hóa vào năm 2020. Với định hướng phát triển như vậy nên mọi lĩnh vực phát triển từ văn hóa, kinh tế, xã hội ở huyện đảo Côn Đảo đang cần lực lượng lớn về nhân lực.

Thực tế hiện nay, cái khó khăn nhất đối với Côn Đảo, đặc biệt là các đảo nhỏ, đó là vấn đề thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ra làm việc, sinh sống lâu dài trên đảo. Bởi Côn Đảo và đất liền có những khác biệt về địa lý, điều kiện sinh hoạt và đời sống vật chất không bằng trong đất liền.

Theo ông Võ Đức Tiên, Giám đốc NHCSXH huyện Côn Đảo, mặc dù Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ, chế độ phụ cấp theo Quyết định số 32/2013/QĐ-TTg đối với cán bộ, công nhân viên chức trong đất liền ra Côn Đảo công tác, sinh sống lâu dài, tuy nhiên, lực lượng lao động là các thành viên trong gia đình của các cán bộ, công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang (vợ, con và cha mẹ) cùng ra huyện đảo lập nghiệp thì chưa được được quan tâm đúng mức.

Để góp phần giải quyết bài toán trên, NHCSXH huyện đã triển khai chính sách hỗ trợ vốn cho lực lượng lao động trên lồng trong chương trình cho vay giải quyết việc làm theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ việc làm và quỹ quốc gia về việc làm, nhằm tăng thêm thu nhập, duy trì được việc làm ổn định và tạo thêm việc làm cho gia đình, xã hội.

Để chính sách hỗ trợ này phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, Giám đốc NHCSXH huyện Côn Đảo, Võ Đức Tiên cho biết: Đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chương trình tín dụng chính sách nói chung và chương trình cho vay giải quyết việc làm nói riêng đến các tầng lớp nhân dân; tham mưu UBND huyện đề nghị UBND tỉnh, Sở LĐTBXH tỉnh bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng trên địa bàn, chú trọng nguồn vốn địa phương cho vay chương trình giải quyết việc làm nhằm cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, duy trì việc làm và giải quyết việc làm mới cho hộ gia đình trong đó có gia đình công nhân viên chức.

Thùy Trang

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN