Hà Nội: Hiệu quả các chương trình cho vay giải quyết việc làm đối với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới
(ĐCSVN) - Với chủ trương thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn toàn diện theo hướng hiện đại, nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm của Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội sẽ trở thành công cụ đắc lực, chung tay giúp sức cho các địa phương trong xây dựng NTM.
Đồng thời, cũng qua đó, tiếp tục nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của Thành ủy, UBND Thành phố trong việc chuyển bổ sung nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương để đáp ứng được ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn.
Điểm giao dịch NHCXH một xã trên địa bàn Hà Nội (Ảnh: PV) |
Những kết quả đạt được
Một là, chương trình cho vay góp phần giúp các địa phương đạt được tiêu chí Thu nhập trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM. Với nguồn vốn vay từ chương trình đã giúp người dân sử dụng tốt hơn nguồn lực sẵn có của gia đình, tạo thêm việc làm, đa dạng hóa ngành nghề, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hai là, chương trình cho vay góp phần giúp các địa phương đạt tiêu chí Lao động. Với phương thức cho vay qua các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) do các tổ chức chính trị xã hội quản lý, không phải thế chấp tài sản, nhiều người dân nông thôn có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng thương mại có thể tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng gia sản xuất, không những tạo việc làm cho bản thân và người thân trong gia đình mà còn tạo thêm việc làm cho lao động thuê ngoài.
Ba là, chương trình cho vay giúp các địa phương đạt chỉ tiêu về tỷ lệ nghèo đa chiều. Người dân nghèo, người yếu thế do thường có tâm lý e ngại khi vay vốn, sợ giao tiếp, sợ thủ tục phức tạp… nên dễ tham gia vay từ nguồn tín dụng đen hoặc bán sản phẩm non, dẫn đến tình trạng nghèo, thoát nghèo rồi lại tái nghèo. Với việc luôn được quan tâm về nguồn vốn, được hỗ trợ về cách thức làm ăn từ các tổ chức chính trị - xã hội, người nghèo và các đối tượng yếu thế tự tin đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, từ đó thoát nghèo và thoát nghèo bền vững.
Bốn là, chương trình cho vay giúp các địa phương đạt được tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn.
Năm là, chương trình cho vay gián tiếp giúp các địa phương đạt được các tiêu chí về văn hóa, giáo dục, y tế, hệ thống chính trị, an ninh trật tự tại địa phương.
Sáu là, chương trình cho vay có nhiều ưu đãi đối với các đối tượng thụ hưởng, nhận được sự đồng tình ủng hộ của toàn thể nhân dân. Người dân tin tưởng vào đường lối chính sách của đảng, đồng sức đồng lòng hưởng ứng phong trào “Toàn dân xây dựng nông thôn mới” của Thành phố.
Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
Thứ nhất, nguồn vốn cho vay tăng trưởng hằng năm chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của nhân dân trên địa bàn: tăng trưởng của nguồn vốn cho vay không theo kịp với tốc độ tăng trưởng của cầu lao động tại khu vực nông thôn của thành phố Hà Nội.
Thứ hai, mức cho vay bình quân/người lao động còn thấp, chưa đáp ứng đủ quy mô đầu tư.
Thứ ba, đối tượng cho vay tập trung hầu hết là cho vay người lao động, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, giá trị gia tăng thấp, ứng dụng cơ giới hóa, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế.
Thứ tư, một số khó khăn, vướng mắc trong cơ chế nghiệp vụ đang là rào cản đối với một số trường hợp trong việc tiếp cận nguồn vốn cho vay.
Thứ năm, trình độ, năng lực của cán bộ tín dụng, cán bộ các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác và Ban quản lý Tổ TK&VV còn hạn chế.
Thứ sáu, năng lực, trình độ, nhận thức của người dân khu vực nông thôn Thủ đô Hà Nội về xây dựng nông thôn mới cũng như thông tin về việc tiếp cận vốn tín dụng chính sách số lượng lớn để đầu tư các mô hình sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế.
Cán bộ tín dụng chính sách Hà Nội thăm hộ vay vốn trên địa bàn (Ảnh: PV) |
Để nâng cao hiệu quả cho vay giải quyết việc làm trong thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn
Thứ nhất, nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách. Chi nhánh Thành phố và NHCSXH nơi cho vay cần tiếp tục khai thác lợi thế, tích cực, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp tham mưu cho UBND cùng cấp tăng cường bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương uỷ thác qua NHCSXH, rà soát lại các nội dung, các quỹ đang hoạt động từ nguồn vốn ngân sách địa phương để tập trung vào một đầu mối là NHCSXH; tham mưu sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý, sử dụng nguồn lãi thu được từ chương trình cho vay, đặc biệt là lãi thu được từ nguồn ngân sách địa phương, quy định tỷ lệ cố định từ lãi thu được dành cho công tác đào tạo, tập huấn, hội thảo, thăm quan học tập kinh nghiệm. Bên cạnh đó, cần có cơ chế đặc thù cho phép các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác xây dựng các dự án thu hút hội viên tham gia vào sản xuất quy mô lớn tập trung theo chuỗi giá trị hoặc cơ chế cho vay đối với các chương trình, dự án cụ thể được giao cho cơ quan, đơn vị chủ quản chủ trì xây dựng (ví dụ như dự án phát triển làng nghề, chuỗi giá trị, sản phẩm OCOP được giao cho phòng kinh tế hoặc phòng Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng, dự án liên quan đến phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số, miền núi phải do phòng dân tộc thực hiện….), nhằm tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, nông thôn theo hướng hợp tác, liên kết trong sản xuất.
Thứ hai, nhóm giải pháp về nguồn vốn, điều hành, phân bổ kế hoạch: xây dựng kế hoạch hàng năm và cả giai đoạn cần lưu ý đến tiến độ xây dựng NTM tại từng địa phương; phân bổ vốn kịp thời, hợp lý phù hợp với thời vụ sản xuất kinh doanh của khách hàng từng thời kỳ.
Thứ ba, nhóm giải pháp về nâng cao năng lực, kỹ năng của cán bộ triển khai thực hiện, cũng như nâng cao trình độ của khách hàng trong việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay của chương trình, cần xây dựng các kho bài giảng trực tuyến, cẩm nang tín dụng đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; sử dụng ứng dụng Quizizz để hỗ trợ kiểm tra, đánh giá trong đào tạo, tập huấn.
Thứ tư, cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền trong đó cần duy trì, thực hiện tốt và tiếp tục phát huy hiệu quả các phương thức tuyên truyền hiện có đồng thời cũng nên tận dụng các nền tảng xã hội như youtube, tiktok, facebook… để tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi hơn.
Thứ năm, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra giám sát để ngăn ngừa rủi ro phát sinh như tập trung quan tâm phát huy vai trò giám sát của cả hệ thống chính trị và của toàn dân đối với các chương trình tín dụng chính sách xã hội.