Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tiêu thụ nông sản: Chính quyền vào cuộc với tinh thần “khó đâu, gỡ đó”

Thứ Bảy, 25/09/2021 18:24 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đó là kỳ vọng về việc gỡ khó trong sản xuất, tiêu thụ nông sản được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam nêu trong khuôn khổ “Diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản khu vực Tây Nguyên” diễn ra sáng 25/9.

Diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên năm 2021 – Diễn đàn nông sản 970 Phiên thứ IV được tổ chức dưới sự chủ trì của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp và lãnh đạo các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông. Gần 300 đại biểu tại nhiều điểm cầu trên cả nước đã tham gia diễn đàn dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Đầu cầu tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp Việt Nam 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội (Ảnh: HNV) 

Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản đi vào thực chất

Diễn đàn giới thiệu tổng quan về tình hình sản xuất nông nghiệp của 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên gồm: Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông và tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản (chú trọng những sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm đang vào vụ thu hoạch của 03 địa phương như: bơ, sầu riêng, cà phê….) cùng các sản phẩm OCOP.

Trong khuôn khổ Diễn đàn còn là các phiên trao đổi, thảo luận, kết nối tiêu thụ giữa các điểm cầu TP. Hà Nội – Lâm Đồng –TP Hồ Chí Minh –Đắk Lắk  – Đắk Nông – Kon Tum – Gia Lai.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã chúc mừng các đơn vị ký kết hợp tác trong thời gian tới đồng thời đề nghị tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nối nông sản, đưa các hoạt động đi vào thực chất. “Một trong những mục đích của diễn đàn hôm nay là để doanh nghiệp hiểu được vùng sản xuất, từ bơ, chanh leo, xoài, sầu riêng có ở đâu, đang gặp vấn đề gì. Chúng ta cần tiếp tục đưa diễn đàn thành 'chợ phiên' thường xuyên của nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà sản xuất” – Thứ trưởng Nam nói.

Dịp này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu các Sở NN&PTNT tiếp tục nắm đầu mối nông sản, và phải “nắm rất rõ” để kịp thời cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp. “Không để tồn tại mâu thuẫn là địa phương nói còn hàng rất nhiều, nhưng doanh nghiệp lại kêu thiếu nguyên liệu sản xuất”.

 Thứ trưởng Trần Thanh Nam tại đầu cầu TP Hồ Chí Minh (Ảnh: HNV)

Liên quan đến vấn đề tiêu thụ nông sản, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết nguồn hàng nông sản rất lớn, song vấn đề về logicstic, cần chính quyền các địa phương chủ động vào cuộc với tinh thần “khó đâu gỡ đó”, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp như hiện nay...

Gỡ khó trong tiêu thụ nông sản đặc sản Tây Nguyên

Tây Nguyên được biết đến với rất nhiều các mặt sản nông sản đặc trưng như cà phê, cao su, bơ, sầu riêng… Ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến đầu ra của các sản phẩm này gặp khó khăn. Do đó, các địa phương tại khu vực này mong muốn kết nối tiêu thụ nông sản của khu vực trong tình hình đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp.

Tại Diễn đàn, ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị phía Tổ công tác 970 (Bộ NN& PTNT) kết nối tiêu thụ 20.000 – 23.000 tấn sầu riêng và khoảng 10.000 tấn bơ. Tương tự, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, trong tháng 9 và tháng 10/2021, trên địa bàn tỉnh còn một số sản phẩm rau, quả tươi đến kỳ thu hoạch rất cần Diễn đàn kết nối tiêu thụ như quả bơ khoảng 7.000 - 9.000 tấn; sầu riêng quả tươi khoảng 12.000-15.000 tấn; ngoài ra, một số HTX, doanh nghiệp có một số sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chế biến sâu.

Lâm Đồng được biết đến là vùng trồng hoa nổi tiếng cả nước, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thông tin, từ tháng 9 - 12/2021, ước sản lượng hoa khoảng 1 triệu cành mong muốn kết nối tiêu thụ. Cùng với đó, hiện mặt hàng rau củ, quả khoảng trên 1.100.000 tấn; sản lượng bơ khoảng 12.000 tấn; sản lượng sầu riêng khoảng 20.000 tấn mong muốn kết nối tiêu thụ với thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước, cũng như kết nối xuất khẩu.

 Ảnh chụp màn hình Diễn đàn trực tuyến.

Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho hay, sản phẩm nông nghiệp bị tồn đọng nhiều, đầu ra cho sản phẩm rất khó khăn, nhân công lao động thiếu, giá nguyên vật liệu tăng cao, giá sản phẩm nông nghiệp bán ra thấp hơn thời điểm trước… Một số doanh nghiệp, đơn vị còn tồn sản lượng lớn: như Công ty TNHH Cà phê Nguyên Huy Hùng còn tồn khoảng 15 tấn cà phê bột, cà phê hòa tan, 150 tấn cà phê nhân; Hợp tác xã nông nghiệp thương mại và dịch vụ Sáu Nhung tồn khoảng 02 tấn sản phẩm cà phê hòa tan, 01 tấn tinh chất cà phê; Công ty TNHH Tá Tiến còn khoảng 500 tấn cá nước ngọt nuôi lồng bè chưa có đầu mối tiêu thụ…; một số Hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể còn tồn khoảng 10-15 tấn măng khô, măng muối… Do vậy, tỉnh Kon Tum đề nghị Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT, các siêu thị, các doanh nghiệp quan tâm kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, từ nay đến cuối năm, một số nông sản chủ lực của tỉnh bước vào vụ thu hoạch chính, cần có kết nối để tiêu thụ.

Trong khi đó, ông Hồ Phước Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, từ nay đến cuối năm trên địa bàn tỉnh, rau các loại sản lượng dự kiến khoảng 8.315 tấn; đậu đỗ các loại sản lượng 10.470 tấn; khoai lang sản lượng 10.309 tấn; hàng ngàn ha cây ăn trái như bơ, sầu riêng, chanh dây, chuối, thanh long,... đang rất cần kết nối thị trường để tiêu thụ.

Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp, chủ thể sản phẩm OCOP cũng mong muốn tìm đầu ra cho các sản phẩm 4 sao và 5 sao. Các địa phương cũng kiến nghị Bộ NN& PTNT xây dựng sàn giao dịch nông sản của cả nước; kết nối một số nhà đầu tư hỗ trợ chế biến và tiêu thụ một số nông sản chủ lực; các Bộ ngành có Chương trình, Đề án, chính sách phát triển liên kết vùng, thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin kết nối tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử, chợ online…

Tạo điều kiện vận chuyển, lưu thông hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh

 Quả bơ - một trong những trái cây thế mạnh của khu vực Tây Nguyên (Ảnh: BTC)

Tại Diễn đàn, 64 đơn vị thu mua, doanh nghiệp, chuỗi siêu thị, nhà bán lẻ đầu cầu TP. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng đã chia sẻ nhu cầu kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản của các tỉnh, thành phố trên địa bàn tỉnh Tây Nguyên. Đại diện Công ty Khải Minh cho biết, cần thu mua chanh leo, khoai lang tím phục vụ xuất khẩu. Công ty Cổ phần DOLPHIN tìm nguồn cung nông sản khô, trái cây tươi – sấy dẻo và những sản phẩm OCOP để tiêu thụ trong nước, xuất khẩu châu Âu.

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ cho rằng, các sản phẩm của Tây Nguyên có rất nhiều đặc sản và có mặt tại nhiều siêu thị lớn của cả nước. “Các nhà bán lẻ luôn rộng cửa chào đón các nhà sản xuất để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Nhưng 2 bên cũng cần mối liên kết chặt chẽ hơn, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh để có thể bán hàng đa kênh, đưa sản phẩm tốt nhất ra thị trường”, bà Hậu nói.

Bà Vũ Thị Hậu dẫn chứng, các sản phẩm như sầu riêng, bơ khi đến Hà Nội thì người tiêu dùng cần phải biết khi nào thì ăn được, ăn ngon nhất. Muốn giải quyết được vấn đề này, cần có sự liên kết, tư vấn từ nhà sản xuất với nhà bán lẻ, khi thực hiện được điều này thì thương hiệu của cả 2 bên đều được nâng lên trong lòng người tiêu dùng. Ngoài ra, bà Hậu cũng gợi ý về việc xây dựng những gian hàng OCOP vùng miền đặc trưng để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm hơn, đặc biệt Tây Nguyên là khu vực có nhiều sản phẩm như vậy. “Rất mong các địa phương, ngoài mong muốn tiêu thụ sản phẩm thì cần tạo điều kiện cho nhà sản xuất, nhà bán lẻ lưu thông hàng hóa được thuận tiện, giảm chi phí trung gian”, bà Hậu kiến nghị thêm vì chi phí tăng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của khối bán lẻ.

Ban tổ chức cho biết, hiện Bộ Tư lệnh Vùng 2 phối hợp với 13 tỉnh, thành phía Nam trong việc hỗ trợ vận chuyển miễn phí hàng hóa nông sản từ các tỉnh phía Nam đến TP Hồ Chí Minh và ngược lại trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Điểm giao nhận tại cảng TP Hồ Chí Minh: Cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, phường Cát Lái, TP. Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp có nhu cầu vui lòng gửi công văn đề nghị đến Bộ Tư lệnh Vùng 2.

Theo ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), Diễn đàn nông sản 970 với chủ đề kết nối tiêu thụ nông sản và các sản phẩm OCOP các tỉnh Tây Nguyên nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm trên cả nước, tránh bị đứt gẫy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đồng thời tuyên truyền quảng bá giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu nông sản và sản phẩm OCOP của các tỉnh Tây Nguyên, đóng góp vào việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cam kết, trong thời gian tới, Diễn đàn sẽ xây dựng sàn giao dịch nông sản của cả nước. Để sàn giao dịch hoạt động có hiệu quả và kết nối tốt người mua và người bán, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo sát sao để cập nhật các thông tin về tình hình sản xuất, các địa chỉ vùng trồng cũng như đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn. Qua đó đem lại lợi ích giữa người sản xuất cũng như doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ. “Cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nêu cao tinh thần thực hành nông nghiệp tốt. Duy trì diễn đàn thường niên vào thứ 7 hàng tuần, tại đây, các địa phương thông tin về sản xuất nông nghiệp, các doanh nghiệp phân phối sẽ nắm được các thông tin sản phẩm chủ lực của địa phương, hiểu quy trình sản xuất các tỉnh, lợi thế và đăng ký kết nối với các tỉnh” – Thứ trưởng Nam khẳng định.

Bên cạnh đó, đối với việc xây dựng Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ dự thảo Đề án này. Dự kiến trong đầu tháng 10, Chính phủ sẽ xem xét, phê duyệt. Bộ NN& PTNT cũng đang tập hợp hồ sơ để chấm các sản phẩm OCOP 5 sao và sản phẩm OCOP quốc gia từ các địa phương gửi về để tổ chức đánh giá, chấm điểm. Hiện nay, sàn thương mại điện tử sản phẩm OCOP cũng đã đi vào hoạt động, với việc cập nhật thông tin sản phẩm OCOP của Trà Vinh, Bến Tre và Bắc Kạn.

Lê Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN