Tiêu thụ điện hộ gia đình tăng do nắng nóng và dịch bệnh
(ĐCSVN) - Nắng nóng gay gắt đang diễn ra tại các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên. Trong khi đó, dịch bệnh COVID-19 cũng diễn biến phức tạp, khó lường khiến nhiều địa phương đang trong khu vực phong tỏa; người lao động phải làm việc online, học sinh học tập tại nhà đã dẫn đến lượng tiêu thụ điện năng tăng cao.
Công nhân Điện lực Đà Nẵng xử lý kịp thời trường hợp sản lượng điện tăng bất thường của một khách hàng trên địa bàn |
Theo Tổng Công ty điện lực miền Trung (EVNCPC), mùa nắng nóng năm nay trùng với thời điểm làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ tư quay trở lại hết sức phức tạp khiến nhiều địa phương bị phong tỏa, có nơi đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và 16 tăng cường, do vậy mức tiêu thụ điện sinh hoạt tại các hộ gia đình tăng cao là điều khó tránh khỏi.
Trong khi đó, EVNCPC hiện đang quản lý khoảng 4,5 triệu khách hàng sử dụng điện tại 13 tỉnh, thành miền Trung- Tây Nguyên, trong đó có 4 triệu khách hàng sinh hoạt.
Theo ông Trần Văn Gia – Trưởng Ban Kinh doanh EVNCPC, cao điểm nắng nóng của miền Trung (từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm), so với cùng kỳ năm trước, tháng 6/2021 này toàn khu vực có 14,5% khách hàng sinh hoạt có mức tiêu thụ điện tăng từ 30 - 50% và 6%, có mức tiêu thụ điện tăng trên 100%.
So với tháng liền trước là tháng 6/2021, tháng 7 vừa qua có 4,6% khách hàng sinh hoạt có mức sử dụng điện tăng 30 đến 50% và 1,7% khách hàng có mức sử dụng điện tăng trên 100%.
Trong khi đó, theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cảnh báo nắng nóng ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới với nhiệt độ trung bình có khả năng cao hơn từ 1 - 20C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong thời gian tới.
Do đó, ông Trần Văn Gia – Trưởng Ban Kinh doanh EVNCPC nhận định: Nắng nóng cộng với tình hình dịch bệnh phức tạp, khó lường, nhiều khu vực bị phong tỏa, các nơi đều thực hiện giãn cách, chỉ ra đường khi thực sự cần thiết nên mọi hoạt động hầu như chỉ tập trung tại hộ gia đình, học sinh nghỉ học phải ở nhà học trực tuyến tại nhà, mọi người làm việc online nên việc hóa đơn tiền điện tăng cao là điều khó tránh khỏi.
Để giảm hao phí điện năng, đội ngũ công nhân điện lực tại miền Trung- Tây Nguyên thường xuyên kiểm tra, xử lý các sự cố tại các trạm biến áo cũng như hệ thống đường dây. |
Để hạn chế hóa đơn tiền điện tăng cao theo mùa nắng nóng và mùa dịch COVID -19, ông Trần Văn Gia lưu ý, mỗi gia đình nên sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Theo ông, một trong những nguyên nhân khiến mức tiêu thụ điện tăng chủ yếu do các gia đình sử dụng các thiết bị làm mát, nhất là điều hòa không khí. Đây là thiết bị tiêu thụ điện lớn trong gia đình. Chưa kể yếu tố môi trường với nền nhiệt tăng cũng khiến cho mức tiêu thụ điện tăng. Chẳng hạn, nếu nhiệt độ ngoài trời tăng lên 10C thì tiêu thụ điện tăng từ 2 – 3% tuỳ từng loại điều hòa sử dụng; nhiệt độ tăng khoảng 50C thì điện năng tiêu thụ tăng khoảng 10%. Thời tiết càng nóng, càng dùng nhiều điều hòa thì tiền điện càng cao.
Ông Trần Văn Gia khuyến cáo các khách hàng nên cài đặt điều hòa ở nhiệt độ ban ngày từ 26-280C (nhiệt độ ngoài trời trên 350C), ban đêm từ 25-270C. Ngoài ra dùng điều hòa kết hợp với quạt gió vừa thoáng khí, tạo cảm giác dễ chịu, bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng mà lại tiết kiệm điện.
Theo EVNCPC, hiện nay, trên tổng số hơn 4,5 triệu khách hàng trên địa bàn 13 tỉnh, thành miền Trung – Tây Nguyên thì có đến 4,13 triệu khách hàng đã được lắp đặt công tơ điện tử đo xa RF – Spider, chiếm tỷ lệ 92%. Đây là công cụ này giúp các gia đình có thể kiểm soát được ngay sản lượng tiêu thụ để có giải pháp phù hợp. “Nếu các hộ gia đình thực sự sử dụng điện tăng thì có giải pháp tiết kiệm; còn nếu khách hàng không dùng thêm nhiều mà sản lượng tăng đột biến thì có thể phối hợp cùng ngành điện để tìm ra nguyên nhân, bởi không loại trừ hệ thống điện trong nhà bị rò rỉ, chạm chập, khách hàng khác câu móc trộm… Vì vậy, nếu cần hỗ trợ, khách hàng có thể gọi đến tổng đài 19001909 bất cứ lúc nào”- ông Trần Văn Gia thông tin thêm./.