Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tiếp tục rà soát những quy định còn chồng chéo gây khó khăn cho doanh nghiệp

Thứ Ba, 15/11/2022 17:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nhà nước đang thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh thông qua các chính sách cắt giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, rà soát, sửa đổi một loạt quy định mâu thuẫn, chồng chéo để tháo gỡ các “điểm nghẽn” của hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, trên thực tế các doanh nghiệp vẫn phản ánh tình trạng vướng mắc, bất cập khi thực hiện các hoạt động kinh doanh. Điều này một phần xuất phát từ chất lượng của các văn bản pháp luật chưa thực sự tốt, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thực thi.

Đây cũng là các thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Chất lượng của quy định và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức vừa mới đây.

Được biết, với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) thông qua Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Chương trình Aus4Reform), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện Báo cáo “Chất lượng của Thông tư, Công văn với hiệu quả của cải cách thể chế”.

Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu tham dự (Ảnh: PV) 

Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, trong vài năm trở lại đây, hệ thống pháp luật kinh doanh có nhiều thay đổi theo hướng ngày càng minh bạch, cởi mở, thông thoáng hơn, phù hợp hơn với chuẩn mực quốc tế và nhu cầu của doanh nghiệp.

Báo cáo của VCCI khẳng định, trong mấy năm trở lại đây, Nhà nước thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Hệ thống pháp luật kinh doanh có nhiều thay đổi theo hướng cởi mở, thông thoáng hơn. Đặc biệt, các luật lớn có vai trò quan trọng trong khuôn khổ pháp lÝ doanh nghiệp như Luật Đầu tư (2014, 2020), Luật Doanh nghiệp (2014, 2020), Bộ luật Dân sự 2015 thể hiện tư duy cải cách, đột phá mạnh mẽ, tạo tiền đề cho các văn bản pháp luật liên quan “tiếp bước”. Hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp thực hiện liên tục, có những đợt lớn như năm 2016, 2018, 2020 yêu cầu cắt giảm đến 50%, 20% điều kiện kinh doanh, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy, trong hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay, các cơ quan chính sách tập trung nhiều vào các văn bản cấp luật, nghị định. Trong khi đó, với đặc thù của hệ thống pháp luật nước ta, để một quy định có thể thực thi trên thực tế, phụ thuộc lớn vào các quy định tại thông tư, thậm chí là công văn. Vì vậy, có hiện tượng, mặc dù các văn bản cấp luật, nghị định có tinh thần tiến bộ rất rõ, nhưng khi xuống đến đến thông tư, công văn lại nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc, khiến tính cải cách của chính sách không phát huy trên thực tế. Thông tư, công văn là cầu nối, chuyển tải các chính sách trong các quy định tại luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào cuộc sống. Với tính chất này, chất lượng của thông tư, công văn sẽ tác động khá lớn đến hoạt động động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí là tính thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta.

Báo cáo xác định các vấn đề tồn tại của thông tư, công văn tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh qua đó đưa ra những khuyến nghị để cải thiện hơn chất lượng của các loại văn bản này nói riêng cũng như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) nói chung.

 Văn bản pháp luật có tác động nhiều tới môi trường kinh doanh nói riêng và điều chình quan hệ xã hội nói chung (Ảnh tư liệu)

Do đó, VCCI kiến nghị, cần thiết phải minh bạch về quy trình xây dựng thông tư, văn bản cũng như nêu rõ ràng các tiêu chí về điều kiện kinh doanh, kiểm soát việc ủy quyền cho thông tư từ luật, nâng cao chất lượng báo cáo RIA cũng như minh bạch về quy trình tiếp nhận phản ánh vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời, cần có cơ chế kiểm soát tốt hơn để ngăn chặn tình trạng công văn ban hành quy phạm pháp luật, nhất là cần có cơ chế để tăng tính trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong xử lý và trả lời vướng mắc của doanh nghiệp.

Khắc phục tình trạng văn bản pháp luật chỉ tồn tại “trên giấy”

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Ban Pháp chế (VCCI), thực tế, thông tư, công văn là cầu nối, truyền tải các chính sách trong các quy định tại luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào cuộc sống. Thậm chí, trong nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp lệ thuộc vào thông tư, theo nghĩa là đợi thông tư để thực thi hơn là trực tiếp tuân thủ các quy định luật, nghị định. "Tuy nhiên, doanh nghiệp ít có cơ hội đóng góp ý kiến đối với phiên bản dự thảo cuối cùng của thông tư trước khi được ban hành, nên đã từng có thông tư vừa được ban hành đã phải tạm ngừng", bà Nguyễn Thị Diệu Hồng lo ngại.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam sau khi liệt kê một loạt thông tư đang làm khổ doanh nghiệp đã buộc phải thẳng thắn là thông tư vẫn to hơn nghị định. “Thông tư còn nguy hiểm hơn tham nhũng, vì thông tư chất lượng kém khiến doanh nghiệp không làm được, cản trở doanh nghiệp thì người dân không có việc làm, thì nhà nước làm sao thu được ngân sách. Đáng ra thông tư là thúc đẩy doanh nghiệp làm theo luật, phanh trước doanh nghiệp những vùng cấm”, ông Đệ thẳng thắn.

Đáng lo ngại hơn, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), trong lĩnh vực bất động sản có 12 luật liên quan, mà không luật nào theo luật nào, nên doanh nghiệp như trong một mớ bòng bong, nhiều cuộc gặp tháo gỡ vẫn chưa xong. Đơn cử, Luật Nhà ở quy định bảo hành là của chủ đầu tư là 60 tháng với nhà chung cư, Luật Xây dựng quy định thời hạn bảo hành tối đa đối với công trình cấp đặc biệt và cấp 1 cũng chỉ tối đa là 24 tháng.

Bà Trần Ngọc Ánh, đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cũng kể thực tế các doanh nghiệp tham gia góp ý nhiều văn bản, nhưng cũng không biết được tiếp thu thế nào, nhưng khi văn bản ra thì lại không thấy tiếp thu, không thực hiện được, đến mức có trường hợp cơ quan quản lý phải ra công văn để xử lý. “Ở hình thức công văn, nhiều khi doanh nghiệp nhận được mà không biết vận dụng ra sao, vì cách trả lời "liệt kê các quy định hiện có" trong khi doanh nghiệp cần là làm theo quy định nào thì không rõ. Còn có nỗi khổ từ các quy định không tương thích với các quốc gia khác, nên nhiều doanh nghiệp bị phạt, không cho thông quan”, bà Trần Ngọc Ánh lo ngại.

Cần tuân thủ đúng và đầy đủ các nguyên tắc, quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quy định để hạn chế tốn kém, lãng phí (Ảnh: PV)

Theo bà Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, việc sửa đổi văn bản luật sẽ gây tốn kém không chỉ cho cộng đồng doanh nghiệp mà còn tốn kém cho cả ngân sách nhà nước. Vì thế, để khắc phục những hạn chế và nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần tuân thủ đúng và đầy đủ các nguyên tắc, quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Trong đó, cần ưu tiên đầu tư cho công tác phân tích, đánh giá tác động chính sách trong quy trình xây dựng văn bản pháp luật. Đồng thời, cần tăng cường tham vấn đối tượng chịu tác động, nhất là tham vấn người dân, doanh nghiệp là đối tượng chịu sự tác động, nâng cao hiệu quả của hoạt động này để tiếng nói của người dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng những tiếng nói tâm huyết, trách nhiệm của chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn đến gần hơn các cơ quan ra quyết sách, qua đó góp phần bảo đảm hơi thở của cuộc sống đầy đủ hơn vào nội dung văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, cần tiếp tục cải thiên sự liên thông, gắn kết giữa xây dựng pháp luật với thi hành pháp luật, Việc ban hành một văn bản tốt, có chất lượng sẽ là tiền đề quan trọng đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong thi hành văn bản đó.

Nếu trong quá trình xây dựng pháp luật mà không xem xét, đánh giá đầy đủ các điều kiện bảo đảm cho quá trình thi hành thì sẽ cho ra đời những văn bản pháp luật thiếu khả thi, không phù hợp với thực tiễn và chỉ là những văn bản pháp luật tồn tại “trên giấy”.

Hân Nguyễn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN