Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn tín dụng chính sách
(ĐCSVN) – Nguồn vốn giải ngân qua Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố Hà Nội đã giúp cho trên 487 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, trong đó có gần 170 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, góp phần giúp cho 57 nghìn hộ thoát khỏi ngưỡng nghèo...
- Để Ngân hàng Chính sách xã hội là kênh thực hiện an sinh xã hội của đất nước
- Ngân hàng Chính sách Xã hội là kênh quan trọng thực hiện an sinh xã hội
- Ở đâu có người nghèo, ở đó có ngân hàng chính sách xã hội
Ngày 29/8, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” trên địa bàn Hà Nội.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng.
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân xuất sắc. (Ảnh:TA)
Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Kim Phung cho biết, qua 5 năm thực hiện, Chỉ thị số 40 – CT/TW đã thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới (NTM), giải quyết việc làm, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội và đẩy lùi tín dụng đen trên địa bàn Hà Nội.
Cụ thể, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được triển khai thực hiện đến 100% xã, phường, thị trấn của thành phố, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận một cách thuận lợi, kịp thời. Nguồn vốn giải ngân qua NHCSXH TP đã giúp cho trên 487 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, trong đó có gần 170 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, góp phần giúp cho 57 nghìn hộ thoát khỏi ngưỡng nghèo; cho vay gần 170 nghìn lượt khách hàng vay vốn giải quyết việc làm, góp phần thu hút, tạo việc làm cho trên 186 nghìn lao động; giúp cho trên 17 nghìn lượt học sinh, sinh viên được vay vốn học tập, cho vay xây dựng mới và cải tạo gần 250 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây mới, sửa chữa cải tạo 3.906 căn nhà cho hộ nghèo.
Đặc biệt, trong 5 năm qua, nguồn vốn địa phương ủy thác cho vay thông qua Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội đã tăng 1.805 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM của TP, hiện nay, đã có trên 18 huyện, thị xã và 325 trên 386 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, vượt kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu đề ra; đồng thời góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, đầy lùi tín dụng đen ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, thay đổi nhận thức, sử dụng vốn có hiệu quả hơn, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Qua quá trình thực hiện, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm hơn, chỉ đạo quyết liệt hơn, nhận thức rõ hơn về vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó phát huy vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội cũng như tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Hà Nội.
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Kim Phung khẳng định: Kết quả đạt được trong 5 năm qua đã khẳng định Chỉ thị 40 là giải pháp đúng đắn, phù hợp, thiết thực, mang tính đột phá trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, qua đó, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, các ngành và đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và nhà nước đề ra.
Tuy nhiên, mặc dù Trung ương và thành phố thường xuyên quan tâm bổ sung nguồn vốn cho vay nhưng nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn còn rất lớn. Tại một số nơi, nguồn vốn cân đối, bố trí từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu hộ nghèo và các đối tượng chính sách và chưa tương xứng với tiềm lực tài chính của địa phương. Tại một số nơi, cấp ủy, chính quyền địa phương cấp xã chưa thực sự quan tâm tới hoạt động tín dụng chính sách xã hội, chưa nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện tín dụng chính sách…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: Thực tiễn triển khai Chỉ thị 40 đã cho thấy Đảng ta đã chọn đúng và trúng khi lãnh đạo triển khai tín dụng chính sách xã hội, thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong lãnh đạo của Đảng và sự ưu việt của chế độ. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40, đồng chí đề nghị, các cấp ủy đảng, chính quyền, Ban đại diện Hội đồng quản trị, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của tín dụng chính sách xã hội đối với việc đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội lưu ý, triển khai quyết liệt hơn nữa tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 40 của Trung ương, Chỉ thị 30 của Thành ủy để nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, lồng ghép với thực hiện Chương trình 02 về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân; phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen” gây mất ổn định xã hội… Tiếp tục quan tâm tập trung nguồn vốn ngân sách về một đầu mối là NHCSXH để quản lý và cho vay. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị của cơ sở và người dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn tín dụng chính sách….
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện tối đa đối với hoạt động của NHCSXH trên địa bàn nhằm chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng. Thường xuyên quan tâm, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 tại cơ sở, có ý kiến chỉ đạo định hướng, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cũng như kịp thời chấn chỉnh những tồn tại hạn chế, đồng thời, có hình thức khen thưởng, động viên, khuyến khích những tập thể, cá nhân tích cực và có nhiều đóng góp trong quá trình thực hiện.
Đồng thời tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Các đoàn thể chính trị - xã hội nhận ủy thác của NHCSXH có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nội dung được ủy thác; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội…
Tại Hội nghị, Ban Tổ chức đã trao bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và NHCSXH cho các tổ chức, cá nhân có thành tích trong thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW./.