Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tiếp tục hoàn thiện chính sách về trái phiếu doanh nghiệp

Thứ Tư, 28/04/2021 09:46 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Hiện cơ chế, chính sách về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) liên tục được hoàn thiện nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn, đồng thời tăng cường sự minh bạch và giảm thiểu rủi ro thị trường.

( Ảnh minh họa của: M.P)

Quy mô thị trường TPDN năm 2020 gần 16% GDP

 Thị trường TPDN hiện bao gồm hai hình thức: phát hành trái phiếu ra công chúng và phát hành trái phiếu riêng lẻ. Trong giai đoạn 2018-2020, quy mô của thị trường sơ cấp TPDN riêng lẻ tăng trưởng nhanh, bình quân 45%/năm. Tính đến hết năm 2020, quy mô thị trường TPDN khoảng 15,75% GDP, gấp 4 lần quy mô thị trường năm 2016.

Sự phát triển của thị trường TPDN trong giai đoạn vừa qua theo đúng chủ trương, định hướng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển cân bằng hơn giữa thị trường vốn với thị trường tín dụng ngân hàng, giảm áp lực huy động vốn cho kênh tín dụng ngân hàng.

Trao đổi về sự phát triển của thị trường TPDN thời gian qua, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết, thị trường TPDN trong những năm gần đây đã và đang trở thành kênh huy động vốn ngày càng quan trọng cho các doanh nghiệp, cho thấy có sự dịch chuyển vốn từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu, hướng tới mục tiêu phát triển thị trường vốn cân bằng với thị trường tín dụng ngân hàng, đáp ứng nhu cầu huy động vốn của mọi loại hình doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Dương cũng cho rằng sự phát triển nhanh của thị trường TPDN thời gian qua cũng đặt ra một số rủi ro. Cụ thể, về phía các doanh nghiệp việc đẩy mạnh huy động vốn trái phiếu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, phát triển dự án, nếu hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn, doanh nghiệp sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu gây bất ổn cho thị trường.

Đối với các nhà đầu tư trái phiếu, nếu không phân tích, đánh giá rủi ro, đầu tư trái phiếu chỉ vì lãi suất cao sẽ có rủi ro mất vốn khi doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Về phía các tổ chức phân phối, bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp (có thể là các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán) có rủi ro không thực hiện được các nghĩa vụ, cam kết với nhà đầu tư theo các điều kiện, điều khoản của trái phiếu do không đáp ứng được các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

“Do đó, chúng tôi luôn khuyến nghị các thành viên, đối tượng tham gia thị trường cả về phía nhà phát hành, nhà đầu tư hết sức thận trọng đánh giá các rủi ro của việc sử dụng vốn cũng như đầu tư vào sản phẩm tài chính là trái phiếu doanh nghiệp” – Vụ phó Vụ Tài chính ngân hàng cho biết.

Ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết thêm, thời gian qua, khi thị trường TPDN có bước tăng trưởng mạnh, Bộ Tài chính đã chủ động nhận định những rủi ro, đánh giá thị trường và liên tục có những bước hoàn thiện khung khổ pháp luật về TPDN. Hiện cơ chế chính sách về phát hành trái phiếu doanh nghiệp ngày càng được hoàn thiện nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn, đồng thời tăng cường sự minh bạch và giảm thiểu rủi ro thị trường.

Trong năm 2020, khung pháp lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp được hoàn thiện từ cấp Luật, Nghị định của Chính phủ và các Thông tư của Bộ Tài chính. Luật Chứng khoán năm 2019 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 được áp dụng từ 1/1/2021 đã quy định TPDN riêng lẻ chỉ được phát hành và giao dịch cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, TPDN phát hành ra công chúng được Ủy ban chứng khoán Nhà nước cấp phép chào bán và theo lộ trình phải có xếp hạng tín nhiệm khi chào bán trái phiếu.

Khung pháp lý mới về cơ bản đã hoàn chỉnh, tăng cường tính công khai, minh bạch trên thị trường TPDN, giảm thiểu các rủi ro của thị trường, cụ thể: thống nhất quản lý hoạt động phát hành TPDN ra công chúng và TPDN riêng lẻ của các loại hình doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế và thực trạng thị trường TPDN Việt Nam; tăng cường tính công khai, minh bạch, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư thông qua các quy định để quản lý tách biệt giữa phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng; thúc đẩy phát triển thị trường TPDN gồm cả 2 cấu phần phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng.

Trên cơ sở quy định tại Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán quy định về chào bán TPDN ra công chúng.

Tối đa 5 doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm

Thông tin về hoạt động xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, trong đó quy định đầy đủ các nội dung về tổ chức hoạt động, cung cấp dịch vụ, công bố thông tin của tổ chức xếp hạng tín nhiệm.

Hiện Luật Chứng khoán năm 2019 và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán đã có quy định cụ thể về các trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng phải được xếp hạng tín nhiệm và lộ trình thực hiện, theo đó doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm từ ngày 01/01/2023, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ sử dụng dịch vụ này nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp phát hành hoặc trái phiếu đăng ký chào bán phải được xếp hạng tín nhiệm bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong các trường hợp: Tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu và tổng dư nợ trái phiếu theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu.

Mặt khác, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu gắn các quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm với các quy định về phân loại, tiêu chí đầu tư đối với một số tổ chức tài chính đặc thù hoặc sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm khi tính các chỉ tiêu an toàn vốn, tài sản của các tổ chức trên thị trường tài chính.

Bên cạnh đó, theo Quyết định số 570/QĐ-TTg ngày 17/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Tài chính sẽ xem xét, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho tối đa 5 doanh nghiệp. Cho đến nay, đã có 2 doanh nghiệp của Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và đang triển khai cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trên thị trường. Tuy nhiên, do quy định bắt buộc việc phải có xếp hạng tín nhiệm khi phát hành TPDN chưa được triển khai (bắt đầu triển khai từ 01/1/2023), nên nhu cầu của thị trường hầu như không có, số lượng hợp đồng cung cấp dịch vụ và hoạt động của các doanh nghiệp đã được cấp phép cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm rất hạn chế.

Ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết thêm, hiện nay, Bộ Tài chính đã nhận được bày tỏ quan tâm của một số tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có uy tín. Sau khi nhận được hồ sơ, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, thẩm định theo quy định của pháp luật. Theo đó, trên cơ sở khung pháp lý mới được ban hành, hoạt động cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm sẽ phát triển trong thời gian tới, góp phần phát triển thị trường vốn, thị trường tài chính theo hướng ngày càng công khai, minh bạch.

M.P

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN