Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tiền Giang dồn sức cho xây dựng nông thôn mới

Thứ Năm, 17/03/2016 14:01 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Theo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Tiền Giang, trong năm 2016 tỉnh phấn đấu hoàn thành 10 xã nông thôn mới. Thực hiện mục tiêu này, các cấp, ngành và địa phương của tỉnh Tiền Giang đang tập trung dồn lực cho các xã đạt 19 tiêu chí theo qui định.


Đầu tư xây dựng cầu bê tông thay "cầu khỉ" ở nông thôn Tiền Giang. (Ảnh: K.V)

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Chánh Văn phòng điều phối Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Tiền Giang cho biết, vừa qua, tỉnh có 12 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016. Trên cơ sở này, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã cùng với các sở, ngành của tỉnh có liên quan và các địa phương tiến hành đánh giá thực trạng, từ đó lựa chọn đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh danh sách các xã dự kiến phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2016. Qua đó, 10 xã được tỉnh chọn sẽ được tập trung chỉ đạo, nâng cấp các tiêu chí nông thôn mới.

Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh Tiền Giang có 12 xã đạt 19/19 tiêu chí, 9 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 77 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 39 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí và 2 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Như vậy, bình quân số tiêu chí/xã đạt được trên địa bàn tỉnh là 11,3 tiêu chí (tăng 5,8 tiêu chí/xã so với năm 2011). Song, theo đánh giá, với mức độ đạt tiêu chí/xã trên của tỉnh còn thấp so với cả nước và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (cả nước là 12,9 tiêu chí/xã, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là 13,7 tiêu chí/xã).

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh đang tập trung khai thác, huy động các nguồn vốn cho Chương trình, đồng thời đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng, quan tâm xây dựng mô hình sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống người dân, giảm nghèo. Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, từ nay đến năm 2020, tỉnh Tiền Giang đã đề ra hướng phấn đấu sẽ có thêm 58 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên toàn tỉnh lên là 70, số tiêu chí bình quân/xã đạt trên 14 tiêu chí, không còn xã dưới 8 tiêu chí.

Để thực hiện định hướng, mục tiêu này, dự kiến, tỉnh Tiền Giang cần huy động số vốn trên 7.345 tỷ đồng. Trên cơ sở phân tích nguồn vốn thực hiện trong 5 năm tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang cho rằng, mục tiêu đề ra trên hoàn toàn khả thi nhưng vấn đề đặt ra là nguồn lực để thực hiện. Tuy nhiên, việc xây dựng nông thôn mới phải gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, ưu tiên các sản phẩm chủ lực, phát triển hình thức sản xuất phù hợp, có hiệu quả; nhân rộng các mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp nhằm giải quyết đầu ra nông sản, nâng cao thu nhập người dân; đồng thời tạo bước chuyển rõ rệt về vệ sinh, môi trường và cảnh quan nông thôn; hoàn thiện cơ chế chính sách...

Nhận thấy tầm quan trọng của việc xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều năm qua, ngành nông nghiệp Tiền Giang nói chung và Trung tâm Khuyến nông nói riêng, đã và đang chú trọng xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tại các địa phương, góp phần quan trọng trong việc thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn. Nhìn chung các tiến bộ kỹ thuật chuyển giao được nông dân mạnh dạn ứng dụng vào sản xuất đạt kết quả tốt, phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất của các địa phương, làm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập, bước đầu đã gắn với liên kết tiêu thụ như mô hình sản xuất lúa tập trung theo cánh đồng lớn với quy mô 50ha/1 mô hình, Công ty Lương thực Tiền Giang đã bao tiêu sản phẩm lúa được 188/430ha, chiếm tỉ lệ 43,7% với giá cao hơn bên ngoài 50 - 100đ/kg, tăng lợi nhuận từ 3,8 - 5 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, từ nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới của Trung ương và địa phương, cùng với nguồn xã hội hóa và kết hợp sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác vào xây dựng nông thôn mới, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, các tụ điểm sinh hoạt văn hóa đã và đang được hoàn thiện, phục vụ lợi ích thiết thực của nhân dân. Bộ mặt xã hội ở từng địa phương có sự chuyển biến rõ nét, đặc biệt đối với các xã điểm nông thôn mới.

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang cho biết thêm, hiện tại, các địa phương trên địa bàn tỉnh ngoài việc tập trung huy động mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới cũng đang tích cực đi học hỏi kinh nghiệm từ các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, tìm hiểu cách thực hiện các tiêu chí, từ đó về địa phương mình căn cứ vào tình hình mà điều chỉnh cho phù hợp../.

K.V

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN