Chi phí giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tăng khoảng 3.267 tỷ đồng
(ĐCSVN) – Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài 53,7km, quy mô giai đoạn 1 từ 4 - 6 làn xe, tổng mức đầu tư 17.829 tỷ đồng với mục tiêu hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, kết nối các trung tâm kinh tế cảng biển.
Phối cảnh cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. |
Ngày 8/10, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng đã có báo cáo gửi Quốc hội triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội số 59/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài 53,7km, quy mô giai đoạn 1 từ 4 - 6 làn xe, tổng mức đầu tư 17.829 tỷ đồng với mục tiêu hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, kết nối các trung tâm kinh tế cảng biển.
Được chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Trong đó: Dự án thành phần 1 (UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản) có chiều dài khoảng 16km với sơ bộ tổng mức đầu tư 6.012 tỷ đồng. Dự án thành phần 1 có 2 gói thầu xây lắp được khởi công vào tháng 6/2023, đến nay, mặt bằng bàn giao còn hạn chế (đã bàn giao 58,10/137,64 ha đạt 38,4%) nên chủ yếu mới chỉ thi công tại một số công trình cầu, sản xuất các cấu kiện công trình; giá trị sản lượng đạt khoảng 4,5% (128/2.851 tỷ đồng).
Dự án thành phần 2 (Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản) có chiều dài khoảng 18,2km với sơ bộ tổng mức đầu tư 6.852 tỷ đồng, với 2 gói thầu xây lắp. Hiện, mặt bằng được bàn giao không liên tục (đã bàn giao 102,59/176,74ha đạt 58,05%) nên hiện nay chủ yếu mới chỉ triển khai thi công tại một số công trình cầu, hầm chui, cống thoát nước... và một vài vị trí nền đường (xử lý đất yếu, đào đất không thích hợp,...) trên hiện trường; giá trị sản lượng đạt khoảng 14,4% (615/4.279 tỷ đồng).
Theo Bộ GTVT, đối với các Dự án thành phần 1 và 2 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tiến độ thi công chưa đáp ứng yêu cầu do chậm bàn giao mặt bằng.
Dự án thành phần 3 (do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm cơ quan chủ quản) có chiều dài khoảng 19,5km với một gói thầu xây lắp, sơ bộ tổng mức đầu tư 4.964 tỷ đồng. Mặt bằng tại Dự án này đã được bàn giao toàn bộ, nguồn vật liệu đất đắp đảm bảo, các nhà thầu đã triển khai thi công đồng loạt trên toàn dự án; giá trị sản lượng đạt khoảng 37,29% (689/1.847 tỷ đồng), tiến độ thi công đáp ứng yêu cầu.
Cũng theo Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 25/7/2022 của Chính phủ, các địa phương phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30/6/2023 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023. Tuy nhiên, thực tế, chỉ có Dự án thành phần 3 bàn giao mặt bằng thi công đáp ứng yêu cầu (đến nay đã bàn giao 100%); Dự án thành phần 1 và Dự án thành phần 2 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến nay mới được bàn giao khoảng 40%, chưa đảm bảo công địa để triển khai thi công đồng loạt trên hiện trường.
Mặt khác, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Đồng Nai triển khai rất chậm, chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu theo Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 25/7/2022 của Chính phủ.
Theo báo cáo của các địa phương, chi phí giải phóng mặt bằng được tính toán tại thời điểm hiện nay của các dự án thành phần dự kiến tăng khoảng 3.267 tỷ đồng so với chi phí giải phóng mặt bằng tại tổng mức đầu tư theo Nghị quyết 59/2022/QH15 của Quốc hội (Dự án thành phần 1 tăng 120 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 tăng 1.272 tỷ đồng; Dự án thành phần 3 tăng 1.875 tỷ đồng).
Việc tăng chi phí giải phóng mặt bằng dẫn đến tổng mức đầu tư dự án tăng vượt sơ bộ tổng mức đầu tư được Quốc hội thông qua, phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Ngoài ra, tại Dự án thành phần 3, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất bổ sung nút giao Mỹ Xuân - Ngãi Giao (giao với đường tỉnh ĐT.991) để nâng cao năng lực vận tải, kết nối khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải với Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành nên kinh phí bổ sung dự kiến khoảng 1.581 tỷ đồng (chi phí xây lắp 768 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 813 tỷ đồng).
Như vậy, tổng mức đầu tư dự án dự kiến điều chỉnh tăng khoảng 5.400 tỷ đồng (bao gồm các nội dung nêu trên và một số hạng mục liên quan khác được cập nhật, bổ sung, điều chỉnh để phát huy hiệu quả đầu tư). Hiện nay, Bộ GTVT đang tổ chức thẩm định nội bộ hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Trên cơ sở đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; di dời hạ tầng kỹ thuật; ưu tiên và tập trung giải quyết các khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu xây dựng đáp ứng đủ khối lượng theo tiến độ thi công các dự án cũng như phối hợp cùng Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý Nhà nước, giám sát chặt chẽ việc thực hiện, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội quan tâm và xem xét thông qua chủ trương đầu tư điều chỉnh của dự án để đảm bảo nguồn vốn cho dự án triển khai đáp ứng tiến độ.