Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thuế, giá xăng và “trách nhiệm chung” ( !?)

Thứ Sáu, 18/03/2016 15:52 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Minh bạch về giá xăng dầu, về số tiền doanh nghiệp xăng dầu được lợi từ chính sách thuế nhập khẩu là vấn đề cần phải làm ngay. Nếu chính sách đúng, đương nhiên cơ quan quản lý “vô can”, còn ngược lại, nếu chỉ có doanh nghiệp xăng dầu được lợi, thì phải có trách nhiệm với người tiêu dùng.


Giá xăng dầu luôn là nỗi lo với người tiêu dùng. ( Ảnh: Anh Quân)

Từ tháng 5/2015, với sản phẩm nhập từ các nước ASEAN, thuế áp dụng trong năm 2015 với dầu diesel và madút là 5%, và từ 1/1/2016 là 0% (thuế với xăng vẫn là 20%, tương tự các thị trường khác). Từ đầu năm nay, thêm thuế nhập dầu diesel từ Hàn Quốc về Việt Nam cũng giảm về 5%, thuế xăng về 10% (thấp hơn thị trường khác 10%).

Trong khi đó, theo Thông tư 78 của Liên bộ Công Thương và Tài chính ban hành tháng 5/2015, giá cơ sở (căn cứ để tính giá bán lẻ xăng dầu) được tính dựa trên thuế suất nhập khẩu 20% với xăng, 10% với dầu diesel và madút là 10%.

Việc này tạo ra sự chênh lệch 5-10% tiền thuế với diesel và 10% với xăng giữa đầu vào (doanh nghiệp phải nộp vào ngân sách Nhà nước) và đầu ra (người tiêu dùng phải trả cho doanh nghiệp). Điều đáng nói, sự chêch lệch này  xảy ra từ tháng 5/2015 đối với diesel nhập từ ASEAN và từ đầu năm 2016 đến nay với xăng nhập từ Hàn Quốc.

Khi báo chí phản ánh việc doanh nghiệp hưởng lợi nhờ độ vênh chính sách trong điều hành giá xăng dầu thì Bộ Công Thương và Bộ Tài chình đều lên tiếng thanh minh!

Bộ Tài chính lý giải, theo quy định tại Nghị định số 83/2014 của Chính phủ  về kinh doanh xăng dầu, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu là giá để làm căn cứ điều hành giá xăng dầu trong nước, trong đó thuế nhập khẩu để tính giá được căn cứ vào thuế ưu đãi (MFN) ở mức 10%-20% tùy mặt hàng.

Tuy nhiên, theo xu hướng hội nhập, có nhiều mức thuế khác như thuế theo cam kết Hiệp định thương mại ASEAN, Việt Nam, Hàn Quốc,... các mức thuế này đều thấp hơn mức thuế MFN. Do vậy, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để điều tiết, khắc phục chênh lệch trong giá cơ sở (nếu áp dụng các mức thuế khác nhau).

Giống như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cũng chưa thừa nhận trách nhiệm trong việc để doanh nghiệp xăng dầu hưởng lợi từ chêch lệch thuế, mà chỉ hứa  đang tiếp tục đề nghị và phối hợp với Bộ Tài chính sớm có giải pháp tài chính tổng thể xử lý hài hòa việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo lộ trình của các FTA theo cam kết hội nhập quốc tế trên cơ sở bảo đảm lợi ích của Nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất xăng dầu và các đối tượng tiêu dùng.

Hiện, cơ quan quản lý chưa có phán quyết đúng - sai về trách nhiệm của hai Bộ, nhưng cách áp thuế nhập khẩu giá xăng dầu như thời gian vừa qua có dấu hiệu gây thiệt lại cho người tiêu dùng.

Minh bạch về giá xăng dầu, về số tiền doanh nghiệp xăng dầu được lợi từ chính sách thuế nhập khẩu là vấn đề cần phải làm ngay. Nếu chính sách đúng, đương nhiên cơ quan quản lý (mà cụ thể là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính) “vô can”, còn ngược lại, nếu chỉ có doanh nghiệp xăng dầu được lợi, thì phải có trách nhiệm với người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy, giá xăng dầu ở nước ta thường cao hơn nhiều nước trên thế giới và người tiêu dùng luôn phải chung thủy với điệp khúc giá xăng dầu “tăng nhanh, giảm chậm”!

Vấn đề thuế nhập khẩu xăng dầu là bài học chung cho công tác quản lý, cơ chế phối hợp giữa hai Bộ. Dường như Bộ nào cũng có quyền, nhưng khi xảy ra “sự cố”, thì có khi không rõ trách nhiệm hoặc nếu có chỉ là “ trách nhiệm tập thể” cần...“ nghiêm khắc rút kinh nghiệm”?    

Đăng Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN