Thực hư chuyện doanh nghiệp nhập 15 triệu liều vắc- xin Pfizer?
Giữa "cơn khát" vắc xin COVID-19, một doanh nghiệp ở Đồng Nai tung thông tin chuẩn bị nhập về 15 triệu liều Pfizer trong đầu tháng 9 khiến nhiều người hứng khởi. Tuy nhiên, độ chính xác của thông tin này đến đâu?
Pfizer Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán của Hãng là chỉ làm việc |
Liên tục tạo “cơn sốt”
Phi vụ đưa vắc xin về Việt Nam của Liên hiệp hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) diễn ra từ ngày 9/6/2021. Vào thời điểm này, Donacoop thông báo, doanh nghiệp này đã tham gia đàm phán và liên hệ với hai nhà sản xuất cung cấp vắc xin là Công ty Pfizer – BioNtech và Công ty Janssen của Mỹ để nhập khẩu vắc xin.
Ngày 10/6, UBND tỉnh Đồng Nai đã có công văn gửi Bộ Y tế đề nghị bộ này tạo điều kiện cho Công ty Donacoop nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19.
Lễ đón nhận 1 lô vắc xin về Việt Nam vào đầu tháng 7 vừa qua. |
Một ngày sau, ngày 11/6, Cục quản lý Dược, Bộ Y tế có văn bản gửi 2 ông lớn chuyên về vắc xin là Pfizer và Janssen về việc hỗ trợ doanh nghiệp được kết nối mua vắc xin COVID -19.
“Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Y tế đã gửi văn bản đề nghị hai công ty sản xuất vắc xin nói trên tạo điều kiện cho Donacoop”- đại diện Cục Quản lý Dược cho biết, đồng thời Cục này cũng hướng dẫn Donacoop làm việc với các đơn vị đủ điều kiện nhập khẩu và bảo quản vắc xin để sớm hoàn thiện hồ sơ.
Ngay khi văn bản này được gửi đi, thông tin Donacoop tung ra giữa tháng 6 việc đang đàm phán được với các hãng dược nhập vắc xin trở nên nóng sốt. Nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai và TPHCM đã triển khai “đăng ký” để đặt chỗ tiêm cho công nhân và người thân. Tuy nhiên, đến đầu tháng 8/2021, các cuộc đàm phán vẫn bặt vô âm tín. Vắc xin vẫn không có mặt tại Việt Nam!
Một số doanh nghiệp lớn ở Đồng Nai và TPHCM cho Tiền Phong biết cách đây hơn 1 tháng, đại diện của Donacoop có liên hệ với họ để "đặt cọc" giữ chỗ sau khi Donacoop nhập vắc xin COVID-19 về Việt Nam. "Thực tế họ không có gì đảm bảo ngoài một số công văn gửi cho tỉnh Đồng Nai và Cục Quản lý Dược nên chúng tôi không hợp tác"- một doanh nghiệp tại TPHCM thông tin. |
Ngày 25/8, Donacoop đưa ra văn bản của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Y tế liên quan đến công văn của tỉnh Đồng Nai về việc xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ cho Công ty Donacoop nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19 của hãng Pfizer. Văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Y tế quán triệt thông báo việc khuyến khích các địa phương, tổ chức tìm mua vắc xin phòng COVID-19. Bộ Y tế phải quản lý việc cấp phép, kiểm tra chất lượng, bảo quản vắc xin, tổ chức tiêm miễn phí cho người dân. Công văn chỉ đạo chung như vậy nhưng không ngờ đã tạo nên “làn sóng” trong cộng đồng.
“Việc Donacoop đưa 15 triệu liều vắc xin Pfizer về Việt Nam là điều mà các doanh nghiệp ở Đồng Nai và các tỉnh Đông Nam Bộ hết sức mừng”- một doanh nghiệp nói.
Thông tin càng được chắc chắn hơn khi lãnh đạo của Donacoop cho hay, công ty đã thỏa thuận xong với hãng Pfizer sẽ nhập khẩu khoảng 15 triệu liều vắc xin và phía đối tác cũng đã chuẩn bị đủ lượng vắc xin để cung ứng cho Donacoop.
“Dự kiến đầu tháng 9, doanh nghiệp sẽ xong thủ tục nhập khẩu 15 triệu liều vắc- xin phòng COVID-19 của hãng Pfizer về Việt Nam. Nếu Bộ Y tế hoàn tất sớm thủ tục cho doanh nghiệp, số vắc xin này sẽ tiêm cho người dân Đồng Nai”- đại diện công ty này khẳng định.
Đến nay Việt Nam tiếp nhận hơn 27 triệu liều vắc xin các loại trong đó có 19 triệu liều |
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dược và thiết bị y tế nhập khẩu, cho rằng những văn bản kiểu “ xã giao” như văn bản mà Cục Quản lý Dược, gửi các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng nào đó ở nước ngoài, đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp nước mình là chuyện hết sức bình thường, và diễn ra thường xuyên. Điều này không có nghĩa là doanh nghiệp trong nước sẽ nhập khẩu được sản phẩm nhờ vào công văn từ Việt Nam. Quan trọng vẫn là quy định và nguyên tắc cung cấp của đối tác.
Sự thật ra sao?
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nói với Tiền Phong quy trình mua vắc-xin, phân bổ ra sao là vấn đề của doanh nghiệp. Tỉnh Đồng Nai chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp về thủ tục nhà nước. Hiện nay nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai cũng đang sẵn sàng mua vắc-xin phòng COVID-19 tiêm ngừa cho công nhân để nhanh chóng ổn định sản xuất.
“Phía tỉnh Đồng Nai chỉ hỗ trợ họ về thủ tục và kiến nghị với Thủ tướng và Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế về thủ tục quản lý, cấp phép, kiểm tra chất lượng, bảo quản và tiêm miễn phí cho dân. Vì vậy hiện nay thẩm quyền thuộc về về Bộ Y tế”- bà Hoàng nói.
Nhu cầu tiêm vắc xin ở Việt Nam đang rất lớn. |
Trước thông tin gây sốc này, trao đổi với Tiền Phong đại diện Pfizer Việt Nam khẳng định họ chưa bao giờ làm việc với Donacoop và chưa có cuộc đàm phán nào với hãng tại Việt Nam.
“Quan điểm nhất quán của hãng từ đầu là chỉ làm việc trực tiếp với Chính phủ và tổ chức COVAX để cung cấp vắc xin cho cấp Chính phủ”- đại diện Pfizer cho biết.
Trong các thông cáo mà hãng này phát đi cũng khẳng định phía Pfizer không làm việc với các đối tác là doanh nghiệp tư nhân trong đại dịch COVID-19 này.
Theo Pfizer, họ chỉ ký kết và chịu trách nhiệm với hàng được ký kết trực tiếp với Chính phủ, không chịu trách nhiệm với hàng trôi nổi. Hiện Pfizer chưa cung cấp vắc xin cho bất cứ doanh nghiệp hay cá nhân nào trên thế giới.
Trong khi đó, đại diện Cục Quản lý Dược cho rằng, để được cấp “visa” vắc xin vào Việt Nam, đơn vị nhập khẩu phải chứng minh được hồ sơ pháp lý đầy đủ, có xác nhận của hãng Pfizer và cấp chứng nhận vắc xin từ hãng.
“Trong khi hãng Pfizer không làm việc qua trung gian và doanh nghiệp tư nhân thì không biết nguồn vắc xin lấy từ đâu?”- đại diện này nói.
Ngoài ra, Donacoop không nằm trong danh sách 26 đơn vị được Bộ Y tế cấp phép đủ điều kiện kinh doanh nhập khẩu vắc xin. Và điều kiện đưa vắc xin về thì phải bảo quản ở đâu? Kho lạnh có đạt chuẩn âm sâu -60 đến -80 độ vẫn chưa thấy báo cáo phương án.
Khi được hỏi về thời gian chắc chắn có vắc xin, đại diện Donacoop nói “chỉ đợi Bộ Y tế hoàn thành thủ tục hồ sơ”. Theo đại diện công ty này, quá trình đàm phán, đối tác yêu cầu phải bảo quản vắc xin nghiêm ngặt ở nhiệt độ khoảng -60C, đồng thời người được tiêm phòng phải đảm bảo mũi 2 cách nhau 4 tuần.
Nếu thủ tục hoàn thành sớm và có sẵn kho, tủ bảo quản, trong đầu tháng 9 vắc xin phòng COVID-19 sẽ được Donacoop nhập về. Dự kiến nguồn vắc xin sẽ được ưu tiên phân bổ cho Đồng Nai và các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ.
Donacoop lớn mạnh cỡ nào? Công ty Donacoop, có trụ sở tại Đồng Nai, được đăng ký thành lập năm 2014, với vốn điều lệ 6 nghìn tỷ đồng. Từ ngày thành lập đến nay, doanh nghiệp này có 9 lần thay đổi đăng ký kinh doanh, lần thay đổi gần nhất là ngày 9/3/2021. Donacoop đăng ký hoạt động chủ yếu về nông sản, tuy nhiên sau đó đầu tư mạnh vào lĩnh vực bất động sản. Tên tuổi gắn liền với một số dự án ở Đồng Nai, trong đó nổi tiếng có dự án Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng, lên kế hoạch triển khai từ năm 2008 nhưng sau 13 năm vẫn chưa giải toả xong mặt bằng. Hiện dự án còn gần 1.700 hộ dân trong diện phải bồi thường nhưng chưa thể thoả thuận. Người dân tại đây cũng bức xúc gửi đơn khắp nơi vì bị cưỡng chế thu hồi đất để làm dự án với giá đền bù rẻ mạt. |