Thực hiện Nghị quyết số 45, kinh tế Hải Phòng đạt kết quả ấn tượng
(ĐCSVN) - Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu khẳng định: Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị, Hải Phòng từng bước khẳng định vai trò trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả ấn tượng, là điểm sáng trong bức tranh chung của cả nước
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu phát biểu tại Hội nghị. |
Ngày 2/8, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW, ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các đồng chí: Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố; Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND, UBND thành phố; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học, các chuyên gia…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu nhấn mạnh: Nghị quyết số 45 ra đời là kim chỉ nam cho sự phát triển của Hải Phòng với những định hướng rất rõ ràng, cụ thể, những cơ chế, chính sách đủ mạnh để thành phố phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, bứt phá mạnh mẽ.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu khẳng định: Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 45, thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; từng bước khẳng định vai trò trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Phát triển kinh tế - xã hội Thành phố đạt nhiều kết quả ấn tượng, là điểm sáng trong bức tranh chung của cả nước; đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân Thành phố tiếp tục được nâng cao. Những thành tựu mà Thành phố đạt được trong 5 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn của các chủ trương, định hướng của Nghị quyết 45 và Nghị quyết đang thực sự đi vào cuộc sống trên địa bàn thành phố.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn đánh giá, ghi nhận các điểm sáng Hải Phòng đạt được. |
Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn đánh giá, ghi nhận các điểm sáng Hải Phòng đạt được. Cụ thể, quy mô kinh tế Hải Phòng không ngừng được mở rộng, duy trì vị trí thứ hai trong vùng Đồng bằng sông Hồng, sau thủ đô Hà Nội. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt trên 7.800 USD/người, gấp 1,83 lần năm 2018 và bằng 1,87 lần so với cả nước, đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2023 tăng trưởng bình quân đạt 6,96%/năm, gấp 1,88 lần bình quân chung cả nước. Hải Phòng liên tục nằm trong danh sách các địa phương dẫn đầu về thu hút FDI toàn quốc.
Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thành phố có những bước phát triển đột phá. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, y tế được quan tâm, nhất là các chính sách vượt trội như: miễn học phí cho học sinh các bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; các chế độ, chính sách cho người có công, người có hoàn cảnh khó khăn đều thuộc nhóm cao của cả nước…
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã nhấn mạnh vào các cơ chế, chính sách để phát triển thành phố Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước, động lực phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với thành phố Hải Phòng báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua ban hành Nghị quyết số 35/2021/QH15, ngày 13/11/2021 về "thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng" đối với 3 lĩnh vực: quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước; phân cấp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45 ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. |
Tại Hội nghị, ý kiến của các đại biểu đại diện các bộ, ngành Trung ương, chuyên gia đều có chung nhận định, Hải Phòng đã đạt được nhiều thành tựu trong 5 năm qua dù còn nhiều khó khăn... Tuy nhiên, thành phố vẫn chưa đạt được kỳ vọng trong lộ trình phát triển.
Do đó, các đại biểu cho rằng, Hải Phòng cần xây dựng, hoàn thiện và kiến nghị với Trung ương sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố trong giai đoạn tới, trọng tâm là cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội như: ủy quyền, phân cấp cho Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất phù hợp với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thành lập Khu thương mại tự do thành phố Hải Phòng nằm trong Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng.
Đồng thời, Hải Phòng nghiên cứu, xây dựng Đề án tổ chức chính quyền đô thị được quy định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, chế độ, trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền gắn với một số cơ chế, chính sách hợp lý, kết hợp đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả quản lý theo "mô hình chính quyền đô thị" phù hợp đặc thù đô thị loại I.
Bên cạnh đó, Hải Phòng tiếp tục nghiên cứu các giải pháp đột phá phát triển hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại trong cả 5 loại hình giao thông; trong đó, ưu tiên hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các cảng biển nhằm phát huy hết hiệu quả, công suất của hệ thống cảng biển Hải Phòng.../.