Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ở vùng dân tộc thiểu số

Thứ Sáu, 10/11/2023 14:16 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp do phụ nữ làm chủ ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và tăng sức cạnh tranh của hàng nông, lâm sản.

Được mời phát biểu tại Hội thảo “Nghiên cứu nhu cầu cố vấn, tư vấn về ứng dụng công nghệ cho doanh nghiệp do nữ lãnh đạo trong lĩnh vực nông nghiệp”, do Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy phát triển doanh nhân nữ: Kiến tạo hệ sinh thái kinh doanh đáp ứng giới” (CWE) giai đoạn 2020 - 2023, được tài trợ bởi Chính phủ Canada thông qua Uỷ ban Kinh tế Xã hội Châu Á -Thái Bình Dương Liên hợp quốc, chị Dương Thị Thắng - Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ và sinh thái Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình mang tới một câu chuyện buồn xảy ra tại quê mình.

Theo chia sẻ của chị Thắng, ít năm trước, nghe nói cây Khôi - một loại cây dược liệu có tên trong sách đỏ Việt Nam, có thể hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó nổi bật nhất là công năng chữa bệnh viêm dạ dày và được người tiêu dùng săn tìm, một nhóm chị em phụ nữ ở Tân Lạc đã rủ nhau lập HTX để trồng loại cây này. Họ mong muốn vừa kiếm được thu nhập, vừa góp phần bảo tồn loại cây dược liệu quý.

Tuy nhiên, do không được tư vấn trong khi thông tin khoa học về loại cây này lúc bấy giờ rất ít nên họ đã trồng nhầm sang Khôi trắng. Khôi trắng có thành phần dưỡng chất chỉ bằng 1/10 Khôi tía nên chẳng ai mua. Trồng cả năm trời mà không bán được, những người phụ nữ đó đành cay đắng giải thể HTX, bởi chẳng ai có thể ngày nào cũng ăn dược liệu như ăn rau được - chị Thắng ngậm ngùi nói.

Chị Bùi Thị Xiêm - Giám đốc HTX Thiên Lợi An cho rằng nếu được tiếp cận với nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi thì các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn 

Đồng cảm với câu chuyện của chị Thắng, chị Bùi Thị Xiêm, dân tộc Mường, Giám đốc HTX Thiên Lợi An, thôn Bộ Mu, xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình cho biết, thành viên HTX 100% là nữ người dân tộc thiểu số. Nói về công nghệ chế biến chuyên sâu với các chị thì như một “bức tường trắng”.

Lập HTX với chị chỉ đơn giản xuất phát từ suy nghĩ gia đình có nghề thuốc gia truyền, nếu không tìm cách giữ sẽ mai một nên chị tự tìm tòi, rủ người thân, xóm giềng tham gia mà không có bất kỳ ai tư vấn, cố vấn.

Bắt đầu sự nghiệp bằng trồng, cô cao cây cà gai leo, cây thìa canh cung cấp cho các cửa hàng thuốc Đông y, rất may là đến thời điểm này, HTX vẫn đang tồn tại và tạo việc làm cho 11 thành viên, với mức lương 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, chị Xiêm rất mong muốn nhận được sự tư vấn, cố vấn của các nhà khoa học về công nghệ sản xuất, chế biến dược liệu để thực hiện tham vọng mở rộng quy mô HTX, tạo việc làm cho khoảng 30 người.

PGS. TS. Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả cho rằng, các doanh nghiệp nông nghiệp do nữ lãnh đạo có điểm mạnh về sự bền bỉ trước khó khăn, thường quan tâm đến các chính sách cho người lao động, có nhiều đóng góp cho xã hội.

Tuy nhiên, họ cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức như: quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp; trình độ năng lực quản trị doanh nghiệp và tiếp cận thông tin, công nghệ hạn chế. Nữ doanh nhân còn phải gánh trách nhiệm chăm sóc gia đình và hiện vẫn tồn tại nhiều định kiến về vai trò của phụ nữ trong kinh doanh.

Đối với phụ nữ dân tộc thiểu số mạnh dạn vươn lên làm chủ doanh nghiệp thì những thách thức này lại càng lớn hơn bởi những bất lợi về điều kiện tự nhiên, về học vấn, về cơ sở hạ tầng… và đặc biệt là định kiến giới ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang còn nặng nề hơn vùng đồng bằng, đô thị.

Đứng trước những khó khăn đó, nên theo kết quả nghiên cứu của CWE, hiện nay, 100%  doanh nghiệp được khảo sát đều có nhu cầu cần cố vấn, tư vấn ở các mức độ khác nhau về các nội dung: Đào tạo và phát triển kỹ năng cho nhân viên và quản lý; Đánh giá hệ thống sản xuất, kinh doanh và đề xuất các giải pháp, chiến lược phát triển; Cải tiến sản xuất tinh gọn, nâng cao năng suất, chất lượng; Công nghệ quản lý chuỗi cung ứng; Công nghệ chế biến; Công nghệ bán hàng trực tuyến; Công nghệ bảo quản; Công nghệ truy xuất nguồn gốc; Công nghệ sơ chế…

Với phụ nữ lãnh đạo doanh nghiệp nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số lãnh đạo doanh nghiệp nói riêng, khó khăn lớn nhất nằm ở việc chọn các yếu tố liên quan đến máy móc, thiết bị và các nền tảng phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp. Như vậy, rất cần một đội ngũ cố vấn bên trong hoặc mạng lưới chuyên gia bên ngoài hỗ trợ doanh nghiệp nữ làm việc này.

Trồng cây công nghiệp là một trong những thế mạnh của vùng dân tộc thiểu số và miền núi 

Đối với vấn đề xây dựng đội ngũ cố vấn hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nông nghiệp do phụ nữ làm chủ, bà Nguyễn Thị Thu - Chuyên gia phát triển hệ sinh thái Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, Trưởng làng nông nghiệp Techfest quốc gia, Sáng lập hệ sinh thái MEVI cho rằng, rất nên dựa vào lực lượng các nhà khoa học tại địa bàn doanh nghiệp đứng chân, vì hơn ai hết, họ hiểu rõ các vấn đề liên quan đến sản xuất nông nghiệp tại địa phương đó. Chỉ khi các nhà tư vấn tại chỗ không giải quyết được, doanh nghiệp mới cần tìm đến các nhà khoa học ở Trung ương.

Đồng tình với quan điểm này, bà Hạ Thuý Hạnh - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, cả nước có gần 37 nghìn khuyến nông viên, chưa kể đội ngũ thú y viên. Họ chính là lực lượng quan trọng, gần gũi nhất để thực hiện chức năng tư vấn, cố vấn, khắc phục tình trạng doanh nghiệp không tiếp cận được với các thông tin khoa học, thị trường, dẫn đến thất bại, mất thời gian, tâm huyết, tiền vốn như nhóm phụ nữ khởi nghiệp từ cây Khôi ở Tân Lạc, Hoà Bình kể trên. Một khi đã khởi nghiệp thất bại, phụ nữ rất khó nhận được sự đồng cảm, chia sẻ, ủng hộ từ phía người thân, cộng đồng cho những dự định khởi nghiệp tiếp theo.

Hiện nay, ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ lao động dân tộc thiểu số có việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản vẫn còn cao, khoảng trên 70%, cao gấp đôi  so với cả nước.

Một số dân tộc như: Brâu, Xinh Mun, La Hủ, Rơ Măm, Ba Na… tỷ lệ này lên tới 95%. Trong 14 dân tộc thiểu số dưới 10.000 người có đến 12 dân tộc thiểu số có tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm, thuỷ sản cao hơn mức chung của 53 dân tộc thiểu số, tức là cao trên 70%.

Mặt khác, thế mạnh của các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vẫn là phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, trong đó chủ yếu là chăn nuôi đại gia súc, trồng cây công nghiệp, cây dược liệu và lâm nghiệp.

Thúc đẩy phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng tiên tiến, ứng dụng khoa học công nghệ sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và tăng sức cạnh tranh của hàng nông, lâm sản, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành Nông nghiệp và đưa sản phẩm nông, lâm nghiệp Việt Nam tiếp cận ngày càng nhiều hơn với thị trường quốc tế.

Về vấn đề này, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị.

Trong Dự án 3 có Tiểu dự án 1: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân nhằm mục tiêu tạo việc làm, thu nhập cho người dân làm nghề rừng; hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với bảo vệ rừng bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Và Tiểu dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với các nội dung: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Với nguồn lực đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hy vọng sẽ tạo điều kiện để nhân rộng ngày càng nhiều những doanh nghiệp do phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ, tạo điều kiện cho chị em vươn lên làm kinh tế cho bản thân, gia đình và đất nước từ chính những thế mạnh của vùng, của các dân tộc thiểu số./.

Bài, ảnh: Hoà Bình

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN