Thúc đẩy nông nghiệp tỉnh Hà Giang phát triển bứt phá, bền vững
(ĐCSVN) - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định: Hà Giang có nhiều sự khác biệt và có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng. Do đó, các nhà khoa học, các đơn vị cần tiếp thêm trí lực, nguồn lực cho Hà Giang khởi tạo giá trị mới. Không được dừng lại ở báo cáo mà cần hành động, mở rộng tư duy, kiến tạo hệ sinh thái đa giá trị từ nông nghiệp để tạo giá trị cao, nâng cao đời sống người dân.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn tham quan sản phẩm tiêu biểu được trưng bày trong khuôn khổ Hội nghị. (Ảnh: Kim Tiến) |
Sáng 17/4, tại TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Thúc đẩy phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2030.
Các đồng chí: Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Vũ Mạnh Hà, Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Vàng Seo Cón, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; lãnh đạo các sở, ngành và các huyện, thành phố.
Các đại biểu dự Hội nghị. (Ảnh: Kim Tiến) |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Hà Giang là tỉnh vùng cao, biên giới, địa đầu tổ quốc, có đặc trưng điều kiện tự nhiên phân thành 3 vùng: Vùng thứ nhất là khu vực vùng cao núi đá phía Bắc (gồm 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và huyện Mèo Vạc); nơi đây đặc trưng có khí hậu ôn đới nhưng lại ít đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất khá trầm trọng, nhất là trong mùa khô. Tuy nhiên, với đặc trưng núi đá và đã được UNESCO công nhận đưa vào hệ thống mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu - là vùng có nhiều dư địa để phát triển du lịch nói chung và sản phẩm du lịch nông nghiệp nói riêng. Vùng thứ hai - khu vực vùng cao núi đất phía Tây (gồm 2 huyện là Hoàng Su Phì và Xín Mần) là vùng có điều kiện về đất đai, khí hậu để phát triển cây dược liệu, chè shan tuyết. Vùng thứ ba - khu vực vùng núi đất thấp gồm 5 huyện còn lại (Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê và thành phố Hà Giang), đây là vùng trọng điểm sản xuất nông lâm nghiệp và là vùng động lực phát triển kinh tế của tỉnh.
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 7,62%; khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,8%; chiếm 31,01% cơ cấu kinh tế của tỉnh. GRDP bình quân đầu người đạt 34,24 triệu đồng/người; giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 5%/năm. Ngành nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò là trụ đỡ cho nền kinh tế của tỉnh trong đại dịch COVID-19; là nơi tránh trú cho lao động các khu công nghiệp trở về địa phương trong đại dịch; cơ bản tự đảm bảo được an ninh lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, Hà Giang vẫn là một trong những tỉnh còn nhiều khó khăn so với cả nước, xa các trung tâm kinh tế lớn, địa hình chia cắt mạnh, đồng bào đa sắc tộc, kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội còn yếu kém; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung, tự cấp vẫn là chủ yếu; chưa khai thác được thế mạnh về nông nghiệp để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của tỉnh.
Tỉnh Hà Giang mong muốn với tiềm năng lợi thế và định hướng phát triển nông lâm nghiệp của tỉnh, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp nghiên cứu và đóng góp vào định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh Hà Giang đến năm 2030, đồng thời đề xuất cho tỉnh các nhóm giải pháp về khoa học kỹ thuật, cơ chế, chính sách để tạo động lực cho nông nghiệp Hà Giang bứt phá và phát triển bền vững.
Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Kim Tiến) |
Tạo sinh kế bền vững cho trên 80% dân cư khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang nhấn mạnh: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; nhất là đối với tỉnh Hà Giang, một tỉnh địa đầu tổ quốc có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của quốc gia.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 vẫn xác định là tỉnh Nông nghiệp; nông nghiệp là một trong ba trụ cột chính trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong 3 đột phá của Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII có 02 đột phá liên quan đến ngành Nông nghiệp, đó là: Tạo sinh kế, nâng cao vật chất, tinh thần cho người dân; Phát triển Du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành các quyết chuyên đề về lĩnh vực nông lâm nghiệp, được cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện đã đi vào cuộc sống, tạo ra giá trị, thu nhập cho người dân và nhận được sự đồng thuận của đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể về phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Giang vẫn đang đối mặt với những khó khăn, thách thức nhất định về điều kiện về tự nhiên, địa hình, khí hậu tiểu vùng hết sức phức tạp; cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ; là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, phong tục, tập quán sản xuất, canh tác còn theo phương thức truyền thống; sản xuất manh mún, tự cung tự cấp vẫn là chủ yếu; chưa hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, sạch thân thiện với môi trường…
Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Kim Tiến) |
Với mong muốn và kỳ vọng phát triển Nông nghiệp của tỉnh nhanh, bền vững, hiệu quả; đích đến cuối cùng là nâng cao thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho trên 80% dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hà Giang để đồng bào yên tâm “Bảo vệ vững chắc biên cương tổ quốc, giữ đất, giữ rừng”, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh bày tỏ mong muốn được hiến kế, định hướng các nhóm giải pháp, cơ chế, chính sách để khai thác tiềm năng, thế mạnh, huy động nguồn lực, thúc đẩy nông nghiệp của tỉnh phát triển, đặc biệt là các nhóm vấn đề liên quan đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng như thế nào để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn; phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị; công tác bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu vừa phát triển kinh tế rừng để người dân sống được từ nghề rừng; giải pháp để đảm bảo được An ninh nguồn nước phục vụ nước sinh hoạt, nước sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày một nhanh hơn.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định: Hà Giang có nhiều sự khác biệt và có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng. Do đó, các nhà khoa học, các đơn vị cần tiếp thêm trí lực, nguồn lực cho Hà Giang khởi tạo giá trị mới. Không được dừng lại ở báo cáo mà cần hành động, mở rộng tư duy, kiến tạo hệ sinh thái đa giá trị từ nông nghiệp để tạo giá trị cao, nâng cao đời sống người dân. Tìm kiếm giải pháp thực sự hiệu quả để giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Kết hợp chặt chẽ giữa nông nghiệp với du lịch; đẩy mạnh du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm để quảng bá sản phẩm nông nghiệp. Có sự linh hoạt, chuyển hóa, chuyển đổi các mô hình kinh tế hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Kim Tiến) |
Bộ trường Lê Minh Hoan chỉ rõ, tỉnh Hà Giang cần xác định phát triển nông nghiệp, du lịch không chỉ là phát triển kinh tế đơn thuần mà còn là trách nhiệm và lòng tự hào của quê hương Hà Giang, vùng đất “nở hoa trên đá”. Chú trọng giữ gìn, phát huy không gian văn hóa để tạo giá trị, xây dựng thương hiệu. Liên kết trong sản xuất từng ngành hàng, từ khâu giống đến sau thu hoạch để tạo các chuỗi giá trị của các sản phẩm nông sản; cần đi cùng nhau để đi xa, để tối đa hóa giá trị, chuẩn hóa quy trình sản xuất ngành hàng…
Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ một số vấn đề về định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2030 theo phương án quy hoạch; giải pháp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp, nhất là chuyển đổi cây ngô sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; giải pháp để phát triển các cây con đặc trưng, đặc sản có lợi thế so sánh của tỉnh; giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước sinh hoạt, nước sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhất là đối với 4 huyện vùng cao nguyên đá của tỉnh; phát triển du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Giang;…/.