Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thúc đẩy liên kết trong xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP

Thứ Năm, 10/11/2022 18:24 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nhằm phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang cần tăng cường liên kết trong xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ; tập trung phát triển các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý,…

Đó là ý kiến được các đại biểu đề xuất tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP” do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức diễn ra ngày 10/11, tại Bắc Giang.

 Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: M.L)

Sau gần 4 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Bắc Giang hiện có 180 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao là vải thiều Lục Ngạn; 42 sản phẩm đạt 4 sao và 138 sản phẩm đạt 3 sao… Nhiều sản phẩm tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng như: Gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, na dai Lục Nam, chè Yên Thế, mỳ chũ Lục Ngạn... tạo cơ hội thuận lợi tiêu thụ sản phẩm.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Vọng, Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh cho rằng, cần tăng cường liên kết trong xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm OCOP.

Theo ông Vọng, Bắc Giang cần hình thành trung tâm các sản phẩm OCOP của tỉnh đặt tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). Bởi hiện nay, mỗi năm tỉnh Quảng Ninh thu hút hơn 12 triệu du khách, với nhu cầu rất lớn và đây là kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP thuận lợi mà chúng ta có thể tận dụng.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, cần xác định, khoanh vùng nguyên liệu và tổ chức sản xuất gắn với liên kết và phát triển các thương hiệu mà mỗi địa phương đã có như: Tập trung phát triển các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Qua đó thúc đẩy các doanh nghiệp đăng ký và phát triển các thương hiệu, nhãn hiệu cho riêng mình.

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết, định hướng phát triển kinh tế của địa phương trong thời gian tới là lấy công nghiệp là động lực, dịch vụ là điều kiện thúc đẩy và nông nghiệp là trụ đỡ, trong đó, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp quan trọng trong phát triển nông nghiệp và khu vực nông thôn ở địa phương./.

 

BT

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN