Thúc đẩy huy động, lồng ghép nguồn lực quốc tế thực hiện Chương trình
(ĐCSVN) – Thúc đẩy huy động, lồng ghép các nguồn lực, làm tăng hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu Chương trình MTQG phát triển vùng đồng bào DTTS&MN là bài toán khó mà các bộ, ngành, địa phương cùng phải bắt tay vào cuộc.
Các nguồn lực bên ngoài làm tăng hiệu quả hỗ trợ đồng bào
Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi, tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020, Quốc hội yêu cầu: “Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục rà soát, cân đối, bố trí ngân sách trung ương bổ sung cho Chương trình theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, hỗ trợ để tăng vốn tín dụng chính sách và có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, vốn xã hội hóa cho Chương trình”. Từ đó, Chính phủ đã chỉ đạo cụ thể các bộ, ngành trung ương tăng cường các giải pháp huy động, lồng ghép nguồn lực thực hiện chương trình.
Thủ tướng Chính phủ đã giao tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2022 cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) 16.800 tỷ đồng (tăng 8% so với năm 2021) và tăng dư nợ tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là 19.000 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa thực hiện Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi là 9.000 tỷ đồng. Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, đến 31/7/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 273.458 tỷ đồng, tăng 25.549 tỷ đồng (10,3%) so với năm 2021. Dư nợ chủ yếu đầu tư tập trung cho vay đối với hộ nghèo, hộ chính sách ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào DTTS&MN, đặc biệt, đã có trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng các chương trình tín dụng tại NHCSXH, với tổng dư nợ đạt 66.946 tỷ đồng, chiếm 24,5%, dư nợ bình quân một hộ DTTS đạt 46,5 triệu đồng/bình quân chung là 42,1 triệu đồng.
Đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai sử dụng vốn vay ODA góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc. (Ảnh: Trọng Hải) |
Các hoạt động huy động nguồn lực hỗ trợ bổ sung từ các nhà tài trợ, đối tác phát triển cho Chương trình MTQG DTTS&MN đã và đang được tổ chức thực hiện như: đã hoàn thành tiếp nhận, chuyển phát 2.000 điện thoại thông minh cho người có uy tín từ Quỹ Thiện Tâm (thuộc tập đoàn Vingroup) hỗ trợ phục vụ hoạt động chuyển đổi số; tổ chức tập huấn sử dụng Cẩm nang số về hướng dẫn thực hiện Chương trình; triển khai Dự án “Hỗ trợ các xã ĐBKK thuộc Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030” từ nguồn ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai Len năm tài khóa 2020 (thực hiện năm 2022) đến tháng 8/2022 đạt 37,171 tỷ đồng (44,9%).
Đối với khoản viện trợ không hoàn lại 17,5 triệu USD từ Quỹ Đối tác Giáo dục toàn cầu và khoản vay ưu đãi tối thiểu 150 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới cho Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, Uỷ ban Dân tộc và các cơ quan liên quan đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt thông qua chủ trương tiếp nhận và dự kiến triển khai trong năm 2023 nếu Chương trình được phê duyệt.
Các bộ, ngành cũng đã có nhiều hoạt động mời gọi, ký kết, phối hợp triển khai các dự án đầu tư vào vùng DTTS như: Ngân hàng Nhà nước đàm phán, ký kết, phối hợp triển khai và thúc đẩy tiến độ giải ngân các dự án của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á với tổng giá trị 2.796,19 triệu USD; Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành Đề án "Xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng DTTS giai đoạn 2014-2020" với nội dung thực hiện đầu tư xây dựng 4.145 cầu, trong đó có 3.664 cầu cứng và 481 cầu treo với tổng mức đầu tư là 8.338,98 tỷ đồng trên địa bàn DTTS thuộc 50 tỉnh thành, trong đó huy động vốn ODA, WB và 385 triệu USD và vốn đối ứng dự kiến là 50 triệu USD.
Ngoài ra, các địa phương cũng tăng cường huy động các nguồn đóng góp hợp pháp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; bảo đảm tỷ lệ vốn đối ứng của địa phương và trách nhiệm tham gia thực hiện Chương trình. Hầu hết 100% các tỉnh đều bố trí vốn đối ứng theo đúng quy định, khoảng 894,170 tỷ đồng, đồng thời tự cân đối sử dụng ngân sách đã bố trí khoảng 3.373,253 tỷ đồng để thực hiện Chương trình.
Thông qua các hoạt động đối ngoại ở trong và ngoài nước, nhiều tổ chức quốc tế đã cam kết cung cấp nhiều gói viện trợ không hoàn lại có giá trị lớn hỗ trợ vùng DTTS, như Dự án Tổ chức xã hội thúc đẩy cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên DTTS; Dự án Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin dành cho phụ nữ DTTS; Dự án Thúc đẩy tiếp cận công lý về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình cùng cộng đồng người nghèo và DTTS tỉnh Quảng Bình; Dự án Vườn ươm các nữ lãnh đạo DTTS do Quỹ sáng kiến cho địa phương của Canada tài trợ…; các dự án hỗ trợ kết nối địa phương vùng đồng bào DTTS với các đối tác nước ngoài, thúc đẩy hợp tác, giao lưu...
Đánh giá về công tác huy động nguồn lực quốc tế, nguồn lực bên ngoài, Ủy ban Dân tộc nhận định: Công tác chỉ đạo điều hành phù hợp, hiệu quả, kịp thời, cơ chế chính sách, môi trường thuận lợi, đem lại hiệu quả xã hội cao, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững và góp phần phát triển sản xuất vùng DTTS….
Cụ thể, các dự án đã góp phần quan trọng trong hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, giáo dục mầm non, tiểu học, phát triển kinh tế hộ gia đình. Đã khắc phục một số khó khăn trên địa bàn vùng đồng bào DTTS, đồng thời cung cấp cho người dân những kiến thức, phương pháp vận hành, bảo trì các công trình. Sự nghiệp giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ, giá trị văn hóa dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát huy. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo ổn định; khối đại đoàn kết các dân tộc tiếp tục được giữ vững. Nhờ đó, đã góp phần phát triển sinh kế bền vững, cải thiện thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân; góp phần giải quyết các vấn đề bức thiết về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, làm thay đổi rõ nét đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS. Đặc biệt, thông qua các chương trình, dự án, chính sách trong vùng đồng bào DTTS gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện khá tốt.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc huy động các nguồn vốn bộc lộ nhiều mặt hạn chế. Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, mặc dù nhu cầu đầu tư của địa phương là rất lớn, tuy nhiên các nguồn vốn Nhà nước cấp còn hạn chế, chưa có nhiều nguồn lực quốc tế đầu tư vào địa phương. Số lượng dự án được tài trợ vốn ODA, vốn vay ưu đãi hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, công tác khảo sát, đề xuất dự án chưa bám sát với điều kiện thực tiễn của địa phương, thời gian từ khi ký kết Hiệp định vay đến khi thi công kéo dài. Các thủ tục của nhà tài trợ chưa hài hòa với quy định của Việt Nam dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thực hiện dự án. Nhiều nguồn vốn tài trợ có chi phí lãi suất cao trong khi ngân sách tỉnh phải vay lại một phần vốn tài trợ nên việc tiếp cận để lựa chọn nguồn vốn tài trợ phù hợp gặp nhiều khó khăn.
Tổ chức Plan hỗ trợ hệ thống cung cấp nước sạch cho người dân thôn Amor, xã A xing, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) - Ảnh: ĐT |
Bên cạnh đó, còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật gây khó khăn trong quá trình vận động thu hút đầu tư các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nhà tài trợ nước ngoài. Năng lực một số chủ đầu tư, một số nhà thầu tư vấn, xây lắp, cung cấp thiết bị còn nhiều hạn chế; Nhận thức và trình độ của một số người dân khu vực vùng núi, vùng đông bào DTTS có nơi còn hạn chế, do đó công tác tập huấn, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới còn khó khăn, hiệu quả của các mô hình dự án chưa cao.
Bàn giải pháp tìm kiếm, thu hút nguồn lực phát triển
Khi thông qua Nghị quyết phê duyệt tổng nguồn vốn giai đoạn 2021-2025 thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi, để có thêm nguồn lực phát triển, Quốc hội giao Chính phủ: “...có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, vốn xã hội hóa cho Chương trình”.
Tại Hội thảo với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển để thông tin chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch hợp tác, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi mới diễn ra cuối tháng 11 vừa qua, bàn về các giải pháp giải quyết những khó khăn, bất cập trong việc huy động các nguồn vốn phát triển Chương trình dựa trên tình hình thực tiễn, đại diện nhiều bộ, ngành, địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp căn cơ.
Theo các đại biểu, cần tăng cường chia sẻ thông tin đa chiều giữa các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương với địa phương làm cơ sở để địa phương có các biện pháp quản lý, vận động, sử dụng viện trợ có hiệu quả; tiếp tục quan tâm giới thiệu các tổ chức, cá nhân có tiềm lực và thiện chí đến tìm hiểu, nghiên cứu để hỗ trợ các khoản viện trợ góp phần giải quyết những khó khăn bức thiết theo định hướng vận động của các tỉnh trên các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, cơ sở hạ tầng nông thôn quy mô nhỏ (đường giao thông, thủy lợi,…), nông nghiệp và phát triển nông thôn kết hợp xóa đói giảm nghèo,…
Tiếp tục vận động các nhà tài trợ, các đối tác phát triển và các tổ chức phi chính phủ quốc tế đóng góp thêm nguồn lực hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN để hỗ trợ giải quyết những vấn đề khó khăn, tạo đà phát triển cho khu vực này.
Song song với đó, các bộ, ngành cùng bắt tay vào cuộc, có những việc làm thiết thực như: Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại một số nước phát triển về quản lý hạ tầng thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS&MN; Tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ, các phiên chợ văn hoá, lễ hội gắn thương mại với du lịch; xây dựng cẩm nang giới thiệu các sản phẩm; Thực hiện các hoạt động truyền thông nhằm quảng bá các sản phẩm. Hỗ trợ xây dựng một số mô hình nhằm tiêu thụ sản phẩm của vùng, cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho địa phương; đẩy mạnh chất lượng đào tạo nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho người DTTS tham gia học nghề, chuyển đổi nghề.
Tiếp tục bổ sung chính sách ưu đãi để thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam ghi nhận đóng góp của các tổ chức phi chính phủ năm 2020. |
Theo các đại biểu, trong quá trình thực hiện cũng cần đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát, quản lý, chỉ đạo các đơn vị chủ quản, đơn vị tiếp nhận dự án thực hiện các thỏa thuận theo đúng cam kết với nhà tài trợ, phối hợp thực hiện hiệu quả các dự án trên địa bàn. Chú trọng nâng cao chất lượng thẩm định các khoản viện trợ không hoàn lại của các tổ chức nước ngoài, đảm bảo việc thực hiện khoản viện trợ đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, nhiều địa phương cũng đề nghị Ủy ban Dân tộc, các Bộ, ngành Trung ương tăng cường hơn nữa trao đổi và cung cấp thông tin cho các nhà tài trợ, các đối tác phát triển, các tổ chức phi chính phủ về nhu cầu thu hút vốn đầu tư vào vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn; cung cấp cho địa phương thông tin về các nhà tài trợ, các đối tác phát triển, các tổ chức phi chính phủ để địa phương chủ động trong công tác vận động, kêu gọi đầu tư cũng như quản lý các dự án. Giới thiệu, cho phép các địa phương tiếp cận các nhà tài trợ có các lĩnh vực phù hợp, lãi suất, điều kiện vay ưu đãi nhất để xây dựng các đề xuất dự án có chất lượng trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Xây dựng kế hoạch vận động viện trợ cho các chương trình, dự án mang tính chiến lược, lâu dài, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS và chủ trương của Nhà nước về hỗ trợ các địa bàn miền núi cải thiện hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, sức khỏe cộng đồng, tăng sinh kế, cung cấp nước sạch, bảo vệ môi trường,...; tạo điều kiện để cấp địa phương tiếp xúc, trao đổi, làm việc để vận động, tranh thủ nguồn viện trợ không hoàn lại để thu hút nguồn viện trợ cho cộng đồng và người dân./.