Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thúc đẩy hợp tác song phương giữa Việt Nam và Pháp

Thứ Ba, 14/11/2023 15:35 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Việt Nam và Pháp có mối quan hệ gắn bó truyền thống lâu đời, hai Bên có cùng mong muốn củng cố và tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp, không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là công nghiệp và thương mại.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Ngài Olivier Brochet, tân Đại sứ Pháp tại Việt Nam 

Ngày 13/11, tại Trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp Ngài Olivier Brochet, tân Đại sứ Pháp tại Việt Nam. Hai bên đã trao đổi nhiều chủ đề phong phú, thiết thực về hợp tác song phương trong ngắn hạn và dài hạn.

Thay mặt Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ sự vui mừng và chào đón Ngài Olivier Brochet trên cương vị mới, nhất là vào thời điểm có ý nghĩa trong quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Pháp. Năm 2023 là dấu mốc đặc biệt trong quan hệ giữa Việt Nam và Pháp khi hai nước kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược.

Bộ trưởng Bộ Công Thương đã khái quát tình hình thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), khẳng định Việt Nam luôn hoan nghênh những kết quả tích cực của việc thực thi Hiệp định EVFTA trong thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam với các nước Liên minh châu Âu, cũng như chứng kiến sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của hai Bên trong việc triển khai các thiết chế của Hiệp định.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao hoạt động của một số Tập đoàn, Công ty lớn của Pháp trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam, đồng thời khẳng định Bộ Công Thương luôn tạo điều kiện hỗ trợ và mong chờ sự nỗ lực hết mình từ phía ngược lại đối với các doanh nghiêp EU nói chung và Pháp nói riêng nhằm đạt được kết quả tốt nhất.

Về phần mình, Đại sứ Olivier Brochet khẳng định kết quả hợp tác giữa Pháp và Việt Nam sau 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược thể hiện tình hữu nghị hai nước Pháp và Việt Nam và dựa trên sự thấu hiểu của nhân dân hai nước khi có cơ hội học tập trao đổi lẫn nhau.

Trong nhiệm kỳ này tại Việt Nam, Đại sứ sẽ ưu tiên các vấn đề liên quan tới tăng cường hợp tác chống biến đổi khí hậu, duy trì sự đa dạng sinh học, hướng tới sự phát triển bền vững; hỗ trợ Việt Nam thích ứng, xây dựng tiêu chuẩn về pháp lý, tận dụng hơn nữa Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) phát triển hơn nữa mối quan hệ kinh tế giữa Pháp và Việt Nam, thúc đẩy các sản phẩm tốt nhất của Pháp tới Việt Nam, trong các lĩnh vực thế mạnh như hàng không, dược phẩm, nông nghiệp, chế biến thực phẩm và tăng cường hợp tác giữa hai nước trên trường quốc tế, duy trì và phát huy những giá trị hai bên cùng chia sẻ như tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo vệ chủ quyền thông qua các diễn đàn chung, đóng góp vào duy trì các giá trị đó.

Đồng thời, Đại sứ nhắc lại lời mời của Thượng viện Pháp mong muốn mời Bộ trưởng tham dự Diễn đàn Pháp – ASEAN trên cương vị là khách mời danh dự vào tháng 12 tới. Diễn đàn tại Thượng viện Pháp là cơ hội quan trọng để Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác với Pháp theo những cam kết đã có sau chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Chính phủ năm 2021 và cũng là dịp để thể hiện vai trò của Việt Nam trong khu vực ASEAN.

Hình ảnh buổi tiếp Ngài Olivier Brochet, tân Đại sứ Pháp tại Việt Nam.

Trên tinh thần trao đổi thẳng thắn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đưa ra nhiều ý kiến với phía Pháp và mong muốn quan hệ song phương ngày càng được cải thiện, xứng tầm với tiềm năng vốn có của hai Bên. Bộ trưởng và Đại sứ đã thể hiện mối quan tâm sâu sắc và cùng chung quyết tâm nâng cao vị thế của mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp, tạo tiền đề cho chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Việt Nam dự kiến vào năm 2024.

Quan hệ giữa Việt Nam – Pháp đã và đang phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư.

Về thương mại, Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại EU và là thị trường chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. Kim ngạch thương mại Việt Nam – Pháp đạt mức tăng trưởng tốt với tốc độ tăng trưởng bình quân 15,7%/năm trong giai đoạn năm 2011-2019. Về xuất khẩu, hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang Pháp tương đối phong phú, đa dạng, bao gồm: giầy dép, dệt may, đồ gia dụng, hàng nông, lâm, thuỷ sản, mây tre đan... và nhập khẩu chủ yếu từ Pháp những mặt hàng có giá trị cao, hàm lượng chất xám và công nghệ lớn, trong đó dược phẩm, máy móc thiết bị và phương tiện vận tải.

Theo số liệu Hải quan Việt Nam, trong năm 2022 xuất khẩu của Việt Nam đã có những tín hiệu phục hồi đáng kể, đưa kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt mức 5,3 tỷ đô la Mỹ, tăng 11,1% so với  năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 3,7 tỷ đô la Mỹ, tăng 15,2% và nhập khẩu đạt 1,6 tỷ đô la Mỹ, tăng 2,8%. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, biến động khó lường, nhu cầu giảm sút và tốc độ lạm phát tăng cao tại EU khiến kim ngạch thương mại hai nước trong 9 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt hơn 3,5 tỷ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp đạt 2,4 tỷ USD và nhập khẩu đạt 1,1 tỷ USD.

Trong lĩnh vực đầu tư, tính đến tháng 2 năm 2023, Pháp đứng thứ 3 trong các nước châu Âu (sau Hà Lan và Anh) và đứng thứ 16 trong tổng số 114 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 549 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,8 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Pháp 09 dự án với tổng vốn đầu tư là 3 triệu USD. 

 

A.N

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN