Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thừa Thiên Huế: Nơi giao thoa, hội tụ phát triển dược liệu quý

Thứ Năm, 16/05/2024 08:10 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Thừa Thiên Huế là nơi có điều kiện tự nhiên đất đai, thổ nhưỡng và khí hậu nhiệt đới phù hợp cho sự phát triển, nơi giao thoa, hội tụ của nhiều hệ động thực vật. Thêm vào đó, điều kiện địa hình đa dạng gồm: núi rừng, gò đồi, đồng bằng duyên hải, đụn cát, đầm phá, biển ven bờ tạo ra một hệ sinh thái phong phú, đa dạng sinh học nên tạo nên nguồn dược liệu phong phú về chủng loại lẫn công dụng làm thuốc.

 Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước, cũng như trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và Nhân dân ta. Thực hiện Nghị quyết 68/2020/QH14 của Quốc hội phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

 Người dân ở Huế tận dụng các vùng đất hoang hóa, đất rú cát, mạnh dạn đầu tư phát triển cây dược liệu.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 17/10/2021 về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Năm 2021 - 2025 và được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo vô cùng sát sao và bố trí hơn 137.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025 để tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên những địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã khẩn trương triển khai nội dung Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý như xây dựng các ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình, tổ chức các đoàn công tác để hướng dẫn, khảo sát, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chương trình tại 21 tỉnh, thành phố; cũng như tổ chức thực hiện hiệu quả việc lồng ghép nhiệm vụ, nguồn lực để bảo đảm mục tiêu của các chương trình mục tiêu quốc gia. 

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đi kiểm tra rừng trồng dược liệu tại huyện Phong Điền. 

Thừa Thiên Huế là nơi có điều kiện tự nhiên đất đai, thổ nhưỡng và khí hậu nhiệt đới phù hợp cho sự phát triển, nơi giao thoa, hội tụ của nhiều hệ động thực vật. Thêm vào đó, điều kiện địa hình đa dạng gồm: núi rừng, gò đồi, đồng bằng duyên hải, đụn cát, đầm phá, biển ven bờ tạo ra một hệ sinh thái phong phú, đa dạng sinh học ở cả 3 mức: đa dạng hệ sinh thái, đa dạng loài và đa dạng nguồn gen, đã tạo nên nguồn dược liệu phong phú về chủng loại lẫn công dụng làm thuốc.

Qua thống kê, tỉnh có hơn 1.600 loài, chiếm hơn 30% tổng số loài cây thuốc của cả nước. Với những tiềm năng vốn có, Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều chương trình kế hoạch triển khai các hoạt động theo chương trình của Chính phủ về phát triển công nghiệp hóa dược. Tỉnh đã tập trung tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược liệu, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, tăng giá trị theo chuỗi sản phẩm hàng hóa và chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm, trong đó có các sản phẩm dược liệu. Người dân cũng đã tận dụng các vùng đất hoang hóa, đất rú cát, mạnh dạn đầu tư phát triển cây dược liệu, bước đầu có những kết quả khả quan, cung cấp nguyên liệu cho thị trường, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Huyện A Lưới là một trong 18 huyện của toàn quốc được chọn để xây dựng vùng trồng dược liệu quý. Huyện này mùa mưa, nắng rõ rệt, nơi có một số loài cây thuốc quý phân bố trong tự nhiên như ba kích, nhân trần, thiên nhiên việc đánh giá lựa chọn những loài cây thuốc có giá trị y tế và giá trị kinh tế để phát triển trồng trọt là có tính khả thi cao. Từ đó đã thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất thuốc từ dược liệu, mang lại tiềm năng rất lớn cho việc phát triển trồng trọt cây dược liệu ở trong nước, trong đó có một số đối tượng cây dược liệu quý có phân bố tự nhiên trên địa bàn tỉnh huyện.

Người dân huyện Phong Điền trồng cây dược liệu quý. 

Tại xã Quảng Nhâm, ngoài sâm bố chính, mới đây, người dân còn trồng thêm cây cà gai leo - loại thảo dược có tác dụng chữa bệnh gân xương, chữa phong thấp, giải rượu, chữa bệnh lý về gan. Toàn xã có gần 10 hecta loại cây dược liệu này với khoảng 25 hộ tham gia.

Huyện Nam Đông đang thực hiện Đề án “Phát triển vùng trồng cây Quế nguyên liệu giai đoạn 2023 - 2030” với mục tiêu đến năm 2025 diện tích trồng cây Quế của huyện đạt từ 900 - 1.000 ha; đến năm 2030 hình thành vùng trồng cây Quế nguyên liệu ổn định 2.500 ha. Ngoài ra, huyện cũng đang chú trọng phát triển cây như Gấc và một số loại cây dược liệu bản địa khác.

Cây tràm gió là cây dược liệu mà người dân ở Thừa Thiên Huế trồng nhiều nhất để cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở kinh doanh dầu tràm. Tại xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc), từ những năm 2000, những mầm gió tràm tự nhiên đã được người dân nơi đây gieo trồng. Nhiều năm sau đó, diện tích trồng được mở rộng. Hiện tại, xã Lộc Thủy có khoảng 60 hecta tràm gió được trồng và đã khai thác lá, đáp ứng 50% nguyên liệu cần có tại địa phương, giúp người dân nghèo ổn định cuộc sống.

Tại huyện Phong Điền hiện có khoảng 183 hecta cây dược liệu, trong đó cây tràm dược liệu khoảng 95 hecta; cây sả, cây nghệ 20 hecta; atiso 55 hecta...

Ở huyện Quảng Điền, đến nay đã phát triển hàng trăm hecta cây tràm gió, nhiều diện tích bồ công anh, nhân trần, đinh lăng, cùng các loài dược liệu mới du nhập vào địa bàn như an xoa, sâm cau…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình khẳng định, địa phương đã tập trung, huy động nguồn lực để triển khai có hiệu quả việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh và bước đầu đã có những kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến rõ nét. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là Chương trình có ý nghĩa quan trọng, giúp tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên những địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi./.

Bài, ảnh: Hoàng Oanh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN