Thủ tướng yêu cầu kiểm tra thông tin “ngân hàng rao bán nợ, tài sản đảm bảo”
(ĐCSVN) - Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm tra thông tin “ngân hàng rao bán nợ, tài sản đảm bảo” và có giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định.
Ảnh minh họa. |
Trước đó, ngày 28/2, Văn phòng Chính phủ đã phát thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về một số vấn đề đang được dư luận quan tâm. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá kỹ thông tin "đói vốn, nhiều doanh nghiệp buộc phải bán cho nước ngoài để giải vây" và có giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định.
Trước đó, báo chí phản ánh Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM kiến nghị ngân hàng mở rộng room tín dụng cũng như việc nới rộng các điều kiện cho vay, tỷ lệ thế chấp, cầm cố tài sản vay… cho các doanh nghiệp vì các doanh nghiệp rất "khát vốn" và không có nguồn tiền để trả nợ, đầu tư…
Tại cuộc gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM vừa qua, các doanh nghiệp phản ánh cơn "khát vốn" đang tăng ở một số ngành như mỹ nghệ chế biến gỗ, ngành vật liệu xây dựng, bất động sản, dệt may... Các quỹ đầu tư nước ngoài đang "săn" các doanh nghiệp này.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM kiến nghị, TPHCM có đề xuất với Chính phủ, bộ, ngành khi ban hành nghị định, thông tư thì có tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp để hạn chế việc ban hành các nghị định, thông tư không phù hợp, làm ách tắc trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Chúng ta cần hành động ngay để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước có thể chống chịu được với các cú sốc và còn tránh tình trạng doanh nghiệp Việt bị rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài với giá rẻ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm tra thông tin “ngân hàng rao bán nợ, tài sản đảm bảo”. Theo phản ánh của báo chí, chỉ trong nửa đầu tháng 2, hàng loạt ngân hàng như Agribank, VietinBank, BIDV, NCB, Sacombank... liên tục rao bán các khoản nợ, tài sản đảm bảo để thu hồi và xử lý nợ xấu.
Trong đó, tài sản được mang ra đấu giá chủ yếu là bất động sản. Đáng chú ý, bên cạnh các khoản nợ có giá trị lớn từ vài trăm tỷ cho tới cả ngàn tỷ đồng, các nhà băng còn rao bán cả những khoản vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo với giá trị chỉ từ vài chục ngàn đồng./.