Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thủ tướng: Sửa Luật Đất đai vừa phải tháo gỡ vướng mắc hiện tại, vừa phải có tầm nhìn

Thứ Sáu, 09/06/2023 15:33 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một luật khó, nhạy cảm, phạm vi rộng, đối tượng nhiều, mong các đại biểu Quốc hội phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, đầu tư thời gian công sức để xây dựng luật vừa giải quyết được những tồn đọng trước đây, vừa phải xử lý những vấn đề hiện nay đang vướng mắc, vừa phải có tầm nhìn thúc đẩy phát triển bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nội dung trên khi phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 9/6. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ sáng 9/6 (Ảnh: Kim Thanh) 

Mạnh dạn phân cấp, phân quyền

Phát biểu với tư cách là một đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự án luật Đất đai là một luật rất quan trọng. Chúng ta đã có Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". 

Chính phủ mong muốn các đại biểu Quốc hội rà soát lại xem dự luật đã bám sát chủ trương đường lối của Đảng chưa? Từ thực tiễn công tác ở các địa phương, các bộ, ngành, rà soát lại xem những vấn đề sửa đổi lần này đã góp phần tháo gỡ được những vướng mắc đang phải xử lý ở thực tiễn chưa?.

Nhấn mạnh "phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo", song Thủ tướng cho rằng “cũng không thể đòi hỏi một lần sửa đổi bao quát hết, xử lý hết vướng mắc ở thực tiễn". Tuy nhiên phải cố gắng làm sao giải quyết được những vướng mắc, bất cập mà chúng ta đang phải xử lý trong quá trình khai thác, sử dụng, phát triển nguồn lực đất đai - nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước.

Theo Thủ tướng, nguyên tắc sửa đổi là phải giải quyết được những vấn đề từ thực tiễn để khai thác tối đa nguồn lực từ đất; vừa phải có tầm nhìn mang tính dự báo để cho luật khi sửa đổi mang tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược hơn. 

Thủ tướng Chính phủ mong các vị đại biểu trên tinh thần đã tích luỹ những kinh nghiệm từ thực tiễn và qua nghiên cứu, học tập ở một số nước, trao đổi kinh nghiệm quốc tế rà soát, nêu ý kiến góp phần hoàn thiện luật để luật khi ban hành đáp ứng mong mỏi của nhân dân. Khi luật được thông qua góp phần giải phóng ngồn lực đất đai, đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà nước, nhân dân, nhà đầu tư.

“Dự Luật nhận được hơn 12 triệu lượt nhân dân tham gia ý kiến đã chứng tỏ nhân dân rất quan tâm và cũng chứng tỏ rất nhiều việc phải giải quyết” - Thủ tướng nói.

Trong phát biểu, Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số vấn đề cần lưu ý, quan tâm khi sửa luật.

Cụ thể, Thủ tướng mong các đại biểu rà soát lại việc phân cấp phân quyền. Phân cấp, phân quyền phải được quy định trong luật thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới làm được. Thủ tướng ví dụ như "10 ha lúa, 20 ha rừng phải lên Thủ tướng Chính phủ, phải qua quy trình nhiều bước thì mất nhiều thời gian, lãng phí nguồn lực, lãng phí cơ hội".  Đồng thời nêu rõ, phân cấp phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng thực thi của cấp được phân cấp và đặc biệt phải tăng cường giám sát, kiểm tra. “Phân cấp phân quyền mà không phân bổ nguồn lực, không nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới thì cũng khó khăn, không tăng cường giám sát kiểm tra thì có khi lại chệch hướng, có khi không đúng mục tiêu” - Thủ tướng nói.

Nêu tinh thần "phải mạnh dạn" phân cấp, phân quyền, theo Thủ tướng, Trung ương làm quản lý nhà nước là làm luật pháp, cơ chế chính sách, thiết kế các công cụ để kiểm tra giám sát… Thực tiễn những tỉnh, thành phố đề nghị cơ chế đặc biệt, ưu đãi đều đề xuất phân cấp, chứng tỏ là có vướng mắc ở thực tiễn chứ không còn là cơ chế ưu đãi.

Đề nghị các vị đại biểu ủng hộ phân cấp, phân quyền tuy nhiên theo Thủ tướng cũng ở mức độ nào để phù hợp với trình độ quản lý ở mỗi cấp.

Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính

Trăn trở về thủ tục hành chính, Thủ tướng cho rằng trong các lĩnh vực có đất đai là nhiều thủ tục hành chính cần tháo gỡ, làm sao giảm được thủ tục hành chính, giảm được chi phí tuân thủ, giảm được đi lại, chi phí không cần thiết cho người dân. Kéo dài sẽ mất chi phí, mất thời gian, mất cơ hội của người dân, doanh nghiệp. Do đó, cần phải rà soát lại giảm thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số vào quản lý đất đai. 

Về quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất, Thủ tướng nhấn mạnh đây là vấn đề cần quy định rõ thẩm quyền, cần phân cấp, phân quyền, cũng phải giảm thủ tục hành chính. Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất phải đánh giá tác động, nghiên cứu kỹ để vừa giải quyết vấn đề nổi lên trong hiện tại trước mắt vừa phải có tầm nhìn dài hạn để phát triển lâu dài, sử dụng tiết kiệm đất.

“Đất đai là hằng số không sinh ra được, phải sử dụng khai thác thế nào cho hiệu quả bao gồm cả không gian trên trời, mặt đất, không gian ngầm, rồi cả không gian biển” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Liên quan đến nội dung tái định cư, Thủ tướng cho rằng đây là nội dung người dân quan tâm nhiều. Thủ tướng nhắc lại quan điểm của Đảng là bảo đảm người bị thu hồi đất có chỗ ở, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Vấn đề là phải lượng hoá được thế nào là "bằng", thế nào là "hơn"? Điều kiện của từng khu vực địa phương có khác nhau thì phải phân cấp để chủ động.

Về định giá đất, theo Thủ tướng, đây là vấn đề khó, thị trường luôn luôn lên xuống, tuân thủ thị trường nhưng có can thiệp gì ở đây khi cần thiết không? Cần có công cụ của Nhà nước để thị trường vừa phát triển lành mạnh nhưng không tạo xáo trộn, khó khăn cho người dân doanh nghiệp khi triển khai dự án hoặc khi phải nhường đất để triển khai dự án. "Không lượng hoá, không cụ thể sẽ dễ dẫn đến việc không bám sát thực tế, tuỳ tiện mà cả hai điều này đều dẫn đến cái sai" - Thủ tướng lưu ý.

Cũng theo Thủ tướng Chính phủ, phải nâng cao năng lực quản lý của cán bộ, phải có cơ sở dữ liệu về đất đai có tính bao quát liên thông giữa các địa phương để tham khảo.

Khẳng định lại đây là một luật khó, nhạy cảm, phạm vi rộng, đối tượng nhiều, Thủ tướng mong các đại biểu Quốc hội phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, đầu tư thời gian công sức để xây dựng luật vừa phải giải quyết được những tồn đọng trước đây, vừa phải xử lý những vấn đề hiện nay đang vướng mắc, vừa phải có tầm nhìn thúc đẩy phát triển bền vững. Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp, tiếp thu tối đa ý kiến hợp lý để hoàn thiện dự án luật quan trọng này./.

Kim Thanh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN