Thu phí người chăm bệnh nhân có hợp lý?
(ĐCSVN) - Một số bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh thu phí đối với thân nhân vào chăm sóc người bệnh, đã tạo ra sự bức xúc, những phản ứng trái chiều. Từ đây đặt ra vấn đề phải minh bạch, công bằng trong hoạt động khám chữa, bệnh tại các bệnh viện hiện nay.
Đã có bệnh viện triển khai thu mỗi người nhà chăm bệnh nhân 30.000 đồng mỗi ngày. Khi người nhà bệnh nhân bức xúc, phản ứng gay gắt vì bệnh viện không có nhà lưu trú, tắm rửa mà thu phí cao thì bệnh viện đã tạm dừng thực hiện quy định này. Cũng có bệnh viện nhiều năm nay thu 100.000 đồng từ người nhà chăm bệnh nhân thứ hai trở đi (áp dụng với một số khu dịch vụ cao, hậu sản, hậu phẫu...).
Một số bệnh viện cho rằng, theo chủ trương của ngành Y tế, bệnh viện phải đảm bảo có đủ quạt mát, giấy vệ sinh, xà phòng rửa tay phục vụ người bệnh, rồi điều hòa, nước nóng ở khu vực điều trị … nên mỗi ngày, các bệnh viện phải tiêu thụ một lượng điện, nước rất lớn phục vụ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Kinh phí tăng thêm đương nhiên các bệnh viện phải chi trả, trong khi nhiều bệnh viện đang phải thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, gặp nhiều khó khăn về kinh phí; do đó, thu phí của người nhà bệnh nhân là hợp lý.
Về việc này, có những quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng, việc thu này là cần thiết, hợp lý do người nhà bệnh nhân vào bệnh viện có sử dụng điện, nước, nhà, vệ sinh nên cần thu để có nguồn kinh phí chi trả lương cho những người làm các dịch vụ đó trong bệnh viện và cũng để hạn chế kẻ gian lợi dụng, trà trộn vào bệnh viện ăn cắp tài sản của bệnh viện hoặc bệnh nhân.
Có quan điển khác đứng về phía người nhà bệnh nhân, không đồng tình với việc thu phí này vì người bệnh đã phải trả chi phí cao khi nằm viện. Người nhà nếu sử dụng khu dịch vụ dành riêng cho thân nhân thì giá cũng rất cao. Khi đi viện, người dân phải chi phí đủ mọi thứ. Những người dân ở nơi xa nếu phải nằm viện lâu dài, con số 900.000đ/tháng không phải là nhỏ. Hơn nữa, việc thu khoán gọn thay vì thu theo dịch vụ mà người nhà bệnh nhân sử dụng, chưa kể chất lượng dịch vụ ở một số nơi còn kém, khiến họ cảm thấy bị bắt chẹt...
Như vậy, vấn đề đặt ra là phải công khai, minh bạch các khoản thu tại bệnh viện, trước hết là căn cứ pháp lý để đặt ra khoản thu này đã chặt chẽ, bảo đảm đúng pháp luật hay không? Dựa trên cơ sở nào để đưa ra mức thu 30.000 đồng hay 100.000 đồng? Sau khi thu thì số tiền này chi như thế nào?
Theo quy định của Bộ Y tế, mỗi giường bệnh đều phải đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt của người bệnh như: Có điều hòa nhiệt độ, có máy hút ẩm, có quạt thông gió… nên các bệnh viện xây dựng giá giường bệnh mà bệnh nhân (hoặc Bảo hiểm Y tế) phải chi trả rất cao. Tuy nhiên, năm 2018, qua khảo sát tại các tỉnh Bắc Ninh, An Giang và Hà Giang thì chỉ có 13/52 phòng điều trị nội trú có lắp điều hòa nhiệt độ, 11/52 phòng có máy hút ẩm, 4/52 phòng có quạt thông gió... Điều đáng nói là tất cả chi phí này đã có trong định mức tạo nên giá giường bệnh nên việc bệnh viện chưa đáp ứng được mà đã thu tiền là chưa hợp lý, khiến người bệnh bị thiệt thòi.
Hay về nhân lực y tế, định mức giá giường bệnh là 1,34 nhân lực/giường bệnh, tỉ lệ bác sĩ và điều dưỡng phải tuân thủ là 1 bác sĩ cần có 3 - 3,5 điều dưỡng. Nhưng thực tế, trước năm 2019 chỉ đạt 0,7 nhân lực/giường bệnh. Số giường bệnh quá nhiều mà nhân viên y tế chưa đảm bảo thì không thể nói chất lượng dịch vụ y tế đã đạt chuẩn.
Tình trạng quá tải bệnh viện khiến không ít nơi bệnh nhân phải nằm ghép từ 2 người, thậm chí 3-4 người/giường, nhưng khi thanh toán thì bệnh nhân vẫn phải chịu đầy đủ theo công thức 1 người/giường/ngày nhân đơn giá thu phí.
Như vậy, chính bệnh nhân đang phải chi trả cho cả những thiết bị, dịch vụ mà họ chưa được hưởng. Điều này là chưa công bằng.
Do đó, để bảo đảm công bằng trong khám, chữa bệnh, ngành Y tế cần có thêm chủ trương đúng đắn và hợp lý hơn để hướng dẫn các bệnh viện thực hiện thống nhất về các khoản thu, cũng như bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh.
Thực tiễn xã hội hiện nay, gia đình có thu nhập trung bình chiếm đa số. Khi có người ốm đau, các gia đình gặp khó khăn rất lớn về kinh tế. Chính vì vậy, bảo đảm an sinh xã hội, không tạo thêm gánh nặng chi phí cho gia đình bệnh nhân phải là quan điểm thống nhất, thấu suốt từ trên xuống dưới.
Phải tiết kiệm chi phí, tránh lãng phí, sử dụng các biện pháp kỹ thuật để hạn chế số lượng người nhà bệnh nhân phải chăm sóc người bệnh là các giải pháp phải làm trước khi nghĩ đến giải pháp “đánh vào túi tiền” của gia đình bệnh nhân./.