Thông tư 13 có chấm dứt tình trạng “loạn giá” dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu?
(ĐCSVN) – Từ ngày 15/8, Thông tư số 13/2023/TT-BYT của Bộ Y tế quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước cung cấp chính thức có hiệu lực. Sau nửa tháng áp dụng, nhiều bệnh viện đã công khai giá dịch vụ này theo quy định mới nhưng cũng có nhiều bệnh viện vẫn chưa có điều chỉnh, đang xây dựng giá một cách thận trọng.
Thông tư 13 không ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT
Bộ Y tế cho biết, Thông tư số 13/2023/TT-BYT quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước cung cấp (Thông tư 13) được Bộ xây dựng theo phương pháp xây dựng giá quy định tại Thông tư 25/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính; quy định thẩm quyền phê duyệt giá cụ thể đối với dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu của các cơ sở y tế trên cở sở chất lượng dịch vụ và điều kiện kinh tế xã hội tại địa phương.
Khung giá dịch vụ ban hành tại Thông tư 13 bao gồm mức giá tối đa và tối thiểu, theo đó mức giá cụ thể dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu được phê duyệt không được thấp hơn hoặc cao hơn khung giá quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu chỉ áp dụng cho đối tượng là người tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu (chiếm tỷ lệ từ 5-10% tại các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương, tuyến huyện gần như không có).
Thông tư 13 của Bộ Y tế được kỳ vọng sẽ loại bỏ tình trạng mỗi bệnh viện có một giá dịch vụ KCB theo yêu cầu khác nhau. (Ảnh minh họa. Ảnh: TL) |
Người có thẻ BHYT vẫn thực hiện chi trả theo mức giá quy định tại Thông tư số 13/2018/TT-BYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu thì thực hiện chi trả theo mức giá quy định tại Thông tư số 14/2018/TT-BYT. Do vậy, Bộ Y tế khẳng định việc ban hành Thông tư 13 không ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu.
Thông tư cũng quy định một số chỉ tiêu chất lượng, nguyên tắc mà các cơ sở y tế sẽ phải thực hiện khi cung cấp dịch vụ theo yêu cầu như: quy định về tỉ lệ giường bệnh theo yêu cầu không quá 20% so với giường thực hiện bình quân của năm trước, tỉ lệ thời gian các chuyên gia, bác sĩ giỏi tham gia khám chữa bệnh yêu cầu tối đa 30%.
Bộ Y tế cho biết, hiện nay, người dân đang đi khám bệnh, chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở y tế dưới 3 hình thức: KCB theo BHYT, KCB không có BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ KCB theo yêu cầu và KCB theo yêu cầu. Tỷ lệ bệnh nhân lựa chọn KCB theo yêu cầu chỉ dưới 10% và chủ yếu tập trung tại các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, ở tuyến huyện hầu như không có. Vì vậy, bảng giá dịch vụ KCB theo yêu cầu được quy định tại Thông tư 13 chỉ áp dụng đối với những người KCB theo yêu cầu, không tác động đến các đối tượng khác.
Theo Bộ Y tế, Thông tư 13 là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên quy định về giá dịch vụ KCB theo yêu cầu ở nước ta. Thông tư này được kỳ vọng sẽ loại bỏ tình trạng mỗi bệnh viện có một giá dịch vụ KCB theo yêu cầu khác nhau.
Cụ thể, theo Thông tư 13, khung giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 (như Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Quân đội 108…), giá tối thiểu là 100.000 đồng/lượt và tối đa 500.000 đồng/lượt. Đối với các cơ sở KCB khác giá tối thiểu là 30.500 đồng và tối đa là 300.000 đồng/lượt.
Riêng trường hợp mời nhân lực trong nước, nước ngoài đến khám, tư vấn sức khoẻ: Đơn vị được thu theo giá thỏa thuận giữa cơ sở KCB và người sử dụng dịch vụ.
Thông tư này cũng quy định khung giá ngày giường điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế), tối thiểu 180.000 đồng/ngày loại 1 giường/phòng, tối đa 4 triệu đồng/ngày loại 1 giường/phòng.
Loại 2 giường/phòng, giá tối thiểu là 150.000 đồng, giá tối đa là 3 triệu đồng. Loại 3 giường/ngày, giá tối thiểu là 150.000 đồng, giá tối đa là 2,4 triệu đồng. Loại 4 giường/ngày, giá tối thiểu là 150.000 đồng, giá tối đa là 1 triệu đồng.
Cũng theo Thông tư 13, có 1.937 loại dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm theo yêu cầu được quy định mức giá tối đa và tối thiểu. Trong đó, phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý lồng ngực có giá tối đa cao nhất, hơn 134 triệu đồng, tối thiểu 91 triệu đồng; siêu âm doppler màu tim 4D không vượt quá 826.000 đồng/lượt; chụp cộng hưởng từ (MRI) có thuốc cản quang không vượt quá 3,701 triệu đồng/lượt…
Nhiều bệnh viện chưa điều chỉnh, đang xây dựng giá một cách thận trọng
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau nửa tháng Thông tư 13 chính thức có hiệu lực, nhiều dịch vụ y tế theo yêu cầu tại các bệnh viện đã công bố có mức giá mới giảm "sâu".
GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế, Bệnh viện đã điều chỉnh ngay bảng giá mới của dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu từ ngày 15/8. Theo đó, tổng chi phí cho mỗi dịch vụ y tế theo yêu cầu ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã giảm nhiều so với trước đây.
Cụ thể, gói sinh mổ (phẫu thuật lấy thai lần đầu) có giá dịch vụ giảm từ 16 triệu đồng còn hơn 6,7 triệu đồng. Gói sinh thường khu dịch vụ giảm từ 14 triệu đồng xuống còn hơn 4,3 triệu đồng…
Lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng chia sẻ, Bộ Y tế có quy định về giá dịch vụ y tế theo yêu cầu là hoàn toàn đúng, tuy nhiên, việc ban hành khung giá cố định như hiện nay vẫn có những điểm chưa hợp lý.
Nhiều dịch vụ y tế theo yêu cầu tại các bệnh viện đã công bố có mức giá mới giảm "sâu". Ảnh: ĐT |
GS.TS Nguyễn Duy Ánh lấy ví dụ, những ca bệnh yêu cầu "đặt hàng" bác sĩ mổ, chọn giờ mổ vào 3-4h sáng… theo hướng dẫn của Thông tư 13, giá dịch vụ là gần 7 triệu đồng, sau khi trừ chi phí các loại thì còn khoảng 500.000 đồng cho cả ê kip mổ. Trường hợp này sẽ không có bác sĩ nào nhận với giá như trên.
Hay với kỹ thuật mổ đẻ, nạo hút thai, với người bệnh không có sẹo tử cung thì ca mổ được thực hiện rất dễ dàng nhưng với bệnh nhân đã có 3 lần sẹo mổ thì khó hơn rất nhiều và mất nhiều thời gian hơn, nguy cơ tai biến cũng cao hơn. Tuy nhiên, theo Thông tư 13 thì chỉ quy định một giá mổ đẻ, tức là tính chung giá cho các ca mổ này.
Ví dụ khác về kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, Thông tư 13 quy định giá theo đầu người. Tuy nhiên, sinh thiết phôi không phải áp dụng trên bệnh nhân mà là triển khai trên phôi. Một người có thể có 3, 5, 10, 20 phôi nên giá phải chi trả theo số phôi, không thể chi trả trên đầu bệnh nhân. Giá các phôi lần sau có thể ít hơn lần đầu. Vì mỗi lần sinh thiết phôi sẽ phải sử dụng đầy đủ vật tư y tế và nhân lực như nhau.
Như vậy, theo GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Thông tư 13 chưa bao phủ hết những đặc tính của một ca phẫu thuật mà mới chỉ đưa ra giá của một kỹ thuật, chưa bao trùm các hoạt động chăm sóc đặc biệt mà người bệnh mong muốn, như yêu cầu bác sĩ mổ, chọn giờ mổ, có người trông bé, mát xa mẹ và bé, thanh toán viện phí tại chỗ, có nhân viên chăm bé cả ngày…
Mặt khác, Thông tư 13 đang quy định cố định mức giá khám chữa bệnh theo yêu cầu trong khi giá cả luôn thay đổi theo thị trường (vật tư y tế…).
Vị lãnh đạo này đề xuất, với các bệnh viện tự chủ, Bộ Y tế nên để các đơn vị tự xây dựng giá đảm bảo theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, có tích lũy để tái đầu tư và phù hợp chi trả của người dân nhưng vẫn đảm bảo việc thu đúng thu đủ. Tức là các bệnh viện tự chủ tự xây dựng giá, công bố công khai mức giá này mỗi năm và tự chịu trách nhiệm. Hằng năm, Bộ Y tế có trách nhiệm hậu kiểm. "Thực tế, nếu bệnh viện nào xây dựng giá quá cao thì sẽ không có bệnh nhân", GS.TS Nguyễn Duy Ánh khẳng định.
Thực hiện theo Thông tư 13, 1.478 dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đều bằng hoặc thấp hơn giá tối đa mà Bộ Y tế quy định, rất nhiều dịch vụ giảm sâu so với trước đây. Giá dịch vụ giảm mạnh, nhưng lãnh đạo bệnh viện cho biết, chất lượng không giảm.
Trong khi một số bệnh viện nhanh chóng công bố giá mới về dịch vụ y tế theo yêu cầu thì vẫn còn nhiều bệnh viện đang trong quá trình xây dựng để có mức giá theo quy định của Thông tư 13. Những bệnh viện này, hầu hết đều đang thu dưới mức giá trần của Thông tư.
Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường, hiện nay, Bệnh viện Đức Giang đang có 36 dịch vụ theo yêu cầu và giá các dịch vụ này đều dưới mức trần của Thông tư 13. Giá giường dịch vụ của bệnh viện hiện là 300-400 nghìn đồng/giường, giường cao nhất 600 nghìn đồng. “Bộ Y tế cho các bệnh viện rà soát đến trước 31/12/2024. Bệnh viện thành lập Tổ rà soát thực hiện Thông tư 13 và đang rà soát về cơ sở vật chất, kỹ thuật nào được thực hiện theo yêu cầu…Vướng mắc hiện tại là các dịch vụ kỹ thuật cần phải có định mức kỹ thuật. Hiện Bộ Y tế mới đang xây dựng và chúng tôi đang chờ” - ông Nguyễn Văn Thường chia sẻ.
Liên quan đến việc Bệnh viện Đức Giang có điều chỉnh tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu hay không, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường cho biết, còn phải phụ thuộc vào phân khúc khách hàng mới có điều chỉnh giá hay không.
Bác sĩ CKII Bùi Minh Cường, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh chia sẻ: “Sau khi rà soát hơn 420 dịch vụ, kỹ thuật, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh quyết định về cơ bản không có sự thay đổi bởi ngay từ đầu, bệnh viện đã xây dựng mức giá bám sát thực tế chi phí được bảo hiểm y tế quy định. Sau khi điều chỉnh, giá khám bệnh chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa I vẫn là 150.000 đồng. Trong khi đó, theo quy định mới, đối với những bệnh viện hạng II như Sản Nhi Quảng Ninh, giá khám chữa bệnh theo yêu cầu tối đa là 300.000 đồng/lượt.
Hội đồng xây dựng giá của bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã được thành lập để tính toán giá mới dựa trên 6 yếu tố gồm: chi phí trực tiếp, tiền lương, quản lý, đề phòng rủi ro, khấu hao tài sản và chi phí tích lũy để tái đầu tư. Bệnh viện đang tiếp tục rà soát và tính toán chi phí cho hơn 1000 dịch vụ, kỹ thuật để hoàn thiện khung giá dịch vụ mới. Quan điểm của bệnh viện là giá cả dù thay đổi thế nào cũng phải phù hợp với túi tiền của người dân, để người dân có thể khám chữa bệnh trong điều kiện tốt nhất”.
Tương tự, nhiều bệnh viện đang áp dụng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu dưới mức trần cũng chưa có điều chỉnh giá, bởi nếu tăng giá sẽ không thu hút được đông người bệnh. “Chúng tôi chưa có điều chỉnh tăng giá giường dịch vụ hay giá các dịch vụ khác, vẫn giữ như hiện tại, bệnh viện còn đang xây dựng và tính toán sao cho hợp lý, đúng với quy định của Thông tư 13”, PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết.
Như vậy, với việc giảm giá và giảm sâu nhiều dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu ở một số bệnh viện, dư luận đặt ra câu hỏi, trước khi có Thông tư 13 của Bộ Y tế thì các bệnh viện xây dựng giá dịch vụ y tế dựa theo tiêu chí nào? Căn cứ vào đâu để định giá dịch vụ y tế theo yêu cầu dẫn đến “loạn giá” dịch vụ? Trả lời câu hỏi này, đại diện Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) cho hay, trước đây khi Bộ Y tế chưa ban hành Thông tư 13, thì các bệnh viện tự xây dựng giá dịch vụ theo yêu cầu, người bệnh không có sự lựa chọn. Tại Thông tư 13, khung giá quy định là giá bình quân qua khảo sát giá dịch vụ theo yêu cầu ở các bệnh viện và được tính toán theo phương pháp “hồi quy tuyến tính”. Cơ quan này đã mất 5 năm để xây dựng và ban hành Thông tư quy định về giá khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Được biết, trước khi xây dựng khung giá, Bộ Y tế đã gửi công văn cho hầu hết các bệnh viện công về việc lập báo cáo giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu mà cơ sở đang thực hiện để làm cơ sở xây dựng giá. Tuy nhiên, Bộ Y tế chỉ nhận được báo cáo của 80 đơn vị, trong khi cả nước có hơn 1.300 bệnh viện công lập, 135 bệnh viện hạng I trở lên.
Theo Vụ Kế hoạch – Tài chính, phương pháp “hồi quy tuyến tính” được sử dụng để xây dựng giá khám chữa bệnh theo yêu cầu. Ví dụ, khi Bộ Y tế tổng hợp số liệu một dịch vụ siêu âm tại các cơ sở y tế, có đơn vị báo cáo mức 500 nghìn đồng, nhiều đơn vị đưa ra mức 200 nghìn đồng, cuối cùng, giá trần siêu âm được đưa ra là 196 nghìn đồng. Hoặc với giá khám bệnh, có đơn vị đưa ra giá 800 - 900 nghìn đồng, nhưng một chuỗi đơn vị khác, bao gồm các bệnh viện Trung ương, lại có mức giá cao nhất là 500 nghìn đồng. Không thể lấy giá cá biệt, cao nhất để xây dựng giá trần mà phải đưa về mặt bằng chung, tránh đưa ra giá tối đa quá cao.
Vì vậy, Thông tư 13 sẽ là khung để các bệnh viện bám vào xây dựng giá dịch vụ y tế theo yêu cầu. Theo đó, tại các bệnh viện, nếu giá dịch vụ y tế theo yêu cầu nào cao hơn giá trần thì phải kéo xuống; giá thấp hơn giá trần nếu kéo lên cần phải có cơ sở thuyết minh chi phí. Thông tư cũng chấm dứt tình trạng “loạn giá”, mỗi nơi một giá, tự các bệnh viện xây dựng “muôn hình, muôn vẻ”, trong đó có những dịch vụ mà người bệnh kêu giá trên trời./.