Thông tin thất thiệt về cây đậu nành: Người nông dân hoang mang
(ĐCSVN) - Mới đây đã rộ lên thông tin những sản phẩm chế biến từ đậu nành, tinh chất mầm đậu nành có nguy cơ gây ung thư cho con người.
Theo số liệu của tổng cục thống kê, sản lượng đậu nành hàng năm của Việt Nam là hơn 300.000 tấn/năm với diện tích trồng là hơn 100.000 ha. Với việc trồng và sản xuất cây đậu nành đã tạo công ăn việc làm cho hàng triệu hộ nông dân và cây đậu nành cũng là cứu cánh cho đời sống của mỗi người nông dân.
Trước thông tin xấu về đậu nành ông Nguyễn Thành Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Khoái Châu, huyện Khóa Châu, tỉnh Hưng Yên - nơi người dân đã thuần thục với việc trồng và sản xuất cây màu đậu nành từ nhiều đời nay than phiền: “Chưa ra ngô ra khoai thế nào mà cứ rầm rĩ lên như thế chỉ chết nông dân chúng tôi. Nông dân chúng tôi trồng đậu nành đã chết, nhưng xã An Vĩ của huyện tôi còn chết hơn nữa vì nơi đây đã có nghề làm đậu phụ truyền thống mà tiếng tăm của đậu phụ An Vĩ đã nổi tiếng tại miền Bắc. Nếu bây giờ cái thông tin ăn sản phẩm của đậu nành gây ung thư thì ai còn giám mua đậu An Vĩ nữa. Thông tin tai ác quá, tất cả chỉ khổ người nông dân. Thu nhập chính từ làm đậu phụ đã không còn, người thì đông ruộng thì ít, mai đây lấy gì mà ăn. Thôi thì lại nông nhàn, lại ùn ùn kéo nhau lên thành phố mưu sinh”.
Cũng như nghề làm đậu phụ, ở xã Văn Phú, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên có sản phẩm tương bần nổi tiếng làm từ đậu nành, ở đây bao trùm lên là tâm trạng lo sợ cái thông tin chưa được xác thực sản phẩm từ đậu nành gây ung thư sẽ ảnh hưởng tới bát cơm manh áo của họ. Anh Nguyễn Văn Quang chủ một cơ sở sản xuất tương bần nói: “Chúng tôi sống chủ yếu trông chờ vào nghề làm tương, tương của chúng tôi nổi tiếng cả nước. Đất nông nghiệp thì phải nhường cho xây dựng dự án rồi, cái tin dữ này mà cứ được đồn thổi thì chúng tôi mất nghiệp..."
Làm tương từ đậu nành. Ảnh: Hoàng Hà
Phải nói rằng đậu nành cùng những sản phẩm của nó đã là nguồn thực phẩm rất lớn cung cấp dinh dưỡng cho người dân Việt Nam từ bao đời nay. Hàng ngày trong bữa ăn của các gia đình đều sẽ có một trong những món như đậu phụ, tương bần, xì dầu, sữa,… Chính vì vậy, thông tin sản phẩm từ đậu nành gây ung thư khiến mọi người dân, cả xã hội lo ngại. Nhà sư Thích Quảng Đức, chùa Hải Ngạn, Đông Anh, Hà Nội cho biết “Từ khi có thông tin ăn đậu nành gây ung thư tôi suy nghĩ quá!”.
Việc kết luận một loại thực phẩm nào đó tốt hay không tốt cho sức khỏe con người, đó là một vấn đề khoa học cần phải có sự thẩm định của các cơ quan khoa học, cơ quan quản lý nhà nước. Việc vội vàng lan truyền những thông tin về đậu nành chưa được kiểm chứng sẽ gây ra những hệ lụy cho người nông dân trồng đậu nành, các hộ gia đình làm đậu phụ, xì dầu, tương, sữa… cho các doanh nghiệp sản xuất đồ ăn chay, sản xuất các sản phẩm có thành phần từ đậu nành; gây nên một hiệu ứng tiêu cực làm bất an và xáo trộn xã hội. Chúng ta đã từng phải trả những bài học đắt giá về việc vội vàng trong thông tin. Ví dụ như cho rằng vải Lục Ngạn liên quan tới viêm não Nhật Bản B làm cho hàng nghìn hộ nông dân ở Lục Ngạn phải khốn đốn, xót xa lắm khi phải nhìn những gương mặt cay đắng của người nông dân Lục Ngạn phải đổ mồ hôi nước mắt của mình là những gánh vải… ra đường. Hay thông tin Ăn bưởi gây ung thư làm cho cả vùng bưởi Năm Roi điêu đứng…
Chúng ta tôn trọng các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, nhưng cũng phải tôn trọng sự kiểm chứng bằng thời gian rất dài của một loại thực phẩm nào đó. Với đậu nành đã là thứ thực phẩm được nhân dân Việt Nam dung nạp thân thiện bao đời nay. Lại cũng phải tôn trọng các công trình nghiên cứu về tính hữu ích của đậu nành:
Tại Nhật Bản: "100 mg Estrogen thảo dược từ tinh chất mầm đậu nành Isoflavones ngăn chặn sự tiêu xương, làm tăng mật độ xương và giảm chỉ số khối u cơ thể" (Công bố của tạp chí Lâm sàng và thực nghiệm Dược lý và sinh lý học, Nhật Bản năm 2004)
Tại Mỹ: Công trình nghiên cứu với đề tài “An toàn và tính hiệu quả của Isoflavones trong đậu nành ở phụ nữ mãn kinh” của tác giả Laura Renee Rejent, Đại học Toledo đã khẳng định: Isoflavone có trong đậu nành có đặc tính ức chế ung thư.
Tại Việt Nam: Theo thầy thuốc nhân dân, GS.TS Nguyễn Đức Vi, nguyên Giám đốc bệnh viện phụ sản Trung ương, nguyên chủ tịch Hội sản phụ khoa Việt Nam “ Isoflavone có trong tinh chất mầm đậu nành không làm tăng nguy cơ ung thư, không gây tăng kích thước khối u”.
Khoa học không biên giới nhưng nhà khoa học phải có Tổ quốc, phải có nhân dân. Những thông tin chưa được kiểm chứng về tác hại của đậu nành với sức khỏe con người có khi chưa giúp đỡ được gì cho sức khỏe người dân mà nhãn tiền đã thấy hàng triệu hộ nông dân trồng đậu nành, các cơ sở sản xuất đậu phụ, tương, xì dầu, sữa, dầu ăn… khốn đốn./.