Thông điệp vì nhân dân
(ĐCSVN) - Các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đã lùi xa, nhưng lịch sử không bao giờ quên những cống hiến, hy sinh của những người có công với cách mạng để viết nên những trang sử rất đỗi hào hùng của dân tộc.
Dù đất nước vẫn còn khó khăn, nhưng với đạo lý truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, tổ chức, thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công. Trong đó, các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện trên khắp cả nước.
Tính đến nay, chúng ta đã thực hiện chính sách ưu đãi đối với hơn 9 triệu người có công với cách mạng. Trong đó, gần 1,2 triệu liệt sĩ; 127 ngàn Mẹ Việt Nam anh hùng; trên 800 ngàn thương binh, bệnh binh; hàng trăm ngàn người bị địch bắt tù đày, người nhiễm chất độc hóa học; hàng ngàn người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, năm nay là dịp cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân tiếp tục nhắc nhở, trân quý đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta, đồng thời cũng nhận thấy trách nhiệm phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tất cả người có công đều được đền đáp xứng đáng hơn.
Thông điệp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chuyển tải tới đồng bào, nhân dân cả nước là: Phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; phấn đấu đến năm 2020, giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác định người có công còn tồn đọng.
Đây là thông điệp vì nhân dân, trọng nhân dân!
Để thực hiện thông điệp trên, có rất nhiều việc phải làm, nói như Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: “Chúng ta không bao giờ tự cho phép mình được ngưng nghỉ, hay tự hài lòng về kết quả chăm sóc người có công”.
Thực tế cho thấy, dù chính sách ưu đãi với người có công đã thực hiện từ bảy thập kỷ qua, nhưng vẫn còn không ít thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ... sống trong hoàn cảnh khó khăn do sự hỗ trợ bằng vật chất chưa đủ đáp ứng với nhu cầu thật của cuộc sống; chính sách hỗ trợ nhà ở vẫn chưa “phủ sóng” đến tất cả người có công.
Dù chỉ là hiện tượng cá biệt, nhưng cũng đủ làm xã hội không thể không phân tâm khi đâu đó vẫn còn chuyện người bị thương tật, bệnh tật, mất tích chưa được công nhận là người có công, là thương binh, liệt sĩ, thanh niên xung phong, người bị nhiễm chất độc da cam..., vì thiếu một số giấy tờ, phải đợi tầng tầng, nấc nấc thủ tục hành chính. Và cũng không thể chấp nhận sự thật khi một số nơi vẫn còn xảy ra chuyện “ăn chặn” hoặc chi sai tiền hỗ trợ với người có công...
Những vướng mắc, hạn chế trong việc thực hiện chính sách ưu đãi với người có công đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận diện, báo cáo với cơ quan có thẩm quyền và công khai với nhân dân, dư luận; đồng thời cũng đã đưa ra giải pháp để chính sách ưu đãi với người có công ngày càng chuẩn mực và minh bạch hơn.
Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật với người có công là việc cần làm và đang được thực hiện, nhưng để chính sách không bị “treo” và được thực hiện nhanh hơn, ngoài quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của nhân dân thì cần đến nguồn lực vật chất nhiều hơn để thực hiện.
Ngoài sự hỗ trợ tăng thêm từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương, thì cần thực hiện xã hội hóa công tác người có công trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội.
Dòng chảy thời gian là bất tận. Điều đó nhắc nhở mỗi người từng phút giây phải đáp nghĩa, tri ân những người có công./.