Thiếu khói bếp, vắng tiếng người!
(ĐCSVN) - Đã đến lúc phải xem lại mô hình Làng văn hóa, để nó trở nên sống động, thật sự là điểm sáng về văn hóa, du lịch của Thủ đô, mà không hao tổn ngân sách nhà nước.
Nhà rông của đồng bào Tây Nguyên trong Làng Văn hóa. (Ảnh Thái Vũ)
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, hay còn gọi là Làng văn hóa 54 dân tộc (từ đây gọi là Làng Văn hóa), được khánh thành vào tháng 10/2010, sau 10 năm xây dựng trên một diện tích rộng lớn, đến 1.544 ha tại Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, với tổng vốn đầu tư 3.200 tỷ đồng.
Nơi đây là một quần thể các công trình từ nhà ở đến nhà mồ, đền chùa, tháp… của các dân tộc từ đa số đến thiểu số trên dải đất hình chữ S Việt Nam. Những ngôi nhà của các dân tộc được chính những người thợ của dân tộc đó xây dựng, trong một mặt bằng đủ rộng, tạo không gian riêng cho mỗi dân tộc, tạo thành những mảnh ghép rất đẹp cho bức tranh tổng thể về văn hóa tộc người. Có thể nói, đến đây du khách bốn phương được đi thăm đất nước Việt Nam thu nhỏ, với khá đầy đủ những nét đẹp văn hóa, kiến trúc, lối sống đặc trưng của mỗi dân tộc Việt Nam, một cách chân thực, ngay tại Hà Nội.
Tuy nhiên, địa điểm văn hóa rộng rãi, đẹp mắt này đang đối diện với thực tế là rất vắng khách đến tham quan, dù Hà Nội đã mở tuyến xe bus từ Kim Mã đến Làng Văn hóa, với giá vé rẻ và chạy liên tục 15-20 phút/chuyến. Rõ ràng, mô hình hoạt động hiện nay chưa hiệu quả.
Đi sâu vào Làng Văn hóa, người ta dễ nhận thấy sự xuống cấp rất nhanh của các ngôi nhà rông, nhà sàn của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc, các dân tộc Tây Nguyên vì những công trình này được làm chủ yếu bằng tranh tre nứa lá, lại không có người sử dụng. Các công trình tuyệt đẹp ấy trở nên cô đơn, xa cách với nguồn cội của nó, không có người ở, không có khói bếp thì ẩm mốc, mối mọt hoành hành, xung quanh cỏ dại xâm lấn.
Vì thế, đã đến lúc phải xem lại mô hình Làng Văn hóa, để nó trở nên sống động, thật sự là điểm sáng về văn hóa, du lịch của Thủ đô, mà không hao tổn ngân sách nhà nước như những năm qua. Nếu coi đây là nơi bảo tồn, lưu giữ văn hóa các dân tộc, rõ nét nhất là kiến trúc thì trùng lặp với mục tiêu của Bảo tàng Dân tộc học, trong khi họ đã làm rất tốt mục tiêu này. Vì vậy, Làng Văn hóa phải xác định lại mục tiêu, để có mô hình quản lý phù hợp.
Nên chăng, để không trùng lặp với mục tiêu lưu giữ, bảo tồn, nghiên cứu của Bảo tàng Dân tộc học, Làng Văn hóa đưa các công trình văn hóa cộng đồng các dân tộc trở thành điểm khai thác du lịch, biến những công trình hiện có thành hạ tầng cơ sở cho hoạt động du lịch, thay vì vai trò hiện vật bảo tàng chỉ nhìn ngắm hiện nay.
Với một không gian được đầu tư, xây dựng hiện nay, nếu có những nhà đầu tư có tầm nhìn để khai thác tiềm năng văn hóa, du lịch thì Làng Văn hóa là một địa điểm lý tưởng. Làng Văn hóa chỉ cần xác định những yếu tố nguyên tắc, tiêu chí cần phải giữ gìn, để trên cơ sở đó nhà đầu tư cùng các chuyên gia tìm ra mô hình khai thác hiệu quả nhất.
Ví dụ, có thể biến những ngôi nhà thiếu hơi người và khói bếp kia trở thành những điểm nghỉ dưỡng cuối tuần cho từng gia đình, từng nhóm bạn bè và du khách nước ngoài khi đến muốn nghỉ lại tại Làng Văn hóa hay không?
Có thể biến không gian của các dân tộc đó thành nơi tổ chức sự kiện được không? Hà Nội đang rất thiếu hội trường tổ chức sự kiện, tổ chức đám cưới, trong khi người ta hoàn toàn có thể tổ chức xe đưa đón khách lên dự tiệc cưới từ Hà Nội đến Làng Văn hóa để có một tiệc cưới với không gian lạ mắt và thoáng đãng…
Khi đã có nhiều khách đến thăm, tham dự sự kiện, nghỉ đêm tại Làng Văn hóa thì các dịch vụ, các loại hình văn hóa của các dân tộc cũng có cơ hội hoạt động, hoàn toàn bằng xã hội hóa. Nếu chưa thay đổi được mục tiêu đặt ra, thì công trình tiếp tục xuống cấp, Nhà nước tiếp tục chi ngân sách trong khi khách đến tham quan ngày một ít đi.
Làm sao mỗi ngôi nhà có khói bếp lan tỏa, mỗi không gian đều náo nức bước chân người để Làng Văn hóa thật sự sống động, thì cần có cách nhìn mới, tìm ra nhà đầu tư phù hợp./.