Thiếu hụt nhân lực trong cấp cứu và hồi sức khiến các bệnh viện quá tải
(ĐCSVN)- Nhân lực cấp cứu và hồi sức đang thiếu hụt khiến các cơ sở y tế luôn quá tải, là thực trạng được các chuyên gia cho biết tại lớp tập huấn về "Quản lý lâm sàng ca bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính" do Bộ Y tế tổ chức.
Lớp tập huấn quản lý lâm sàng ca bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính nặng (SARI) do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức y tế thế giới (WHO) và USAID tổ chức cho các cán bộ y tế đang làm việc tại Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực, Chống độc của ngành y tế Bà Rịa- Vũng Tàu và Bình Thuận, diễn ra hôm nay, 25/9, tại Vũng Tàu. Đây là hoạt động cần thiết trong bối cảnh nhân lực ở lĩnh vực này đang vừa thiếu, vừa yếu.
BSCKII. Trần Ngọc Triệu – Phó Giám đốc Sở Y tế Bà Rịa- Vũng Tàu phát biểu. Ảnh: KT |
BSCKII. Trần Ngọc Triệu - Phó Giám đốc Sở Y tế Bà Rịa- Vũng Tàu - cho biết, ở địa phương, các cơ sở khám, chữa bệnh luôn trong tình trạng quá tải; năng lực quản lý, chuyên môn trong việc thu dung, tiếp nhận, điều trị người bệnh, nhất là các ca bệnh cấp cứu bệnh dịch truyền nhiễm mới nổi giữa các tuyến còn chênh lệch, khiến cho các bệnh viện tuyến cuối càng quá tải, nhất là trong đại dịch COVID-19 vừa qua.
Theo BS CKII Trần Ngọc Triệu, sau khi đối mặt với đại dịch COVID-19, hiện chúng ta phải tiếp tục ứng phó là dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ….Vì vậy, việc nâng cao năng lực trong quản lý lâm sàng các ca bệnh cấp cứu truyền nhiễm luôn là ưu tiên hàng đầu đối với các nhân viên y tế làm việc tại khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực của các bệnh viện.
BS. Vũ Quang Hiếu - đại diện WHO tại Việt Nam - cho biết, trong 10 năm qua, nhiều lớp tập huấn đã được WHO, USAID phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tổ chức cho các cán bộ y tế hồi sức cấp cứu tại các bệnh viện.
Trong dịch COVID-19, đội ngũ này đã đóng góp quan trọng trong chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, sau đại dịch, lực lượng này có nhiều biến động. Đội ngũ cán bộ mới thay thế vừa yếu, vừa thiếu so với nhu cầu.
Do đó, WHO, USAID mong muốn tổ chức các khoá tập huấn nhằm nâng cao hiệu quả cấp cứu cho nhân viên y tế.
Cũng theo BS. Vũ Quang Hiếu, việc nâng cao năng lực trong quản lý lâm sàng các ca bệnh cấp cứu truyền nhiễm, đặc biệt, là nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính nặng, luôn là ưu tiên hàng đầu đối với các nhân viên y tế làm việc tại khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực của các bệnh viện từ tuyến TW, tuyến tỉnh đến tuyến huyện.
Các nhân viên y tế được các chuyên gia hướng dẫn thực hành cấp cứu. Ảnh: TT |
Tại lớp tập huấn, các chuyên gia đã hướng dẫn các học viên nhiều bài học thực hành trên mô hình như: Cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản; thiết lập đường thở cấp cứu; cấp cứu ngừng tuần hoàn nâng cao có sử dụng thuốc, máy móc ; cấp cứu rối loạn nhịp nhanh và chậm ở người lớn; thực hành cấp cứu nhi khoa; cấp cứu sốc phản vệ vv....
Theo các chuyên gia y tế, việc cấp cứu bệnh nhân không chỉ giúp bệnh vượt qua giai đoạn khẩn cấp, mà còn tránh cho nhân viên y tế khỏi những rắc rối hoặc những vấn đề pháp lý có thể xảy ra, đặc biệt vào các thời điểm nguy cơ cao, với những nhóm bệnh nhân nghiện rượu, nghiện thuốc, bạo lực, bị lạm dụng, rối loạn tâm thần; bệnh nhân vào cấp cứu nhiều lần vv...
BSCKI Dương Tín Phúc - Giám đốc Trung tâm y tế Quân Dân y huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) – cho biết, lớp học đã góp phần giúp các cán bộ y tế của Trung tâm nâng cao và cập nhật kiến thức về chăm sóc sức khoẻ, để phục vụ cho nhân dân trên huyện đảo được tốt hơn.
Với sự biến động và chuyển dịch nhân lực y tế sau đại dịch COVID-19, các chuyên gia mong muốn các lớp tập huấn giải quyết phần nào khó khăn về đội ngũ cấp cứu và hồi sức tại các địa phương./.