Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

"Thị trường cây mắc ca, chúng ta vẫn phải tiếp tục theo dõi và đánh giá trong thời gian tới"

Thứ Ba, 12/04/2016 07:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt Quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mắc ca là cây trồng mới tại Việt Nam, bởi vậy, việc phát triển loài này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã có cuộc trao đổi với báo chí.


Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn .
(Ảnh: BT)
 



Phóng viên (PV): Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt đề án phát triển cây mắc ca, xin Thứ trưởng cho biết tại sao Bộ lại phê duyệt diện tích trồng gần 10.000ha?


Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Đúng là quy hoạch cây mắc ca đã được triển khai một thời gian tương đối dài để đảm bảo có thời gian và căn cứ khoa học. Chúng ta đều biết cây mắc ca là cây dài ngày, mới nhập vào Việt Nam và trồng với mục đích trồng lấy hạt để lấy sản phẩm. Do vậy cần được xem xét từ kết quả khảo nghiệm để khẳng định phù hợp với điều kiện đất đai, sinh trưởng phát triển của cây; đồng thời phải xem xét kỹ toàn diện từ các công đoạn thu hoạch, bảo quản, chế biến, cũng như phải nghiên cứu thị trường để đảm bảo phát triển bền vững. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã tham khảo rất nhiều ý kiến qua các hội nghị ở trong nước và quốc tế. Từ đó, khẳng định về quy mô trồng và làm sao bước đầu phát triển bền vững và hiệu quả, nhất là việc chúng ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm từ các cây trồng khác, tránh việc hôm nay trồng ngày mai chặt, gây thiệt hại cho bà con nông dân.

PV: Thị trường đối với mắc ca được xem như là một thách thức, ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này?   

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Đúng là như vậy, có nhiều dự báo trái chiều, trong đó có dự báo cho rằng thị trường mắc ca sẽ rộng mở và phát triển nhanh chóng. Bên cạnh dự báo ấy, có ý kiến cho rằng nhu cầu giữa nguồn cung và khả năng tiêu thụ của thị trường đến đâu thì chưa có kết luận thuyết phục. Do vậy, về thị trường cây mắc ca, chúng ta vẫn phải tiếp tục theo dõi và đánh giá trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã và đang nghiên cứu kỹ thị trường để đưa ra khuyến cáo trong từng thời kỳ cho các địa phương và bà con nông dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Hiệp hội mắc ca thế giới, đồng thời cùng với chính sách ở trong nước để tiếp tục hỗ trợ cho việc trồng cây mắc ca ở nước ta.

PV: Bên cạnh vấn đề về thị trường, việc phát triển cây mắc ca ở nước ta còn gặp những trở ngại gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Mắc ca là cây trồng dùng để lấy làm thực phẩm, việc trồng cây mắc ca không chỉ đơn thuần để sinh trưởng phát triển tốt, cho quả, mà đi liền với công tác này là thu hoạch, chế biến, bảo quản, để hạt mắc ca đảm bảo chất lượng. Hiện nay, chúng ta đã có những bài học rõ của thế giới, ở Úc, người trồng mắc ca có thể bán với giá nhân khô 3-4 đô la/ 1 kg, nhưng nhiều nước ở châu Phi chỉ bán được từ 1-1,5 đô la/ kg. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu như hạt mắc ca bán với giá khoảng 1,4 – 1,5 đô la/1 kg như vậy sẽ không có lãi. Bởi vậy, chúng ta cần tổ chức liên kết giữa các doanh nghiệp để đảm bảo mắc ca thu hoạch được đưa vào chế biến ngay, đảm bảo chất lượng.

PV: Về chất lượng cây giống thì sao, khi nhiều cây giống đang được trồng chưa được kiểm định chất lượng?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Thời gian qua, cây mắc ca trồng ở Tây Nguyên vẫn chưa được kiểm soát tốt về chất lượng, do vậy, trong quy hoạch của chúng tôi, một trong những giải pháp đầu tiên quan trọng là quản lý được nguồn giống để sản xuất ra cây mắc ca. Những loại giống này phải là một trong những giống được Nhà nước công nhận.

Hiện nay, chúng ta có 10 giống đã được công nhận, chúng tôi sẽ tiếp tục khảo nghiệm để khẳng định, công nhận tiếp các giống khác. Tuy nhiên, việc này cần có thời gian, đồng thời cây giống phải được sản xuất bằng phương pháp ghép, nếu trồng bằng giống thực sinh thì khả năng rủi ro rất cao.

PV: Hiện nay nhiều địa phương đang tiếp tục triển khai trồng cây mắc ca, vậy Bộ có khuyến cáo gì đối với người dân trong việc trồng cây mắc ca?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Bộ NN&PTNT đã khuyến cáo sớm và quy hoạch này có thể xem là khuyến cáo vừa là định hướng chính thức. Chúng tôi xác định từ nay đến năm 2020, chỉ trồng khoảng 10.000ha và chủ yếu chỉ trồng xen, còn trồng thuần đến 2020 cũng chỉ trên 2.300ha. Chúng tôi cũng đề nghị với cơ quan chức năng địa phương trên cơ sở định hướng chung, có quy hoạch thực sự chi tiết đến từng địa phương và hướng dẫn bà con nông dân từ trồng trọt đến thu hái và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào liên kết chuỗi, đảm bảo thu mua và tiêu thụ sản phẩm.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng !./.

Bùi Thủy (ghi)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN