Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thi tốt nghiệp THPT đợt 2: Đề thi tổ hợp vừa sức, có sự phân hóa

Thứ Bảy, 07/08/2021 15:29 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Sáng 7/8, thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021, đợt 2 đã hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (gồm các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học), hoặc bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (gồm các môn: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) tùy theo đăng ký.

Đợt 2 của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có hơn 11.000 thí sinh của 38 tỉnh, thành phố tham dự. Cả nước có 13 Hội đồng thi, với 49 điểm thi, 683 phòng thi.

13 Hội đồng thi đặt tại các tỉnh Cao Bằng, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Nai.

Thí sinh tỉnh Tiền Giang dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 2. Ảnh: gdtd.vn 

Nhận xét đề thi môn Hóa học, thầy cô giáo Tổ Tự nhiên - Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng, đề thi đảm bảo mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT, có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu xét tuyển đại học.

92,5% số câu hỏi thuộc chương trình lớp 12; 7,5% số câu hỏi thuộc chương trình lớp 11. Khoảng 70% số câu hỏi (28 câu) ở mức độ Nhận biết và Thông hiểu; 22,5% số câu (9 câu) ở mức độ Vận dụng; 7,5% số câu hỏi (3 câu) thuộc mức độ Vận dụng cao. Đề thi có 27,5% số câu hỏi (11 câu) là bài tập tính toán, 72,5% số câu hỏi (29 câu) là câu lí thuyết. Đề thi không xuất hiện câu hỏi thuộc dạng bài mới. Ngoài việc đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp, đề thi có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu xét tuyển đại học.

Các thầy cô nhận xét: So với đề thi đợt 1, tỉ lệ câu hỏi lí thuyết/câu hỏi tính toán và tỉ lệ câu thuộc lớp 11/lớp 12 có sự khác nhau không đáng kể. Số lượng câu hỏi đơn giản (thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu) phục vụ mục đích xét tốt nghiệp THPT không có sự thay đổi nhiều (khoảng 28-30 câu). Số lượng câu hỏi thuộc mức độ vận dụng và vận dụng cao phục vụ mục đích sử dụng kết quả làm căn cứ giúp các trường đại học tuyển sinh đầu vào có sự thay đổi 1 chút. Cụ thể, số câu vận dụng trong đề lần 2 tăng lên (3 câu) và số câu vận dụng cao giảm xuống (1 câu) nhưng đề không xuất hiện câu hỏi mới, lạ. Sự thay đổi này không ảnh hưởng nhiều đến độ công bằng giữa hai lần thi, tức là đề lần 1 và đề lần 2 có độ khó tương đương nhau. 

Với đề thi môn Sinh học, các thầy cô Tổ Tự nhiên - Hệ thống Giáo dục HOCMAI nhận định chung, đề thi đảm bảo mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông, có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu xét tuyển đại học.

Đề thi tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ GD&ĐT đã công bố, phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp, có độ phân hóa vừa phải để xét tuyển Đại học. Đề thi có cấu trúc và độ khó cao hơn so với đề tham khảo năm 2021 và tương đồng với đề thi đợt 1.

Kiến thức nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12, không có các câu hỏi ứng dụng thực tế liên quan đến dịch COVID-19 như đề 2020 và đề đợt 1. Sự phân bố kiến thức tương đồng với đề các năm: 4 câu lớp 11, 9 câu cơ chế Di truyền, 11 câu Quy luật di truyền, 2 câu di truyền quần thể (đáng tiếc là không có câu hỏi ở mức vận dụng và vận dụng cao), 1 câu di truyền người (vẫn dạng bài toán phả hệ dạng mô tả), 1 câu di truyền học ứng dụng, 4 câu Tiến hóa và 7 câu Sinh thái.

Về độ khó: Khoảng 62,5% lượng câu hỏi nằm trong vùng Nhận biết và Thông hiểu đảm bảo cho mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp. Còn lại 37,5% nằm trong vùng Vận dụng và Vận dụng cao làm nhiệm vụ phân hóa thí sinh cho mục tiêu xét tuyển đại học.

Các câu hỏi được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó, giống như hầu hết các đề môn Sinh trong những năm gần đây và đề tham khảo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố. Ở 10 câu cuối cùng của đề các câu hỏi sắp xếp không theo thứ tự mà ngẫu nhiên do phần mềm trộn đề. Điều này giúp hạn chế các thí sinh lựa chọn ngẫu nhiên đáp án cho 4 câu vận dụng cao mà trước đây thường nằm ở cuối cùng.

Nhìn chung, với mức độ đề như hiện tại, các thí sinh hoàn toàn yên tâm với mục tiêu xét điểm tốt nghiệp. Chỉ cần ôn tập và nắm chắc kiến thức sách giáo khoa thí sinh có thể đạt được điểm 6-7 một cách dễ dàng. Do vậy, đỉnh của phổ điểm có thể ở giá trị 5,5-6,5 điểm. Lượng điểm 10 sẽ không nhiều. So với đề đợt 1, đề thi đợt 2 “truyền thống hơn”, “an toàn hơn” và phù hợp với các thí sinh trong hoàn cảnh phải chờ đợi và vượt qua các vấn đề của đại dịch COVID-19 mang lại.

Với đề thi môn Lịch sử, cô Phạm Thị Phương Thảo, giáo viên Trường THPT Ban Mai, quận Hà Đông, Hà Nội nhận xét: Đề thi môn Lịch sử đợt 2 gồm 40 câu trắc nghiệm với 24 mã đề thi khác nhau. Cấu trúc, phạm vi nội dung đề thi chính thức có những điểm tương đồng với đề thi minh họa đã công bố đầu tháng 4/2021.

Cô Phạm Thị  Phương Thảo cho hay, đề thi môn Lịch sử đợt 2 năm nay không khó, nhưng vẫn bảo đảm phân hóa trình độ của thí sinh, phù hợp với một đề thi để xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông, nhưng vẫn cung cấp một kết quả tin cậy để các trường đại học và cao đẳng có thể sử dụng làm cơ sở để xét tuyển sinh theo quyền tự chủ của nhà trường.

Các câu trong đề thi đều nằm trong chương trình Trung học phổ thông, chủ yếu là lớp 12 (28 câu). Đề thi không có câu nào nằm trong phần giảm tải.

Nội dung kiểm tra, đánh giá mang tính toàn bộ và toàn diện, tuy tỉ trọng có khác nhau do quy định của chương trình môn học, nhưng bao gồm tất cả các vấn đề: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, an ninh - quốc phòng.

Cô Phương Thảo cho rằng, sau 4 năm sử dụng hình thức đánh giá bằng câu trắc nghiệm khách quan, bằng những kinh nghiệm đã được tích lũy, đề thi môn Lịch sử năm 2021 đợt 2 về cơ bản giống với cấu trúc đề thi chính thức năm 2020, nhưng có khả năng phân hóa tốt hơn.

Về đề thi Giáo dục công dân, thầy Trần Văn Năng - giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI nhận định: Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 2 môn Giáo dục công dân thuộc tổ hợp Khoa học xã hội bám sát ma trận đề tham khảo của Bộ GD&ĐT đã công bố và đề thi chính thức đợt 1. Tuy nhiên đề đợt 2 có phần nhẹ nhàng hơn đề đợt 1 và đề tham khảo. Các câu hỏi nhận biết và thông hiểu chiếm tỉ lệ lớn trong đề thi.

Cụ thể, đề thi đợt 2 có 32 câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, chiếm 80% số lượng câu hỏi của đề. Ở vùng câu hỏi này, phương án trả lời có độ nhiễu không cao, thí sinh chỉ cần nắm được kiến thức cơ bản sẽ nhận ra ngay đáp án đúng.

5 câu hỏi ở mức độ vận dụng, xuất hiện ở bài 1 và bài 5, chiếm 12,5% số lượng câu hỏi. Phần lớn là những câu hỏi tình huống đơn giản, học sinh chỉ cần vận dụng kiến thức ở mức độ cơ bản là trả lời được.

3 câu hỏi ở mức độ vận dụng cao, chiếm tỉ lệ 7,5%. Mặc dù số lượng câu hỏi ít nhưng đều là những tình huống phức tạp, dài, có độ nhiễu cao. Tuy nhiên đây lại là những dạng bài quen thuộc, thí sinh có thể đã được các thầy cô luyện đi luyện lại nhiều lần.

Thầy Trần Văn Năng cho rằng, Đề thi tốt nghiệp THPT môn Giáo dục công dân năm 2021 đợt 2 tương đối vừa sức, phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện tại và đi theo mục tiêu chính là xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh.

Thầy cô Tổ Xã hội - Hệ thống Giáo dục HOCMAI - nhận định: Đề thi Địa lý đợt 2 nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12, không có câu hỏi lí thuyết thuộc nội dung kiến thức 11 nhưng có 2 câu thực hành kĩ năng bảng số liệu và biểu đồ lấy số liệu từ lớp 11.

Tỉ lệ câu hỏi lí thuyết/thực hành là 62,5%/37,5%. 75% câu hỏi thuộc mức độ nhận biết - thông hiểu, có 15 câu hỏi sử dụng Atlat tương đương đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT 2021 mà Bộ GD&ĐT đã công bố ngày 31/3/2021.

25% câu hỏi thuộc mức độ vận dụng - vận dụng cao tập trung ở các chuyên đề Địa lí tự nhiên, địa lí các vùng kinh tế và thực hành kĩ năng địa lí. Tương tự như đề thi tham khảo, các câu hỏi tập trung kiểm tra đặc trưng của từng ngành kinh tế, vùng kinh tế. Riêng câu hỏi về kĩ năng có sử dụng bảng số liệu, thí sinh cần có kĩ năng tính toán cơ bản và nắm được đặc trưng của các dạng biểu đồ mới có thể xử lí được.

Các câu  77, 78, 79, 80 (mã 307) đều thuộc chuyên đề Địa lí các vùng kinh tế là những câu hỏi cực khó do khai thác kiến thức liên chuyên đề: Địa lí vùng và địa lí tự nhiên, địa lí ngành. Học sinh cần có kiến thức xuyên suốt các phần để giải quyết được nội dung này.

Nhìn chung, các thầy cô cho rằng đề thi đảm bảo mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp, có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu tuyển sinh đại học./.

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN