Thị sát triển khai môn Khoa học Tự nhiên và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp
(ĐCSVN) - Nhấn mạnh môn Khoa học Tự nhiên là một trong những sự khác biệt rõ ràng của chương trình hiện hành và Chương trình giáo dục phổ thông mới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị, tất cả các cấp quản lý từ Sở đến Phòng GD&ĐT, giáo viên cần nâng cao nhận thức về môn học này và phải có sự quan tâm đầy đủ trong quá trình triển khai.
Ngày 18/10, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu đoàn kiểm tra, thị sát việc triển khai môn Khoa học Tự nhiên và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại tỉnh Hưng Yên.
Tại đây, đoàn đã tiến hành kiểm tra, dự giờ hai môn Khoa học Tự nhiên và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Mạnh Đạt, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GDĐT tỉnh Hưng Yên cho biết: Đối với môn Khoa học Tự nhiên, hiệu trưởng nhà trường tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình của từng môn học, hoạt động giáo dục bảo đảm thời lượng quy định trong chương trình và bố trí dạy học trong mỗi học kỳ một cách hợp lý, khoa học.
Việc bố trí thời gian dạy học cũng linh hoạt, phù hợp với điều kiện giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường, không bắt buộc phải bố trí số tiết dạy học của môn học đều ở tất cả các tuần. Sắp xếp thời khóa biểu phù hợp cho cả năm học hoặc ít nhất cho từng học kỳ, bảo đảm số tiết/tuần theo quy định dành cho mỗi giáo viên.
Cô, trò Trường Trung học Cơ sở Đoàn Thị Điểm trong tiết học môn Khoa học Tự nhiên. Ảnh: TT |
Đối với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên được phân công đảm nhận nội dung hoạt động nào phải có năng lực chuyên môn phù hợp với nội dung hoạt động đó. Trong đó, phân định rõ nhiệm vụ thực hiện chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp với nhiệm vụ của giáo viên làm chủ nhiệm lớp theo quy định hiện hành.
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được tổ chức trong và ngoài lớp học, trong và ngoài trường học theo quy mô nhóm, lớp học, khối lớp hoặc quy mô trường với bốn loại hình hoạt động chủ yếu là Sinh hoạt dưới cờ, Sinh hoạt lớp, Hoạt động giáo dục theo chủ đề và Hoạt động câu lạc bộ cùng sự tham gia, phối hợp, liên kết của nhiều lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường.
Cô Trần Thị Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm, cho biết, mặc dù trải qua một thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhưng nhà trường luôn cố gắng trong việc thực hiện giảng dạy cho học sinh đủ thời gian, kiến thức và hoàn thành năm học. Đối với những môn học mới, nhà trường đã xây dựng kế hoạch năm học, giáo viên nỗ lực hòa nhập và nắm rõ các văn bản chỉ đạo của Bộ, Sở. Bên cạnh đó, tổ chuyên môn cũng cập nhật nhật ký của giáo viên để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Nêu những khó khăn hiện tại trong quá trình thực hiện, cô Trần Thị Yến cho hay, mặc dù nhà trường đã chủ động sắp xếp giáo viên và kế hoạch năm học nhưng giáo viên có trình độ chuyên môn còn thiếu, có điều động nhưng chưa đủ. Đây là môn học mới vì vậy giáo viên đứng lớp cũng bỡ ngỡ, vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm.
Là người trực tiếp truyền đạt kiến thức đến học sinh, cô Nguyễn Thùy Dương, giáo viên môn Khoa học Tự nhiên học cho biết, đây là môn học mới được xây dựng với mục tiêu phát triển năng lực của học sinh. Điều này mang đến cho giáo viên những điều mới mẻ và cả những thách thức. Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến môn học phải triển khai trực tuyến một thời gian dài ở năm học trước, trang thiết bị dạy học còn thiếu, giáo viên chuyên môn không đủ… là những vấn đề đặt ra trong quá trình giảng dạy.
Cô Phạm Thị Thanh Thảo, giáo viên môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp chia sẻ, học sinh tại trường rất hào hứng và mong chờ tới tiết học này vào mỗi tuần. Để mang lại hiệu quả cho những giờ học, ngoài việc nắm chắc những hướng dẫn về triển khai tiết học theo chương trình mới, cô Thảo còn tham khảo các giờ học mẫu, tăng cường trao đổi, tương tác với học sinh, đồng nghiệp. Ngoài ra, những tiết học thực tế, tham quan, trải nghiệm các làng nghề tại địa phương cũng được cô Thảo quan tâm, chú trọng, thực hiện trong quá trình xây dựng giáo án của mình.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc với Sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên. Ảnh: TT |
Ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng, chú trọng đầu tư của ngành giáo dục tỉnh Hưng Yên, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 là việc khó khăn, nhưng có thể thực hiện được và mang lại kết quả tốt. Nhấn mạnh môn Khoa học Tự nhiên là một trong những sự khác biệt rõ ràng của chương trình hiện hành và Chương trình giáo dục phổ thông mới, Thứ trưởng đề nghị, tất cả các cấp quản lý từ Sở đến Phòng GD&ĐT, giáo viên cần nâng cao nhận thức về môn học này và phải có sự quan tâm đầy đủ trong quá trình triển khai.
Về việc xây dựng chương trình, Bộ GD&ĐT đã đưa ra các văn bản hướng dẫn các môn học, chủ yếu là giáo viên các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học trước đây thiết kế giáo viên dạy theo chủ đề và tiến độ của chương trình, trường hợp đặc biệt thì có thể bố trí dạy song song. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị cần xem xét, họp bàn thống nhất, làm thí điểm một huyện và triển khai toàn tỉnh để sắp xếp lại hệ thống giáo viên đang triển khai chương trình hiện nay trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Trong tiến độ triển khai chương trình ưu tiên cho môn Khoa học tự nhiên trước nếu có những khó khăn về bố trí giáo viên để thực hiện theo đúng tiến độ.
Thứ trưởng cũng lưu ý cần tăng cường tập huấn giáo viên, bồi dưỡng thông qua sinh hoạt chuyên môn cho các giáo viên các môn học mới; đầu tư, chú trọng mua sắm thiết bị mặc dù có những khó khăn trong việc thẩm định giá…
Đồng thời, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác quản lý, đặc biệt đối với hiệu trưởng tại các trường phổ thông trong công tác chỉ đạo, đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông. Tránh trường hợp giáo viên muốn đổi mới nhưng không thể đổi mới vì không có sự ủng hộ. Mỗi giáo viên cần quyết tâm và chú trọng việc đổi mới hơn nữa, tạo ra những giờ học sinh động, khác biệt, thu hút và phát triển năng lực của học sinh./.