Thêm một quyết sách hợp lòng dân
(ĐCSVN) - Dù chỉ là ngắn hạn, là giải pháp tạm thời cho người dân và doanh nghiệp, song “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, những chính sách hỗ trợ thiết thực cho nhân dân trong lúc khó khăn thực sự là nguồn động viên rất lớn... Ở đây “ý Đảng” hợp với “lòng dân” để cùng nhau vượt qua “sóng lớn”.
Người dân Hà Nội nhận gói hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ trong năm 2020. (Ảnh: TH) |
Đại dịch COVID-19 đã, đang gây xáo trộn mọi mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt, đợt tái bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 này hết sức nghiêm trọng, diễn ra trên diện rộng, không chỉ ảnh hưởng những ngành du lịch, dịch vụ, thương mại, văn hóa, thể thao… mà còn đánh vào ngành sản xuất, các khu công nghiệp... Do dịch tái bùng phát nhiều lần nên “sức khỏe” doanh nghiệp đang suy kiệt, người lao động và người dân cũng gặp khó khăn và những người neo đơn, hộ chính sách lại càng bị ảnh hưởng, “trọng thương” nhiều nhất.
Hiểu rõ được điều đó, tại phiên họp chiều 25/6/ 2021, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đồng thời giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ phối hợp Đảng đoàn Quốc hội căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị, chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, sớm ban hành và triển khai thực hiện.
Quyết định của Bộ Chính trị một lần nữa lại tiếp tục nhận được sự đồng tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nhiều người đánh giá nó thật sự là một chính sách nhân văn, kịp thời, đáp ứng mong mỏi của hàng trăm nghìn người bị thiệt hại do dịch bệnh, đã thêm một lần khẳng định sự vào cuộc bứt tốc của cả bộ máy, thắp sáng thêm niềm tin của người dân cả nước vào những quyết sách đúng đắn, nhân văn của Đảng, Nhà nước ta.
Điều đáng nói là đây không phải lần đầu tiên Đảng, Nhà nước quyết định những quyết sách mang tính an dân như thế này. Trước đó, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, năm 2020, Chính phủ ban hành nghị quyết hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn vì COVID-19 với tổng mức hỗ trợ lên tới 62.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ đó theo đánh giá là đã có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng. Nó không chỉ góp phần hỗ trợ người dân, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp mà nhờ nó đã hạn chế được những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra; qua đó góp phần phục hồi sản xuất, bảo đảm đời sống và an toàn cho người dân, tiếp tục nâng cao niềm tin trong nhân dân về các chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.
Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, đại dịch COVID-19 tiếp tục tác động mạnh tới thị trường lao động, trong quý I/2021, có tới 9,1 triệu lao động bị ảnh hưởng. Trong đó, có hơn 500.000 lao động bị mất việc làm, hơn 2,8 triệu người phải tạm nghỉ việc không lương. Chưa hết, 5 tháng đầu năm 2021, có 59.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp “rút lui” khỏi thị trường…
Những con số “biết nói” cho thấy, doanh nghiệp và người lao động đang ảnh hưởng rất nặng nề bởi đại dịch bệnh và họ cần có “phao cứu sinh” trong những lúc lâm nguy. Và quả thật "phao cứu sinh" đã đến rất kịp thời. Bởi thực tế trước đó đã chứng minh dù chỉ là ngắn hạn, dù chỉ là giải pháp tạm thời cho người dân và doanh nghiệp, song “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, những chính sách hỗ trợ thiết thực này thực sự là nguồn động viên rất lớn đối với người lao động, đối với doanh nghiệp để cùng nhau vượt khó.
Chủ trương, chính sách mà Bộ Chính trị đưa ra đã rất đúng lúc, thiết thực và mang tính nhân văn sâu sắc. Điều quan trọng là quá trình thực thi trong cuộc sống sẽ triển khai như thế nào? Nắm bắt được điều này, phát biểu kết luận tại cuộc họp chiều 25/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã yêu cầu: Rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và tiếp thu kinh nghiệm, biện pháp hỗ trợ của các nước trên thế giới để tập trung rà soát, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ một cách cụ thể, xây dựng định mức hỗ trợ phù hợp, bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả, thiết thực.
Thiết nghĩ, để triển khai được một quyết định nhân văn như thế, ngay từ lúc này, các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu, tìm hiểu và rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết 42 để có các giải pháp tham mưu, triển khai, giám sát chặt chẽ để bảo đảm nguyên tắc hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời, thủ tục nhanh gọn, dễ làm, không được phiền hà, đặc biệt là không được để xảy ra tiêu cực...
Muốn thế, phải gắn với trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương và người được thụ hưởng cũng phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình. Mặt khác, cần phải chia ra theo các thành phần là hỗ trợ doanh nghiệp và hỗ trợ người dân, người lao động. Càng cụ thể, càng rõ ràng thì chính sách càng nhanh chóng đi vào cuộc sống. Và lúc đó, ý nghĩa của gói hỗ trợ mới thực sự phát huy tác dụng là giúp đỡ người dân, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn…/.