Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thể thao Việt Nam: Vì sao tụt hậu?

Thứ Ba, 13/08/2024 10:51 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Đoàn thể thao Việt Nam một lần nữa trắng tay tại một kỳ Olympic trong khi những đoàn thể thao cùng trong khu vực Đông Nam Á có những dấu ấn đáng kể. Phải chăng thể thao Việt Nam đang có bước thụt lùi?

Olympic Paris 2024 khép lại và vị thế đoàn thể thao Việt Nam với thế giới và khu vực đã được thể hiện khá rõ ràng trong những ngày qua. Tại Olympic Paris 2024, các vận động viên Việt Nam đã lần lượt thất bại và trở về nước khi Thế vận hội mới đi được hơn nửa quãng đường. Các vận động viên của chúng ta đều không thể tạo nên bất ngờ. Theo đó, những trận thua của Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh (boxing), Lê Quốc Phong và Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung), Hoàng Thị Tình (judo), Võ Thị Mỹ Tiên (bơi lội), Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Nguyễn Thị Thật (xe đạp)… đều nằm trong dự đoán. Trong khi, Thùy Linh và Đức Phát (cầu lông) dù có 1 chiến thắng, nhưng đều dừng bước trước những đối thủ mạnh hơn ngay vòng ngoài, quá xa so với mục tiêu cạnh tranh huy chương. Với Trịnh Văn Vinh (cử tạ), thất bại ở cả 3 lần cử giật mức đăng ký thấp nhất là 128kg thể hiện sự bất lực của anh và cả đoàn thể thao Việt Nam ở sân chơi Thế vận hội.

Trong số các vận động viên tham dự Thế vận hội lần này, chỉ có Trịnh Thu Vinh là cái tên để lại nhiều tiếc nuối khi hai lần vào chung kết môn bắn súng. Nhưng điều đáng nói, Trịnh Thu Vinh cũng chưa phải là mũi nhọn thực sự để có thể tranh chấp huy chương bởi cô chưa đạt tới tầm cỡ một xạ thủ đẳng cấp hàng đầu.

Trịnh Thu Vinh là điểm sáng hiếm hoi của thể thao Việt Nam ở Olympic Paris.

Ngược lại với Việt Nam, đấu trường Olympic chứng kiến sự bứt phá của khu vực Đông Nam Á, khi Philippines dẫn đầu khu vực và đứng thứ 37 bảng tổng sắp huy chương với 2 HCV và 2 HCĐ. Indonesia đứng thứ 39 (2 HCV, 1 HCĐ), Thái Lan thứ 44 (1 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ), Malaysia thứ 80 (2 HCĐ) và Singapore thứ 84 (1 HCĐ). Nhìn bảng thành tích này có thể thấy rõ Việt Nam đứng dưới nhiều quốc gia, dù chúng ta thường xuyên vào tốp 3 Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games), thậm chí dẫn đầu một số đại hội gần đây. Mới nhất tại SEA Games 32 (Campuchia), Việt Nam đoạt ngôi nhất toàn đoàn với 136 HCV. Với kỳ SEA Games 2021 tổ chức trên sân nhà, đoàn thể thao Việt Nam thể hiện sự thống trị tuyệt đối với 205 HCV, nhiều hơn cả đoàn đứng thứ hai (Thái Lan, 92 HCV) và ba (Indonesia, 69 HCV) cộng lại. Đáng buồn. Những tấm HCV ở SEA Games của thể thao Việt Nam không có giá trị khi ra sân chơi tầm cỡ Olympic. Việt Nam có nhiều vận động viên đẳng cấp cao ở Đông Nam Á nhưng so với tầm thế giới vẫn thua xa, hoặc Olympic không có những môn thể thao đó. Thực tế, thiếu ngôi sao đẳng cấp thế giới, thể thao Việt Nam khó mơ huy chương Olympic.

Những thất bại của thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024 thực ra là câu chuyện đã được dự đoán từ trước, khi các vận động viên tới sân chơi lớn nhất hành tinh với sự hạn chế cả số lượng và chất lượng. Cụ thể, Việt Nam chỉ có 16 vận động viên tham dự Olympic Paris 2024, xếp dưới lần lượt Thái Lan (51), Indonesia (29), Malaysia (26), Singapore (23) và Philippines (22).

Số lượng vận động viên tham dự Olympic là một chuyện, điền quan trọng hơn là khả năng cạnh tranh ở đẳng cấp thế giới. Phải thừa nhận, đoàn thể thao Việt Nam dự Olympic 2024 không có môn mũi nhọn thực sự mà chủ yếu trông chờ vào sự đột phá của bản thân vận động viên, cũng như phần nhiều chờ kỳ tích cá nhân. Đó cũng là lý do mà ngành thể thao Việt Nam thay vì đặt mục tiêu huy chương cụ thể ở môn thể thao hay vận động viên mà chỉ đưa ra mục tiêu "phấn đấu có huy chương".

“Trắng tay” tại Olympic Paris 2024 là kết quả được dự đoán trước. Trước đó, ngành thể thao Việt Nam cũng đã đưa ra định hướng vươn lên ở đấu trường Asiad và Olympic từ lâu, nhưng thành tựu đạt được đến nay vẫn khá hạn chế. Nhìn lại, từ cột mốc Olympic Moscow 1980, đoàn thể thao Việt Nam đã có hành trình 44 năm tại thế vận hội. Trải qua 11 lần tham dự, dấu ấn của thể thao Việt Nam tại Olympic rất mờ nhạt với 5 huy chương (1 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ). Với thành tích kém xa các nền thể thao mạnh khác cùng khu vực ấy, dường như thể thao Việt Nam đang tham gia đấu trường Olympic thuần túy mang tính học hỏi và tích lũy kinh nghiệm.

Không những vậy, chiến lược vươn ra biển lớn Olympic của thể thao Việt Nam cũng quả không mấy khả quan khi không chỉ sa sút dần về số lượng và khả năng cạnh tranh mà còn kém về mặt thành tích. Vào năm 2016, 23 vận động viên tham gia tranh tài ở Olympic Rio nhưng con số này giảm xuống 18 vận động viên ở Tokyo 2020 và chỉ còn 16 vận động viên ở Paris 2024. Và như đã thấy, liên tiếp từ Olympic Tokyo 2020 đến Olympic Paris 2024, thể thao Việt Nam không thể có tấm huy chương nào.

Những vấn đề của thể thao Việt Nam luôn được chỉ ra sau mỗi kỳ Asiad và Olympic. Rất nhiều bài học được ngành thể thao rút ra, cũng có khá nhiều phân tích, đánh giá, đi tìm các nguyên nhân để giải quyết. Kết quả tại Olympic Paris 2024 lại là bài học để ngành thể thao Việt Nam nhìn nhận và đánh giá lại sự đầu tư cũng như chiến lược. Từ việc tìm kiếm nguồn đầu tư ra sao, tuyển chọn, tìm kiếm tài năng cho đến huấn luyện, tập huấn, thi đấu cọ xát tích lũy kinh nghiệm và bản lĩnh… tất cả cần có một lộ trình phát triển với kế hoạch lâu dài, bài bản và đồng bộ.

Cũng cần khẳng định, không phải đến thời điểm này, giới quản lý thể thao mới nhìn ra “vấn đề” của thể thao Việt Nam nhưng thấy là một chuyện còn cách làm, hướng đi và mục tiêu ra sao lại là điều đáng bàn. Khi thể thao Việt Nam đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán tiến ra thế giới, nhiều quốc gia ở Đông Nam Á đã bỏ xa ở đấu trường quốc tế. Ngay lúc này, rất buồn để công nhận rằng, Thể thao Việt Nam đang bị tụt lại, không chỉ so với thế giới mà ngay ở trong khu vực./.

Hồng Ngọc

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN