Thế hệ trẻ thay đổi tư duy hướng nghiệp để không bị thất nghiệp
(ĐCSVN) - Theo một số chuyên gia, việc nhiều thí sinh không đăng ký nguyện vọng vào đại học năm nay chính là sự thay đổi tích cực trong tư duy hướng nghiệp để không bị thất nghiệp. Đây thực sự là một thay đổi phù hợp với thực tế của thị trường lao động nước ta đang trong thời kỳ hội nhập, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Nhiều thanh niên chọn con đường học nghề để lập nghiệp.
(Ảnh minh họa. Nguồn: hanoimoi.com.vn)
Tại Hà Nội, tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi cụm địa phương cũng tăng đáng kể. Cụ thể, trong tổng số 66.006 thí sinh dự thi có 14.716 thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp. Trong khi năm 2015, khoảng 84.000 thí sinh dự thi, lượng thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp là 11.000. Nhiều trường có tỷ lệ học sinh đăng ký thi cụm địa phương cao hơn 70% như THPT Anhxtanh, THPT Mạc Đĩnh Chi 90%.
Tại Nghệ An, địa phương có thí sinh đăng ký kỳ thi tốt nghiệp THPT cao nhưng tỷ lệ chọn vào nguyện vọng cao đẳng, đại học thấp nhất, có tới 40% hồ sơ chỉ đăng ký nguyện vọng tốt nghiệp THPT.
Điều khiến dư luận quan tâm là Hà Nội và Nghệ An vốn là những địa phương luôn có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển đại học thuộc loại cao của cả nước. Vậy, tại sao năm nay, thí sinh lại không mặn mà với cánh cửa đại học?
Theo số liệu thống kê năm 2014 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cả nước có 162.400 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp. Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 4/2015 do Bộ Lao động-Thương binh và xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê công bố ngày 18/3/2016 cho thấy: Quý 4/2015 cả nước có 1.051,6 nghìn người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. Đáng nói, trong số những người bị thất nghiệp, có 417,3 nghìn người có chuyên môn kỹ thuật (chiếm 39,7%), bao gồm: 155,5 nghìn đại học trở lên; 115 nghìn cao đẳng chuyên nghiệp...
Nhìn vào những con số biết nói trên, có thể thấy, việc thí sinh không đăng ký nguyện vọng vào các trường đại học, cao đẳng chính là một sự thay đổi tích cực để phù hợp với thực tế. Trước đây, hầu hết các thí sinh đều đăng ký thi đại học, cao đẳng. Nhiều gia đình nghèo đã đi vay nợ, bán cả trâu bò để cố lo cho con có tấm bằng đại học nhưng khi cầm tấm bằng rồi lại chẳng tìm nổi việc làm. Nay họ đã không còn kỳ vọng với chuyện phải có tấm bằng đại học mà bắt đầu nhận thức rõ hơn: Học phải để lập nghiệp, phải sát với nhu cầu thực tế. Đây chính là dấu hiệu đáng mừng về tư duy hướng nghiệp.
Tại Nghệ An, khi trao đổi với báo chí, một số em không đăng ký nguyện vọng vào đại học đã xác định, sau khi tốt nghiệp THPT, các em sẽ chọn phương án đi xuất khẩu lao động nước ngoài, hoặc đi học nghề để về làm việc tại các khu công nghiệp gần địa phương mình.
Những năm gần đây, báo chí đã phản ánh rất nhiều cử nhân, thạc sỹ ra trường không có việc làm đã giấu bằng đi làm công nhân hoặc chuyển hướng đi học nghề. Một số chuyên gia giáo dục và đào tạo đã gọi đây là việc định vị lại mình trong thị trường lao động để kiếm sống. Việc nhanh chóng định vị lại này là con đường ngắn nhất để lập nghiệp trong bối cảnh đất nước đang công nghiệp hóa hiện đại hóa.
Theo khuyến cáo của Tổng cục Dạy nghề, các doanh nghiệp đang tăng cường sử dụng công nghệ quản lý, sản xuất hiện đại, vì thế lực lượng lao động gián tiếp chỉ chiếm tỉ lệ từ 5-6%, còn lại là lao động đã qua đào tạo nghề. Thống kê của cơ quan này cho thấy, có tới 70% học viên, sinh viên học nghề trên toàn quốc ra trường có ngay việc làm, trong đó có những nghề, doanh nghiệp vào tuyển dụng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và trả lương cao.
Từ những phân tích trên, nhiều chuyên gia về giáo dục và đào tạo đã khẳng định, việc thí sinh không đăng ký nguyện vọng vào đại học năm nay chính là sự thay đổi tích cực về tư duy hướng nghiệp để không bị thất nghiệp. Ý hướng lập nghiệp mới này sẽ còn tiếp tục để phù hợp với thực tế của thị trường lao động nước ta trong giai đoạn công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đồng thời tránh được lãng phí lớn về thời gian, tiền của cho các gia đình.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng nhấn mạnh, mặc dù thị trường lao động Việt Nam đang cần ‘thợ” hơn “thầy” nhưng thợ ở đây là thợ được đào tạo bài bản, thợ làm được việc, có tay nghề cao. Do đó, hệ thống các trường đào tạo nghề cần phải nhanh chóng đổi mới phương pháp đào tạo, gắn đào tạo với thực tế, nâng cao chất lượng đầu ra, để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động đang hội nhập ngày càng sâu rộng./.