Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thế giới vừa trải qua tháng 8 nắng nóng kỷ lục

Thứ Tư, 04/09/2024 10:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Ngày 3/9, Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) công bố dữ liệu sơ bộ cho thấy, trong tháng 8/2024, thế giới đã trải qua nền nhiệt trung bình ở mức cao kỷ lục trong năm thứ hai liên tiếp.

 Ảnh minh họa: Getty Images

Mặc dù nhiệt độ trung bình trong tháng 8/2024 vẫn chưa được xác định cụ thể, song C3S cho rằng nhiệt độ sẽ cao hơn mức kỷ lục 16,82 độ C (62,28 độ F) được ghi nhận vào tháng 8 năm ngoái.

Theo dữ liệu từ nhiều cơ quan khí tượng khác nhau, một số nước như Australia, Nhật Bản cùng một số tỉnh của Trung Quốc và và quần đảo Svalbard nằm giữa đất liền Na Uy và Bắc Cực đều ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng 8/2024. Theo C3S, nền nhiệt trong tháng 8/2024 đã tiếp nối chuỗi thời gian 15 tháng, trong đó mỗi tháng đều phá vỡ kỷ lục nhiệt độ của chính nó trong các năm trước đó.

Dữ liệu từ C3S cho thấy, nền nhiệt trong tháng 7/2024 đã “dịu hơn một chút” so với tháng 7/2023. Tuy nhiên kết quả này lại đi ngược lại so với đánh giá của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) – vốn cho rằng tháng 7/2024 là tháng nóng nhất từng được ghi nhận.

Dù vẫn còn nhiều đánh giá chưa đồng nhất, song 2023 vẫn được ghi nhận là năm ấm nhất trong lịch sử kể từ khi các dữ liệu thời tiết bắt đầu được lưu giữ vào tháng kỷ 19. Đầu tháng 8/2024, C3S đã cảnh báo năm 2024 nhiều khả năng sẽ là năm nắng nóng kỷ lục, “xô đổ” kỷ lục về nắng nóng được ghi nhận trong năm 2023. Theo C3S, nhiệt độ trong tháng 7/2024 ấm hơn 1,48 C (34,66 F) so với nhiệt độ trung bình ước tính cho tháng 7 trong giai đoạn 1850-1900, trước khi nhiên liệu hóa thạch được sử dụng rộng rãi và trở thành động lực chính gây ra biến đổi khí hậu.

Một số nhà khoa học cũng chia sẻ nhận định này và cho rằng năm 2024 có thể vượt qua năm 2023 để trở thành năm nóng nhất trong lịch sử do biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết tự nhiên El Nino – kết thúc vào tháng 4 vừa qua đã đẩy nền nhiệt trong năm 2024 lên cao hơn bao giờ hết.

Các nhà khoa học cảnh báo rằng nhiệt độ cao chưa từng có này phần lớn xuất phát từ tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra, kéo theo các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên và dữ dội hơn. Hay nói một cách cụ thể hơn, thế giới đang trải qua nền nhiệt cao chưa từng có trong ít nhất 120.000 năm. Trước thực tế đáng quan ngại nói trên, các nhà khoa học và những người ủng hộ môi trường từ lâu đã kêu gọi chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để ngăn chặn những tác động thảm khốc của biến đổi khí hậu, bao gồm cả những đợt nắng nóng gia tăng./.

T.Lan (Theo world-arabia, dawn.com)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN